Tốt nghiệp đại học, đã có bằng khen Thủ tướng, tôi vẫn hưởng lương cao đẳng

27/12/2021 06:45
MỸ TIÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi tốt nghiệp đại học năm 2011, đã có bằng khen Thủ tướng Chính phủ vẫn hưởng lương cao đẳng, hạng III, mong Bộ trưởng cứu xét.

LTS: Chia sẻ câu chuyện của bản thân gặp vướng mắc với xếp hạng giáo viên theo quy định mới, nhà giáo Mỹ Tiên mong muốn những bất cập trong việc xếp lương giáo viên sẽ sớm được tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên.

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết của các nhà giáo trình bày bất cập về việc chuyển xếp hạng theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên khi các Thông tư trên đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi cho phù hợp Nghị định 89/2021/NĐ-CP và theo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Trong đó, bất cập lớn nhất gây thiệt thòi lớn nhất là việc những giáo viên đã có trình độ đại học, thạc sĩ vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng đến giai đoạn hiện nay.

Trong bài viết, tôi xin được trình bày cụ thể trường hợp của mình và cũng chính là trường hợp của hàng ngàn trường hợp giáo viên khác có hoàn cảnh tương tự tôi và họ đang chịu rất nhiều bất công.

Hy vọng trong lần sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 này, các trường hợp này được xem xét thấu đáo, xóa bất công mà họ đã chịu suốt thời gian dài trên.

Tôi có bằng đại học 10 năm, nhiều thành tích, vẫn hưởng lương cao đẳng

Trường hợp cụ thể, tôi được trúng tuyển vào ngành năm 2001 công tác tại một trường trung học cơ sở công lập trên địa bàn tỉnh T.G.

Khi tuyển dụng có trình độ cao đẳng sư phạm (đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định trước đây) được hưởng lương cao đẳng sư phạm hiện nay có hệ số lương 2,1-4,89.

Tôi công tác đến năm 2008 thì được tập thể tín nhiệm và bổ nhiệm giữ chức vụ tổ trưởng chuyên môn đến nay.

Đến năm 2009, dù đồng lương còn eo hẹp, kinh tế bản thân và gia đình còn nhiều khó khăn phải vay mượn thêm nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân tôi đã học hoàn chỉnh lớp đại học sư phạm chuyên ngành, năm 2011 tôi đã tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành (hệ chính qui), xếp loại giỏi.

Ở giai đoạn này, tôi có trình độ đại học là trên chuẩn, nhưng vẫn hưởng lương cao đẳng trong khi đó những giáo viên công tác chung tôi nếu ai có bằng đại học trước đây dù loại gì, từ xa hay tại chức đều được chuyển xếp hưởng lương đại học có hệ số 2,34-4,98.

Do đến đầu năm 2012 nhà trường mới tổ chức phát bằng đại học nên từ đó đến nay tôi vẫn chưa thể được chuyển xếp lương đại học, hiện nay tôi vẫn hưởng lương cao đẳng.

Năm 2015, tôi được bổ nhiệm xếp lương theo chùm Thông tư 22/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, do tôi hưởng lương có hệ số 2,1-4,89 nên được bổ nhiệm hạng III cũ đến nay.

Từ năm 2015 đến năm 2021 chờ đợi “dài cổ” 6 năm trời, không được tổ chức thi, xét thăng hạng theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 trên, nên đến thời điểm hiện nay vẫn hưởng lương cao đẳng sư phạm (lương chưa đạt chuẩn hiện hành). Lương hiện nay của tôi có hệ số lương 3,96 (hệ số lương hạng III cũ - bậc cao đẳng).

Bản thân tôi rất buồn, bức xúc vì bản thân có rất nhiều cố gắng, phấn đấu và có nhiều thành tích trong công tác như: nhiều lần là giáo viên giỏi các cấp; bồi dưỡng nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh; bản thân hiện đang giữ nhiệm vụ tổ trưởng chuyên môn; về danh hiệu thi đua thì nhận nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua; về khen thưởng nhận nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh, huyện đặc biệt vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Mỹ Tiên

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Mỹ Tiên

Về thành tích, tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn,… bản thân tôi đều vượt tiêu chuẩn của giáo viên hạng II của Thông tư 22/2015 và Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, tôi đành ngậm ngùi khi nhà trường thông báo mình tiếp tục được chuyển xếp hạng III mới.

Tôi đang ở hệ số lương 3,96 dự kiến sẽ được chuyển lên hạng III mới có hệ số lương 3,99 và muốn dự thi, xét thăng hạng II mới thì phải đợi đến ít nhất 9 năm sau mới được dự thi/xét thăng hạng.

Bởi vì theo quy định, giáo viên ở hạng III mới của Thông tư 03/2021 muốn được dự thi, xét thăng hạng lên hạng II mới phải có ít nhất 9 năm giữ hạng III mới (lương đại học) hoặc tương đương từ đủ 9 năm.

Vì thế, dù tôi đã có trình độ đại học 2011, nếu năm 2022 tôi được bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở hạng III mới (hiện nay cuối tháng 12/2021 tôi vẫn hưởng lương bậc cao đẳng hạng III cũ theo Thông tư 22/2015/TTLT-BNV-BGDĐT) thì phải ít nhất 9 năm sau, đến năm 2031, tôi mới có cơ hội để nộp hồ sơ thi, xét thăng hạng lên hạng II mới.

Điều đó quá thiệt thòi, khi có nhiều giáo viên khác nhận việc giai đoạn năm 2011 đến 2015 khi đó chỉ cần trúng tuyển có bằng đại học là được hưởng lương đại học (trong đó có nhiều người là học sinh của tôi).

Đến năm 2015, các giáo viên vì hưởng lương đại học nên được chuyển xếp lương hạng II cũ và theo quy định Thông tư 03/2021 thì họ sẽ được chuyển sang hạng II mới có hệ số lương 4,0-6,38.

Khi đó học trò của mình là thành viên trong tổ do tôi làm tổ trưởng nhưng được hưởng lương hạng II mới cao hơn tôi, về đạo đức cũng được xem như cao hơn tôi.

Cũng có thể có trường hợp đang ở hạng II cũ không đủ tiêu chuẩn hạng II mới sẽ được bổ nhiệm hạng III mới nhưng khi họ bổ sung đủ tiêu chuẩn là sẽ được bổ nhiệm và xếp hạng II mới mà không phải trải qua kỳ thi, xét thăng hạng.

Giáo viên có đủ tiêu chuẩn, điều kiện như tôi đã chịu thiệt thời 10 năm nhưng chỉ được hưởng lương cao đẳng một thời gian dài và dự kiến cũng chỉ được hưởng lương hạng III một thời gian dài (thêm ít nhất 9 năm) nữa. Như vậy là quá bất hợp lý.

Tôi biết nhiều trường hợp bức xúc hơn là giáo viên dạy ở tiểu học, mầm non có bằng đại học hiện nay vẫn hưởng lương trung cấp hay giáo viên có bằng thạc sĩ vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng…

Điều đó là điểm bất cập trong quy định của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bản thân tôi và rất nhiều giáo viên “mừng rơi nước mắt”, nhen nhóm hy vọng khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 nhằm xóa bỏ bất công, bất cập.

Người viết rất mong thông qua bài viết trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam này, ý kiến được đến tai Bộ trưởng và các thành viên Bộ Giáo dục và Đào tạo có liên quan về chính sách giáo dục, để tôi và hàng ngàn giáo viên chịu thiệt thòi thời gian qua được bổ nhiệm, xếp lương đúng hạng, để tiếp tục yên tâm công tác, cống hiến.

MỸ TIÊN