Mong Bộ Giáo dục bỏ mẫu GA 5512 và chỉ đạo các sở giảm hồ sơ, sổ sách giáo viên

16/02/2022 06:52
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ khi giáo viên được cởi trói, được tự do sáng tạo, đam mê và hứng thú trong dạy học thì kết quả mới đi vào thực chất.

Năm học 2021-2022 được xem là năm học đặc biệt bởi cùng lúc ngành Giáo dục phải thực hiện nhiều mục tiêu: Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cùng với tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đảm bảo an toàn về sức khỏe cho giáo viên, học sinh.

Hơn nữa, đây cũng là năm học triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và 6 trong bối cảnh nhiều môn học "tích hợp" mới chưa có giáo viên giảng dạy, do chưa được bồi dưỡng, tập huấn do dịch bệnh kéo dài, phức tạp,…

Đến giai đoạn hiện nay vẫn còn dạy học trực tuyến ở nhiều nơi, tất nhiên sẽ có những hệ lụy do dạy học trực tuyến gây ra nhưng hơn hết là toàn ngành đã nỗ lực, ra sức cố gắng dạy và học, thực hiện phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, giảm thiểu tối đa tổn thương cho ngành giáo dục.

Ảnh minh hoạ trên Dangcongsan.vn

Ảnh minh hoạ trên Dangcongsan.vn

Theo tôi thời gian qua ngành giáo dục cũng từng bước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật và từng bước giảm những việc hình thức, dần đi vào thực chất, chú trọng chất lượng thật.

Tuy nhiên, hiện nay tại các địa phương vẫn còn chưa đổi mới vẫn nặng nề về hình thức, thành tích, chưa áp dụng công nghệ vào quản lý,… dẫn đến áp lực của giáo viên hiện nay vẫn chưa thuyên giảm so với thời gian qua, cộng với áp lực soạn, dạy trực tuyến khiến giáo viên khá vất vả, căng thẳng.

Thông qua bài viết, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm mới này cởi trói áp lực cho giáo viên về hồ sơ sổ sách để giáo dục dần bỏ việc hình thức, đi vào thực chất hơn.

Hồ sơ giáo viên Bộ quy định 4 nhưng có nơi mỗi giáo viên thực hiện đến 15, 16 hồ sơ

Theo Điều lệ trường trung học (có hiệu lực từ ngày 01/11/2020), hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông chỉ bao gồm tối đa 4 loại sổ sau: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Tuy nhiên, hiện nay có trường quy định mỗi giáo viên thực hiện đến 15, 16 loại sổ như: Sổ kế hoạch giảng dạy; Sổ tổng hợp kết quả đánh giá xếp loại; Sổ dự giờ; Sổ họp tổng hợp; Sổ họp chuyên môn; Giáo án (3-4 giáo án); Học bạ; Sổ tay văn học; Sổ khuyết tật (nếu dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập); Sổ bồi dưỡng học sinh chưa đạt chuẩn; Sổ chủ nhiệm; Sổ báo giảng; Sổ đầu bài; Sổ bồi dưỡng thường xuyên,... là một áp lực vô cùng lớn, chưa cho thấy sự đổi mới, chưa áp dụng công nghệ vào quản lý, đổi mới, chưa chú trọng hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy.

Còn đối với tổ chuyên môn theo Điều lệ trường phổ thông quy định chỉ có 2 loại sổ gồm: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học) và Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn nhưng nhiều nơi vẫn yêu cầu nhiều loại sổ như: Sổ quản lý tổ chuyên môn, Sổ kế hoạch tổ; Sổ bồi dưỡng thường xuyên tổ; Sổ sử dụng đồ dùng dạy học; Sổ theo dõi dạy thay; Sổ chuyên đề; Lịch công tác; Kế hoạch kiểm tra nội bộ; Sổ hội họp tổ,…

Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Điều lệ trường học là pháp lệnh thể hiện sự đổi mới, hợp lý, giảm tải cho giáo viên tuy nhiên việc các địa phương, hiệu trưởng các trường ban hành thêm hàng loạt sổ sách khác ngoài quy định cho thấy sự quan liêu, bảo thủ và chậm đổi mới,… gây khó cho giáo viên.

Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chấn chỉnh các địa phương ban hành thêm các loại sổ “hành” giáo viên, khiến giáo viên áp lực, vất vả, tốn kinh phí khi phải in nhiều loại sổ giấy.

Hi vọng Bộ soạn giáo án mẫu 5512 để giáo viên tham khảo, áp dụng

Cũng liên quan nội dung hồ sơ sổ sách giáo viên thì giáo án (kế hoạch bài dạy) của giáo viên cũng là một áp lực rất lớn mà giáo viên mong muốn được giảm tải để giáo viên chú tâm vào việc soạn giảng, thực dạy.

Giáo án theo công văn 5512 có rất nhiều bất cập đã được phản ánh trong rất nhiều bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian qua về hình thức, nội dung của cả 4 phụ lục 1, 2, 3, 4.

Việc đổi mới chương trình chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực và phẩm chất là chủ trương đúng đắn, nhưng việc bắt buộc giáo viên soạn mỗi bài học, mỗi chủ đề dài chục trang theo đúng trình tự đã khiến giáo viên vô cùng vất vả, khó khăn, áp lực trong giai đoạn hiện nay.

Rất may, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất cầu thị khi ban hành văn bản công văn 5512 năm học 2021-2022 chỉ áp dụng ở lớp 6 còn các khối còn lại có thể vẫn soạn theo các hướng dẫn hiện hành.

Nhưng ở các năm tiếp theo giáo viên vẫn phải soạn các kế hoạch trên theo công văn 5512, có nghĩa là hoãn nhưng giáo viên vẫn không thể thoát với các mẫu kế hoạch theo công văn 5512 dài lê thê, áp lực lớn trên.

Có thể nói từ khi xuất hiện công văn 5512 đến nay nó vẫn và sẽ là nỗi ám ảnh đối với cán bộ quản lý và giáo viên nếu không có phương án khả thi trong thời gian tới.

Theo tôi, các cơ quan biên soạn sách giáo khoa (chương trình mới một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa) nên thực hiện kèm bộ giáo án mẫu cho giáo viên cả nước nghiên cứu, áp dụng.

Các giáo án mẫu do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn đương nhiên sẽ rất đầy đủ, đảm bảo đúng các bước, tuần tự, hợp lý và chính xác,… giảm áp lực rất lớn cho giáo viên cả nước. Giáo viên cả nước sẽ rất biết ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu mỗi bộ sách giáo khoa khi ban hành kèm file giáo án mẫu.

Khi đó ở các mô đun bồi dưỡng thường xuyên chỉ tập trung vào chuyên môn, phương pháp giảng dạy, giáo viên không cần thiết phải bỏ ra thời gian quá nhiều thời gian để mỗi tiết phải soạn cả chục trang giấy theo mẫu 5512.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như cấp Sở, phòng cũng không tốn nhiều thời gian, công sức, kinh phí trong việc chỉ đạo tập huấn biên soạn các kế hoạch bài dạy, kế hoạch giáo dục.

Khi đó giáo viên đỡ vất vả, thanh tra các cấp sẽ không cần phải kiểm tra kế hoạch, hồ sơ mà chỉ tập trung vào việc giảng dạy trên lớp của giáo viên, giáo viên chuyên tâm vào giảng dạy, giáo dục nên hiệu quả sẽ cao, chú trọng vào thực dạy, không còn hình thức.

Khi đó cũng sẽ chấm dứt việc mua bán, sao chép giáo án, kế hoạch giáo dục, việc hình thức cũng sẽ giảm đáng kể, chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh sẽ được nâng lên thực chất.

Việc đổi mới sẽ thành công nếu giáo viên chuyên tâm vào nghiên cứu bài dạy, không bị áp lực hồ sơ sổ sách, áp lực soạn giáo án quá nhiều hiện nay.

Rất mong, qua năm mới 2022 thì từng bước Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giảm các việc hình thức, áp lực trong đó có việc chấn chỉnh hồ sơ sổ sách, giáo án cho giáo viên.

Chỉ khi giáo viên được cởi trói, được tự do sáng tạo, đam mê và hứng thú trong dạy học thì kết quả mới đi vào thực chất và từ đó ngành giáo dục mới có "dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật" như chỉ đạo đúng đắn của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM