Còn cơ quan chủ quản sẽ vô hiệu hóa hội đồng trường, triệt tiêu tự chủ

17/12/2021 06:44
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- PGS Trần Xuân Nhĩ: “Hiện nay, nhiều trường đại học không thể bổ nhiệm cán bộ, hoạt động của trường bị trì trệ thì cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm”.

Tự chủ đại học là một chủ trương lớn, đúng hướng, đưa giáo dục đại học phát triển đi lên. Song, con đường tự chủ của các trường đại học vẫn còn nhiều trở ngại. Từ những sự cố không mong muốn xảy ra với Trường Đại học Tôn Đức Thắng đến những khó khăn của nhiều trường đại học trong vấn đề bổ nhiệm cán bộ gần đây đã cho thấy những “bất cập” trong cơ chế tự chủ.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Thưa Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, theo ông, đâu là vấn đề cấp thiết cần giải quyết trong tự chủ đại học hiện nay?

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Tự chủ đại học là xu hướng phát triển chung của giáo dục trên toàn thế giới, không riêng gì Việt Nam. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, giúp các trường đại học phát huy năng lực sáng tạo, chủ động, linh hoạt để ngày một phát triển vươn xa, hội nhập cùng nền giáo dục quốc tế.

Năm 2014, có 23 trường đại học đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NĐ-CP của Chính phủ, chính cơ chế tự chủ đã giúp các trường có “sức bật” để phát triển vươn lên.

Đặc biệt có Trường Đại học Tôn Đức Thắng - một điển hình nổi bật về thí điểm tự chủ đại học với nhiều thành tích rất đáng được ghi nhận. Hơn 10 năm qua, trường không nhận chi phí thường xuyên và chi phí đầu tư từ nhà nước, trường tự thu, tự chi nhưng đã không ngừng phát triển, xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Minh chứng là trường luôn đi tiên phong để giành được thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng đại học khu vực và quốc tế. Nhà trường đã tạo dựng nên thương hiệu của mình, khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ giáo dục quốc tế, điều mà các trường đại học được nhận nguồn ngân sách lớn vẫn chưa thể làm được.

Nhưng rồi có những sự cố không mong muốn xảy ra với ngôi trường này. Và cho đến nay, việc xử lý vấn đề của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, việc kỷ luật Hiệu trưởng nhà trường vẫn chưa thể thuyết phục được dư luận.

Từ câu chuyện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, có thể thấy vướng mắc lớn nhất trong vấn đề tự chủ là sự áp đặt của cơ chế cơ quan chủ quản. Cụ thể, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được giao nhiệm vụ theo Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 về việc phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường giai đoạn 2015-2017. Song, cơ quan chủ quản vẫn áp đặt những quy định không theo đúng tinh thần của Quyết định số 158.

Một vướng mắc nữa là chúng ta chưa xác định việc thành lập Hội đồng trường là vấn đề then chốt của tự chủ đại học. Khi đã thành lập Hội đồng trường và có Hội đồng trường, phải xác định rõ “Hội đồng trường là đại diện cho chủ sở hữu và các bên liên quan”, vì thế, Hội đồng trường phải có thực quyền, chứ không phải quyền vẫn nằm trong tay cơ quan chủ quản như hiện nay.

Sự tồn tại của cơ chế cơ quan chủ quản dẫn tới Hội đồng trường không có thực quyền, đây chính là trở ngại lớn nhất trong tiến trình tự chủ đại học hiện nay, là vấn đề cấp thiết cần sớm giải quyết.

Nhìn vào thực tế, ngay cả việc bổ nhiệm Hiệu trưởng, các trường đại học vẫn phải chờ cơ quan chủ quản xét duyệt. Rõ ràng, cơ quan chủ quản đang “nắm quyền” và làm thay công việc của Hội đồng trường. Hội đồng trường không có thực quyền thì làm sao có được tự chủ đại học?

Có nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng với những sự cố không mong muốn xảy ra đã khiến nhiều trường đại học e dè, lo ngại khi bước vào con đường tự chủ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Song song với hoạt động đào tạo, trường đại học còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra tri thức mới.

Việc tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường đại học đồng nghĩa với việc giúp các trường phát huy năng lực sáng tạo của mình, để trường phát triển, đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học, đưa xã hội phát triển đi lên.

Tuy nhiên, nếu vẫn “tự chủ nửa vời”, nếu vẫn tồn tại cơ quan chủ quản với cơ chế xin - cho thì trường đại học không thể đổi mới, không thể sáng tạo.

Những sự cố không mong muốn xảy ra với Trường Đại học Tôn Đức Thắng - một mô hình thí điểm tự chủ thành công hẳn rằng đã khiến các trường đại học bước vào con đường tự chủ với tâm thế lo ngại.

Muốn đưa trường đi lên thì đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo trong từng hoạt động, chiến lược phát triển. Nhưng nếu cơ chế ràng buộc, cơ quan chủ quản nắm quyền, không cho phép thì làm sao đổi mới, sáng tạo để đi đến thành công.

Nhiều lãnh đạo có tâm, có tầm, đủ sức chèo lái đưa một trường đại học phát triển nhưng khi thực hiện đổi mới, “xé rào” mà không có cơ chế nào bảo vệ mình thì liệu họ còn dám đổi mới không?

Cơ chế cơ quan chủ quản, sự chồng chéo của hệ thống hành lang pháp lý đang kìm hãm sự phát triển vươn lên của các trường đại học.

Vừa qua, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Những đổi mới, sáng kiến là những việc làm chưa có tiền lệ nên rất cần có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới dựa trên hiệu quả công việc họ thực hiện.

Đặc biệt, tự chủ đại học càng phải thực hiện theo đúng tinh thần của Kết luận số 14. Phải trao quyền cho Hội đồng trường, phải mở lối để những cán bộ lãnh đạo trong trường đại học được sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ dám làm, khi đó mới có thể xúc tiến, triển khai công việc có hiệu quả và đưa chất lượng giáo dục phát triển lên tầm cao mới.

Không chỉ sự cố xảy ra với Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong năm 2020, hiện nay, nhiều trường đại học cũng đang gặp phải những sự cố, khó khăn trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, nhiều trường đại học khuyết hiệu trưởng mà không thể bổ nhiệm, dẫn tới các hoạt động bị trì trệ, ảnh hưởng. Theo ông, vấn đề này trách nhiệm thuộc về ai?

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Theo quy định, nhân sự hiệu trưởng, nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng trường. Chúng ta còn đang bàn về việc hướng đến cơ chế thuê hiệu trưởng như nhiều nước phát triển khác.

Vậy mà, vấn đề “tréo ngoe” hiện nay là sau khi Hội đồng trường tổ chức bỏ phiếu và bầu Hiệu trưởng, người nắm “chìa khóa” cuối cùng lại là cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản xét duyệt và công nhận thì trường đại học mới có Hiệu trưởng. Phải chăng, sự tồn tại của Hội đồng trường, công việc bỏ phiếu bầu Hiệu trưởng của Hội đồng trường là vô nghĩa?

Cơ quan chủ quản vẫn đang nắm quyền, can thiệp trực tiếp vào công việc của trường đại học, dùng quyền lực tạo sức ép lên trường đại học.

Trong năm 2021, nhiều trường đại học gặp phải vấn đề về công tác bổ nhiệm cán bộ, nhiều trường không có Hiệu trưởng và không thể bổ nhiệm vị trí này. Đây là một vấn đề cần sớm được giải quyết, bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của trường đại học.

Nếu cơ quan chủ quản vẫn giữ quyền để “hạn chế” hoạt động của trường đại học, khiến hoạt động của trường bị trì trệ, chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng thì chính cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Chúng ta cần phải hiểu rằng, phát triển giáo dục nói chung và phát triển giáo dục đại học nói riêng chính là chìa khóa để phát triển kinh tế xã hội và đưa đất nước phát triển cùng cường quốc năm châu. Vậy tại sao không nhanh chóng xóa bỏ những “rào cản” về tự chủ đại học?

Muốn thực sự có tự chủ đại học, muốn mở đường cho giáo dục đại học phát triển thì cần phải trao quyền cho Hội đồng trường, xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản.

Bấy lâu nay, dường như chúng ta đang loay hoay đi tìm “lối vào” con đường tự chủ nhưng chưa thực sự tìm được chiếc “chìa khóa” để mở cánh cổng đến con đường này.

Trong bối cảnh mà hệ thống hành lang pháp lý còn thiếu đồng bộ, chiếc “chìa khóa” cho tự chủ đại học thuộc về Chính phủ. Chính phủ cần phải có một nghị định riêng dành cho các trường đại học tự chủ, xác định rõ quyền của trường đại học, những việc trường đại học được làm và trường không phải tuân theo những văn bản luật, văn bản dưới luật khác. Và trong tương lai, chúng ta cũng phải có một Luật riêng về tự chủ đại học.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ!

Phạm Minh