Không thể tin nổi "có những tiết dự giờ đột xuất dập cho chết đồng nghiệp"

30/11/2021 07:30
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong một trường học mà để xảy ra tình trạng “Có những tiết dự giờ đột xuất "dập cho chết" đồng nghiệp” như thế, thử hỏi các đoàn thể trong trường học ở đâu?

Bài viết “Có những tiết dự giờ đột xuất "dập cho chết" đồng nghiệp” [1] của tác giả Đỗ Quyên đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhận được sự bình luận của giáo viên các cấp.

Thầy giáo T. (đề nghị không nêu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi đi dạy gần 40 năm, chuẩn bị về hưu, nhưng đọc xong bài này tôi không tin đó là sự thật.

Nếu câu chuyện này có thật ở trường học nào, hiệu trưởng trường đó cần xem lại công tác quản lý trong trường học do mình phụ trách.

Trong một trường học mà để xảy ra tình trạng “Có những tiết dự giờ đột xuất "dập cho chết" đồng nghiệp” như thế, thử hỏi các đoàn thể trong trường học ở đâu?

Chỉ là chức tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, mà đã lộng hành như thế, thử hỏi cấp cao hơn còn “vua con” như thế nào?”.

Tổ trưởng, tổ phó có quyền dự giờ đột xuất giáo viên không?

Điều 14 Thông tư Số 32/2020/TT-BGDĐT có nêu cụ thể:

"2. Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.

d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.

e)Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

3.Tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 01 lần trong 02 tuần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn."

Dự giờ dạy và các hoạt động giáo dục, nhưng không cần kế hoạch của Hiệu trưởng, chỉ có giáo viên chủ nhiệm có quyền; giáo viên chủ nhiệm chỉ cần thông báo cho giáo viên bộ môn là có quyền dự giờ.

Quyền được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của giáo viên chủ nhiệm, quy định cụ thể trong Điểm a, Khoản 2 Điều 29 Thông tư Số 32/2020/TT-BGDĐT: Quyền của giáo viên, nhân viên: Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.

Tổ trưởng, tổ phó, không có quyền hạn, nhiệm vụ dự giờ giáo viên; muốn dự giờ của giáo viên phải có kế hoạch của Hiệu trưởng: Kế hoạch hội giảng, kế hoạch thanh tra chuyên đề, thanh tra toàn diện… tất cả hoạt động này giáo viên đều biết trước.

Việc tổ trưởng, tổ phó dự giờ đột xuất giáo viên là biểu hiện sự lộng quyền, vượt cấp; thiếu hiểu biết về nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Tổ chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lan nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn.

Vậy mà “Trong tổ có phân chia 2 nhóm rõ rệt. Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn cùng một số giáo viên là một nhóm, nhóm còn lại là những giáo viên “cứng đầu” họ cũng sắp về hưu nên chẳng sợ gì.

Ai không vừa ý sẽ bị “thanh trừng”, em còn trẻ nên họ nói gì em cũng đừng cãi, im lặng phục tùng cho qua”. [1]

Trường học mà xảy ra hiện tượng "kinh hoàng" như thế này, quả là “không tin được dù đó là sự thật”; chỉ mong rằng hiện tượng này chỉ xảy ra đơn lẻ tại một trường học; dẫu vậy, ngành giáo dục nơi này cũng nên chấn chỉnh lại công tác quản lý của địa phương mình.

Làm sao để tổ trưởng, tổ phó không lộng quyền?

Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, đối với những giáo viên có tầm, có tâm, được anh chị em tín nhiệm, bài viết “Tổ trưởng chuyên môn, quyền rơm vạ đá” [2] đã nói hộ.

Vì thế, nhân sự tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trong trường học nên giao cho các thành viên trong tổ công khai bầu chọn; hiệu trưởng ra quyết định công nhận.

Nếu tổ trưởng, tổ phó chuyên môn năm trước làm tốt, có uy tín, năm sau tất yếu được anh em tín nhiệm, bầu làm tiếp “nhiệm kì” nữa.

Có như thế, khi hoạt động, tổ chuyên môn mới đảm bảo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn.

Tôn trọng giáo viên, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn mới được giáo viên tôn trọng; được giáo viên trong đơn vị tôn trọng, đó là thành tích cao quý của người cán bộ quản lý nói chung, tổ chuyên môn nói riêng.

Mỗi giáo viên tự tôn trọng mình trước, bằng cách chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bài dạy; bớt đòi hỏi, tăng yêu thương trong mỗi tiết dạy, dù trực tiếp hay trực tuyến, chắc chắn sẽ nhận được sự tôn trọng của đồng nghiệp và xã hội, phần thưởng cao quý nhất của mỗi nhà giáo.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-nhung-tiet-du-gio-dot-xuat-dap-cho-chet-dong-nghiep-post222718.gd

[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/to-truong-chuyen-mon-quyen-rom-va-da-post222596.gd

- Thông tư Số 32/2020/TT-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến