Thi tốt nghiệp điểm cao bất thường Bộ có cho thi lại bao giờ đâu, thưa Vụ trưởng

27/12/2021 06:53
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giờ kiểm tra trực tuyến chỉ mong học trò vào làm bài kiểm tra đầy đủ là thầy cô mừng lắm, còn chuyện đòi hỏi sự trung thực thì… khó lắm thầy Thành ơi!

Những địa phương, trường học đang phải dạy và học trực tuyến vì chưa thể đến trường thì việc kiểm tra trực tuyến là vấn đề đương nhiên.

Một khi kiểm tra trực tuyến thì các nhà trường phải chấp nhận cả chuyện điểm cao bất thường bởi đó là một phần tất yếu của hình thức kiểm tra này.

Chính vì thế, nếu như điểm kiểm tra trực tuyến ở các nhà trường mà có điểm cao bất thường thì cũng là chuyện rất… bình thường. Nó chỉ khác thường khi điểm kiểm tra trực tuyến mà học sinh bị điểm thấp mà thôi.

Bởi lẽ, thầy ở nhà thầy, trò ở nhà trò thực hiện việc kiểm tra thì làm sao thầy biết trò trung thực hay không trung thực. Một khi học trò làm đúng đáp án thì chẳng có lý do nào để thầy cho trò điểm thấp trong bài kiểm tra.

Tuy nhiên, khi trao đổi về sự việc kiểm tra trực tuyến với Báo VOV. VN thì ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng : “Nếu kiểm tra định kỳ có những trường hợp học sinh có điểm cao bất thường so với điểm kiểm tra thường xuyên, các trường có thể kiểm tra đánh giá lại”. [1]

Thầy Thành gợi ý kiểm tra trực tuyến mà có điểm cao bất thường thì có thể nhà trường cho kiểm tra lại. (Ảnh: moet.gov.vn )

Thầy Thành gợi ý kiểm tra trực tuyến mà có điểm cao bất thường

thì có thể nhà trường cho kiểm tra lại. (Ảnh: moet.gov.vn )

Điểm tra định kỳ cao bất thường thì có thể cho kiểm tra lại là một nhiệm vụ bất khả thi

Thông tin Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành chia sẻ với báo chí: “Nếu kiểm tra định kỳ có những trường hợp học sinh có điểm cao bất thường so với điểm kiểm tra thường xuyên, các trường có thể kiểm tra đánh giá lại” khiến chúng tôi trăn trở nhiều điều.

Không thầy cô nào muốn học trò của mình gian lận trong kiểm tra, không giáo viên nào muốn những học sinh của mình khi học trực tuyến không chịu tương tác, hỏi gì cũng không biết mà khi kiểm tra định kỳ lại có điểm cao khác thường.

Nhưng, trong hoàn cảnh thực tế dạy và học trực tuyến hiện nay thì những điều “bất thường” này là phần tất yếu bởi cho dù thầy cô biết những bài kiểm tra có điểm cao bất thường đó là sự tiếp tay của người khác nhưng có gì để làm bằng chứng đây?

Nhìn lại rất nhiều những trường hợp điểm cao bất thường như điểm học bạ và điểm thi trong những kỳ thi mà Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức nhưng Bộ có bao giờ tổ chức thi lại đâu.

Đó là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ngoài 3 địa phương là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị khởi tố thì vẫn còn một số nơi được dư luận lên tiếng đặt câu hỏi về những dấu hiệu bất thường nhưng rồi Bộ cũng cho qua.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 để xảy ra tình trạng điểm Ngữ văn cao bất thường ở An Giang và gây nên những tranh luận ồn ào trên các phương tiện thông tin đại chúng trong một thời gian dài nhưng rồi Bộ cũng im lặng… mà không hề có một kết luận cụ thể nào được thông tin đến xã hội.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ thi Trung học phổ thông năm 2020 thì điểm thi Ngữ văn cả nước đạt điểm trung bình là 6,616 điểm nhưng điểm trung bình môn Ngữ văn của An Giang là 7,682 điểm.

Trong đó, có 6.675 bài/ 15.069 thí sinh đạt từ 8,0 điểm trở lên (chiếm 44,3% tổng số thí sinh dự thi). Đặc biệt, có tới 1.471 bài thi từ 9,0 điểm trở lên (khoảng 9,75% tổng bài thi) - bằng 14,77% tổng số bài thi đạt mức điểm này của cả nước.

Số thí sinh cả nước có điểm Ngữ văn từ 9,75 trở lên là 43 thí sinh, riêng An Giang có 25 bài thi (24 bài 9,75 điểm; 01 bài 10,0 điểm). [2]

Một kỳ thi đại trà với 2 mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, Bộ đánh giá là đề thi có phân hóa rõ rệt mà điểm của thí sinh ở An Giang cao như học sinh chuyên Văn ở các trường trung học phổ thông nhưng tại sao Bộ lại không cho… thi lại?

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 xảy ra tình trạng “trùng đề” vì có tới 37/ 40 câu ở môn Sinh học, tương đương với 92,5% đề thi của giáo viên ở Hà Tĩnh ôn thi cho thí sinh và đề thi của Bộ giống nhau nhưng vì sao Bộ lại im lặng suốt gần nửa năm qua để bây giờ khi đại biểu Quốc hội lên tiếng, báo chí vào cuộc?

Đó là những kỳ thi do Bộ chủ trì tổ chức, được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, rất tốn kém tiền bạc từ ngân sách nhà nước và huy động rất nhiều lực lượng phục vụ cho các kỳ thi này.

Còn kiểm tra trực tuyến ở các nhà trường phổ thông thì sao?

Chúng tôi cho rằng trong điều kiện học tập trực tuyến như hiện nay mà đòi hỏi tính trung thực, khách quan trong kiểm tra trực tuyến là điều không thể bởi một thực tế là giáo viên không thể quản lý được học trò trong lúc kiểm tra.

Trong số học sinh, có những em học tập bằng laptop nhưng có rất nhiều học sinh học bằng điện thoại và máy tính bàn. Máy tính bàn thì không có trang bị webcam, điện thoại thì khi học sinh chuyển sang chế độ làm bài kiểm tra bắt buộc các em phải rời phòng học để chuyển sang chức năng làm bài.

Vì thế, làm sao thầy cô thấy được bóng dáng học trò mà giám sát? Thầy cô gửi link kiểm tra cho học trò xong thì giới hạn thời gian nộp bài và chờ đợi chứ không thể nào quản lý được quá trình làm bài của học sinh như thế nào.

Trong khi, những học sinh từ lớp 6 trở lên thì các em quá rành về công nghệ nên những em làm xong trước chỉ cần chụp ảnh màn hình gửi lên nhóm zalo mà các em lập riêng là gần như kết quả cả lớp giống nhau.

Đề bài thì giáo viên phải ra ở ngưỡng kiến thức vừa phải bởi phải hướng tới lực học của đại đa số học trò, dù có phân hóa kiến thức thì cũng chỉ một vài câu nhưng dù khó mấy thì học trò vẫn làm được.

Bây giờ trên mạng internet cái gì mà chẳng có. Luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ còn có chứ huống hồ gì mấy dạng bài tập kiến thức phổ thông ở các nhà trường.

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành còn gợi ý thêm về cách ra đề: “Thậm chí bài kiểm tra mở, học sinh không nắm chắc kiến thức, mở vở vẫn không đạt điểm cao”. [1]

Nếu giáo viên ra “đề mở” như Vụ trưởng nói thì chúng tôi tin chẳng mấy học trò làm được và cũng sai với tinh thần chỉ đạo, tập huấn của Bộ, Sở từ đầu năm cho đến nay là dạy học và kiểm tra nhẹ nhàng.

Hơn nữa, ngay cả đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông những năm qua mà Bộ còn chưa dám ra đề mở thì kiểm tra định kỳ của học sinh phổ thông có đáng để ra đề mở hay không.

Thậm chí, nhìn lại các module tập huấn mà Bộ đang triển khai cho giáo viên chủ yếu cũng chỉ dừng lại ở việc tái hiện kiến thức thì đòi hỏi giáo viên phổ thông ra đề mở cho học sinh là điều khiên cưỡng vô cùng trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Vì thế, kiểm tra trực tuyến đừng đòi hỏi những điều cao siêu, phi thực tế mà phải chấp nhận thực tế. Giờ kiểm tra trực tuyến chỉ mong học trò vào làm bài kiểm tra đầy đủ là thầy cô mừng lắm, còn chuyện đòi hỏi sự trung thực thì… khó lắm thầy Thành ơi!

Nhưng, đối với giáo viên thì họ sẽ cố gắng động viên hết khả năng của mình để hạn chế tối đa sự gian lận của học trò trong kiểm tra, còn học trò có nghe, có thực hiện được hay không thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/kiem-tra-truc-tuyen-nen-ra-de-de-hoc-sinh-mo-sach-cung-khong-duoc-diem-cao-post913984.vov

[2] https://www.vietnamplus.vn/an-giang-co-diem-thi-tot-nghiep-thpt-mon-ngu-van-cao-bat-thuong/659785.vnp

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH