Thăng hạng theo thông tư 34 có tạo ra cuộc đua "chạy ghế" tổ trưởng, tổ phó?

10/12/2021 06:31
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chưa có một khảo sát, một thống kê nào về chuyên môn nào để khẳng định, giáo viên hạng thấp hơn thì năng lực và khả năng chuyên môn kém hơn giáo viên ở hạng cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 34/2021/TT- BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Thông tư nêu rõ: giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Vĩnh Phúc)

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Vĩnh Phúc)

Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Ngoài việc năm liền kề phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng, điều đáng lưu ý nhất là phải đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Nếu nhưgiáo viên tham gia thăng hạng từ hạng II lên hạng I phải qua kiểm tra, sát hạch (thi) thì giáo viên tham gia thăng hạng từ hạng III lên hạng II không phải thi mà được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học (Điều 5).

Giáo viên từng làm tổ trưởng có lợi thế hơn khi dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II

Thông tư nêu rõ: Trường hợp dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II mà điểm chấm hồ sơ theo 2 nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng đạt 20 điểm và điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đạt 80 điểm nhưng số lượng giáo viên tham gia xét nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao thì thực hiện như sau:

Sử dụng quy định về nhiệm vụ của hạng II để làm căn cứ xét thăng hạng.

Lấy điểm chấm minh chứng về các nhiệm vụ của hạng II mà giáo viên hạng III đã thực hiện trong 06 năm liền kề trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu thăng hạng được cấp có thẩm quyền giao.

Ví dụ đối với giáo viên tiểu học, quy định điểm chấm như sau:

a) Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;

b) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên: 1,0 điểm;

c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học: 1,0 điểm;

d) Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có): 1,0 điểm.

Cả 4 nhiệm vụ được cộng điểm nêu trên thì gần như một giáo viêm kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn đều đã thực hiện qua. Thông tư khá mở (về thời gian) khi cho phép lấy điểm chấm minh chứng về các nhiệm vụ của hạng II mà giáo viên hạng III đã thực hiện trong 06 năm liền kề trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng

Cơ hội thăng hạng hẹp dần

Theo quy định của Thông tư 34, khi trường học có nhu cầu và hiệu trưởng đồng ý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên mới được tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ đạt 100 điểm theo 2 nhóm tiêu chí (về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng đạt 20 điểm và điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đạt 80 điểm) thì đều trúng tuyển.

Thông tư nêu rõ: trường hợp có từ 02 người trở lên có điểm bằng nhau ở chỉ tiêu thăng hạng cuối cùng thì việc xác định người trúng tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên (quy định ở điểm c, khoản 2 Điều 7).

Ví như, nhà trường chỉ cần 1 vị trí việc làm (tổ trưởng hoặc tổ phó chuyên môn) nhưng có tới vài người cùng số điểm thì phải xác định người trúng tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu để công nhận 1 người trúng tuyển.

Tổ chức xét hoặc thi thăng hạng cho giáo viên chỉ khi nhà trường có nhu cầu. Vì thế, có trường sẽ cử giáo viên đi, có trường nhiều năm giáo viên vẫn sẽ không có cơ hội được tham gia chứ chưa nói đến việc có trúng tuyển hay không.

Bên cạnh đó, nếu không đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì vượt qua cửa ải môn thi ngoại ngữ cũng chẳng dễ dàng gì.

Giáo viên hạng chức danh nào cũng đều có chung một nhiệm vụ chính như nhau là giảng dạy và giáo dục học sinh và hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Chưa có một khảo sát, thống kê nào để khẳng định giáo viên hạng thấp hơn thì năng lực và khả năng chuyên môn lại kém hơn giáo viên ở hạng cao hơn.

Việc phân giáo viên theo hạng chức danh như vậy không khuyến khích các thầy cô giáo nỗ lực trong giảng dạy mà còn gây nên tâm lý hơn thua, so bì, thậm chí là tạo ra cuộc chạy đua để có được ghế tổ trưởng/tổ phó chuyên môn để được thăng hạng, tăng lương thì thật tai hại.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-34-2021-tt-bgddt-213572-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên