Cô giáo 16 năm chèo thuyền trên sông Đà chở học sinh đến trường

30/01/2022 07:50
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thấy thuyền chở các em không đảm bảo an toàn, cô Nụ bàn với chồng bán cặp bò là của hồi môn để lấy tiền mua thuyền mới và trang bị áo phao chở các em đến trường.

Xã Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) là vùng đặc biệt khó khăn, với phần đa là dân tộc thiểu số. Con sông Đà hùng vĩ cung cấp nước cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tạo nên nguồn điện thắp sáng mọi miền Tổ quốc, nhưng cũng có mối hiểm nguy thường trực với một số học sinh ở đây. Để đến trường, mỗi ngày nhiều em học sinh xóm Nhạp phải đi thuyền 3 cây số, rồi đi bộ cũng gần chừng đó quãng đường mới đến được lớp học.

Đồng hành trên con đường đến trường đặc biệt này với nhiều lứa học sinh là hình ảnh cô giáo Quách Thị Nụ - người chèo thuyền chở các em trong 16 năm qua.

Cô Quách Thị Nụ cho hay, cha mẹ học sinh rất ủng hộ việc các con đến trường để có tương lai, thoát cái nghèo khổ lam lũ nơi đây. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Quách Thị Nụ cho hay, cha mẹ học sinh rất ủng hộ việc các con đến trường để có tương lai, thoát cái nghèo khổ lam lũ nơi đây. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nỗi lo khi trời mưa gió

Cô giáo Nụ là người dân tộc Mường. Cô sinh ra và lớn lên tại xóm Nhạp. Ngay từ thuở còn học phổ thông, cô đã ước mơ được làm cô giáo.

Năm 2005, cô về dạy tại trường Mầm non Đồng Ruộng ở xóm Nhạp, cách nhà bố mẹ đẻ vài cây số và cô có thể đi bộ đến trường. Tuy nhiên, nhiều em học sinh bên kia suối Nhạp không được may mắn như cô, các em phải có bố mẹ chèo thuyền chở đến trường. Vì thế, cô muốn giúp gia đình các em.

Lúc đầu, cô kiếm tre ghép thành chiếc bè, rồi trộn xi măng trát lên trên để làm phương tiện. Chiếc bè bồng bềnh trên sông nước, với tay chèo “cứng cáp”, cô Nụ đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh.

Tuy nhiên, vào những ngày mưa gió, sóng lớn, cô vừa chèo bè vừa mang nỗi lo canh cánh bên mình.

“Những hôm trời mưa rét, bố mẹ đưa các em đến bến đò trong bộ dạng quần áo mưa thùng thình. Khi đi trên sông, các em co ro trong giá lạnh. Các em không biết sợ sóng lớn mà còn đọc thơ cô dạy: “Sóng nâng thuyền lao hối hả/Lưới tung tròn khoang đầy cá/ Gió lên rồi cánh buồm ơi…”

Cô Quách Thị Nụ chèo thuyền chở các em học sinh đến trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Quách Thị Nụ chèo thuyền chở các em học sinh đến trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Các em vô tư vậy, còn trong thâm tâm tôi lo lắng vô cùng. Tôi chỉ mong chèo thật nhanh đến bên kia sông. Đến nơi, tôi mới an tâm”, cô Nụ kể. Cô Nụ cho hay những ngày mưa bão, cô cho các em nghỉ để đảm bảo an toàn.

Ngôi trường cô Nụ dạy khi đó mới xây dựng được 2 năm, trường xây trên nền đất gồ ghề nên giáo viên phải bê từng viên đá, xếp bằng mặt sàn cho học sinh tiện sinh hoạt.

Trong những năm đầu dạy học, mức lương của cô chỉ vỏn vẹn hơn 50 ngàn đồng. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, thèm được nghe tiếng trẻ gọi cô giáo, và sự động viên của gia đình đã tiếp sức cho cô gắn bó với nghề.

Bán bò lấy tiền mua thuyền

Năm 2007, cô Nụ lấy chồng ở địa phương và được bố mẹ cho của hồi môn là một cặp bò, để hai vợ chồng lấy vốn làm ăn.

Khoảng năm 2011, chiếc thuyền chở học sinh đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, trong khi số lượng học sinh nhiều lên đến trên chục em, nên cô bàn với gia đình bán đôi bò lấy tiền sắm thuyền.

Bán được đôi bò với giá 15 triệu đồng, vợ chồng cô góp thêm 1 triệu đồng rồi lên trung tâm huyện để nhờ thợ đóng cho chiếc thuyền có gắn động cơ.

16 năm qua, cô Nụ nhớ rõ bao nhiêu chiếc thuyền phải thay nhưng cô không nhớ nổi bản thân đã chở bao em học sinh đến trường. Với nữ giáo viên này, cô luôn coi chúng như con đẻ của mình.

Cô Quách Thị Nụ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Quách Thị Nụ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ví như em M. hiện đang học cấp 2, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Khi bố mẹ li hôn, M. ở với bác, do mẹ đi làm ăn xa. Hàng ngày, cô lái thuyền đưa đón em và các bạn đến trường, rồi trưa M. về trường mầm non để ăn cơm với cô.

Cô Nụ cũng thường khuyên nhủ, động viên các em trong học tập là phải cố gắng học hết cấp 3, để sau đó có đi làm công ty hay học cao đẳng, đại học nhằm thoát nghèo. Có em vì quá mê nghề giáo, yêu cô Nụ nên đã học ngành sư phạm mầm non.

Cô Nụ chia sẻ một kỷ niệm khó quên với nữ giáo viên này là trận lũ lịch sử vào năm 2017, khi trường học bị vùi lấp, cô và các em phải học tạm bợ ở trong lán trại trong rừng. Ròng rã gần một năm cô trò học trong điều kiện bật đèn pin, thắp nến. Rất may, sau khi trận lũ đi qua, địa phương đã đầu tư giúp cho cô trò có nơi học tập mới tốt hơn.

Trường Mầm non Đồng Ruộng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trường Mầm non Đồng Ruộng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hiện nay, trường Mầm non Đồng Ruộng được chuyển về xóm Hạ, nhà trường có 18 giáo viên, 147 học sinh từ 15 tháng tuổi đến 6 tuổi ở bốn điểm trường. Cô Nụ ngoài đảm nhiệm chức vụ Hiệu phó còn là Bí thư chi bộ và Chủ tịch công đoàn.

Ông Quản Văn Giang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc cho biết, trong nhiều năm công tác, cô Nụ tình nguyện đưa đón học sinh mà không đòi hỏi điều gì. Cô cùng tập thể nhà trường đã xây dựng Mầm non Đồng Ruộng thành trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 năm học 2020-2021.

Mạnh Đoàn