Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nêu 6 vấn đề cần lưu ý để có thành công về tự chủ đại học

16/12/2021 06:41
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chính phủ cần chỉ đạo định kỳ đánh giá việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động các trường đại học công lập, nhất là qua mô hình của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Theo kế hoạch, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện tự chủ đại học.

Trước thềm hội nghị này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có ghi nhận ý kiến đề xuất của một số chuyên gia.

Hôm nay, phóng viên có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để lắng nghe ý kiến của ông về vấn đề tự chủ đại học.

Phóng viên: Qua thực tiễn, ông đánh giá thế nào về tự chủ đại học thời gian qua?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Nếu đại học không được tự chủ cũng có nghĩa là chưa có các đại học trưởng thành, nên người ta gọi đó là phổ thông cấp 4. Vì lẽ ấy, nhiều nước họ đã coi tự chủ là một thuộc tính của đại học. Đã gọi đại học thì đương nhiên phải được tự chủ.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tự chủ đại học là rất đúng đắn, một bước tiến bộ rất đáng nói về tư duy quản lý và quản trị, có ý nghĩa đột phá để giáo dục đại học Việt Nam có thể nhanh chóng trưởng thành, đây cũng là một trong những công việc đáng kể nhất trong thời gian qua về thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương đối với giáo dục đại học.

Chủ trương đúng đắn này đã được nêu trong nghị quyết của Trung ương, trong Luật Giáo dục đại học và Chính phủ đã có các nghị định, quyết định để thực hiện chủ trương này, đã cho phép 23 trường thực hiện thí điểm tự chủ.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (ảnh: TDTU)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (ảnh: TDTU)

Qua thời gian thí điểm tự chủ, mặc dù còn rất nhiều trở ngại nhưng nhìn chung các trường đều phát triển tốt. Thực tế đó cho thấy thêm một lần nữa về sự đúng đắn của chủ trương tự chủ.

Tôi cho rằng, đã đến lúc cần tích cực tháo gỡ những vướng mắc, cản trở để tiếp tục mở rộng diện các trường được tự chủ (chỉ trừ các trường thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an vì có những đặc thù riêng, nên chỉ có thể tự chủ có giới hạn do lãnh đạo các Bộ đó quy định).

Khó khăn, trở ngại lớn nhất trong thời gian qua và cho đến hiện nay đối với việc thực hiện tự chủ là cùng một lúc đồng thời sử dụng cả cơ chế chủ quản và cơ chế tự chủ ở ngay các trường được tự chủ, trong khi hai loại cơ chế đó rất khác nhau.

Nói cách khác là cho tự chủ nhưng thực chất vẫn chưa được tự chủ. Nói nặng hơn, đó là sự dập dừng, nửa vời.

Tôi quả quyết kiến nghị rằng, để thực hiện được tự chủ một cách đích thực, thì phải không sử dụng nữa cơ chế chủ quản, không thể thực hiện đồng thời hai loại cơ chế đó như hiện tại, thậm chí cơ chế chủ quản vẫn mạnh hơn, quyền lực hơn, có thể đánh bạt cơ chế tự chủ khi muốn. Cơ chế chủ quản đã xuất xứ và có nguồn gốc từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung mà trong lĩnh vực kinh tế đã có chủ trương xóa bỏ từ 35 năm trước. Nhưng mãi tới nay trong giáo dục cơ bản và thực chất vẫn còn, mặc dù Nghị quyết các đại hội Đảng mấy nhiệm kỳ qua chủ trương phải đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ.

Luật Giáo dục đại học 2018 đã quy định, mở ra vấn đề tự chủ nhưng các trường đại học công lập còn chịu sự chi phối đan xen của nhiều luật khác dẫn tới chồng chéo, chưa đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật. Theo ông, liệu Chính phủ có nên ban hành một Nghị định riêng cho các trường đã tự chủ không?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đúng vậy, một trở ngại “lớn” khác trong quá trình thực hiện tự chủ hiện nay là các quy định của pháp luật không đồng bộ, luật này và luật kia, luật và nghị định, nghị định này và nghị định khác không thống nhất với nhau. So với văn bản này là đúng, với văn bản khác là sai. Cái này cản trở cái kia, phủ định lẫn nhau.

Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, Chính phủ cần ban hành Nghị định riêng áp dụng cho các trường tự chủ. Vấn đề này đã được nhắc đến ở Nghị định 16 cũng như ở các Nghị quyết 89 và Nghị quyết 35 của Chính phủ nhưng cho tới nay một nghị định như vậy vẫn chưa thấy đâu.

Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo định kỳ đánh giá việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động các trường đại học công lập, nhất là qua mô hình thí điểm tự chủ đại học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Đối với các trường thực hiện thí điểm tự chủ thì việc xem xét đúng sai phải trên cơ sở quyết định cho thí điểm của Chính phủ, chứ không phải theo các quy định chung như đối với tất cả các trường chưa tự chủ.

Bài học từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho thấy, sự cố này là điển hình của “cơ chế chủ quản dẹp bỏ cơ chế tự chủ” đã được Đảng, Nhà nước chủ trương và đã có luật quy định. Câu chuyện trường Đại học Tôn Đức Thắng khiến không ít trường tự chủ e ngại. Muốn tháo gỡ sự e dè này thì Chính phủ cần có hành động như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Chúng tôi dự báo rằng, nếu không giải quyết được các cản trở nêu trên thì vấn đề tự chủ đại học dù là một chủ trương rất đúng nhưng có thể sẽ đến lúc phá sản, không thành công.

Vì lẽ ấy, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thành công chủ trương tự chủ (theo tôi, cho đến nay, dù có một số tiến bộ nhưng nhìn chung là chưa thành công). Để bảo đảm chắc chắn thành công, cần phải có sự chỉ đạo từ cấp cao, trước nhất là Thủ tướng Chính phủ và kể cả Thường trực Ban Bí thư, chứ để cho cấp dưới và Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý thì không đủ thẩm quyền để giải quyết nhiều vấn đề vượt tầm.

Để thực hiện thành công chủ trương tự chủ đại học, tôi đề xuất xem xét một số vấn đề sau để có thể nêu thành các quan điểm chỉ đạo như sau:

Thứ nhất, không đánh đồng tự chủ đại học với tự túc tài chính. Nhà nước chẳng những không cắt ngân sách của các trường đại học công tự chủ mà cần tăng thêm hỗ trợ ngân sách cho những trường thực hiện tự chủ, xem đó như là nơi được đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên. Còn tất nhiên, ngoài phần ngân sách nhà nước thì các trường này còn được huy động nguồn vốn từ xã hội để phát triển giáo dục.

Thứ hai, để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, đặc biệt đối với các trường đại học công lập, cần kiên quyết xóa bỏ cơ chế chủ quản, như đã chỉ ra từ nhiều năm nay tại các Nghị quyết 14, Nghị quyết 89 của Chính phủ và qua chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Chính phủ tại các hội nghị, hội thảo trong đó có hội thảo về Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức năm 2016. Xóa bỏ cơ chế chủ quản thì đương nhiên không còn cơ quan chủ quản. Để có được điều này đòi hỏi cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ quyền lực, sự chỉ huy trực tiếp của mình đối với trường đại học, không biến tướng ẩn danh dưới tên gọi khác là “cơ quan quản lý trực tiếp”.

Khi đó, cơ quan chủ quản trường đại học không còn và thay vào đó có thể là cơ quan chủ quản đầu tư đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước với chức năng thẩm định, phê duyệt, cấp vốn và kiểm tra giám sát việc thực hiện đầu tư đúng mục đích và có hiệu quả. Cơ quan chủ quản đầu tư không can thiệp vào các hoạt động khác của cơ sở giáo dục đại học đó.

Thứ ba, trao quyền tự chủ cần xác định cụ thể là trao quyền đó cho tập thể Hội đồng trường, chứ không thể trao cho một cá nhân. Hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường, như Nghị quyết 19 đã khẳng định. Vậy nên thành lập hội đồng trường đủ mạnh là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Chừng nào cơ quan chủ quản còn chưa tự nguyện từ bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý trực tiếp của mình (theo định chế kiểu tập quyền) đối với cơ sở giáo dục đại học thì khi đó chưa có tự chủ thật sự và cũng chưa nên vội vàng thành lập Hội đồng trường một cách hình thức, đồng nghĩa với chưa chuyển qua cơ chế tự chủ.

Những thành viên tham gia Hội đồng trường phải là những người tiêu biểu và là đại diện thực sự cho chủ sở hữu và các bên liên quan chứ không phải chỉ được cơ cấu vào cho đủ thành phần. Đó là nguyên tắc hàng đầu khi thành lập Hội đồng trường.

Thứ tư, tự chủ đương nhiên phải theo quy định của nhà nước nên cần phải có một hệ thống văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường, không để tình trạng thiếu nhất quán như hiện nay. (Luật Giáo dục đại học sửa đổi thì không còn cơ quan chủ quản, nhưng các luật khác vẫn còn tồn tại cơ quan chủ quản).

Thứ năm, trao quyền tự chủ thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi theo, không thể vẫn tiếp tục thực hiện theo thiết chế tập quyền/chủ quản như cũ. Cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường phù hợp với cơ chế tự chủ. Phải gắn việc trao quyền tự chủ với nâng cao trách nhiệm giải trình của lãnh đạo nhà trường.

Cuối cùng, Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành Bộ khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành trường đại học tự chủ giữa Đảng ủy- Hội đồng trường - Ban giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước. Với vai trò lãnh đạo của Đảng, như Nghị quyết 19 đã chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy phải là người có uy tín cao nhất trong trường để xứng đáng được giới thiệu ứng cử Chủ tịch Hội đồng trường.

Mặt khác cần đề nghị với Ban bí thư và Ban Tổ chức Trung ương có chủ trương và quy định về việc đổi mới căn bản phương thức lãnh đạo của Tổ chức Đảng trong nhà trường tự chủ, bảo đảm cho Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất ở đó.

Từ những vấn đề vừa nêu, về phía quản lý nhà nước, ông có kiến nghị gì đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thúc đẩy tự chủ đại học hiệu quả trong thời gian tới?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát những vướng mắc về các quy định của pháp luật cũng như lắng nghe ý kiến thông qua báo chí và của các nhà khoa học, nhà quản lý để đề xuất hướng sửa đổi cụ thể. Xây dựng bộ tiêu chí về tự chủ của trường đại học. Ban hành quy định về quan hệ công tác giữa: cơ quan quản lý nhà nước - Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban giám hiệu. Xác định lộ trình thực hiện tích cực việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, không tiến hành ồ ạt, chạy theo phong trào và cũng không trì hoãn kéo dài.

Ban cán sự đảng của Bộ báo cáo cấp trên đề nghị có hướng dẫn thực hiện sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong “công tác tổ chức, cán bộ” nhằm khắc phục sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa tổ chức đảng và Hội đồng trường.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh (thực hiện)