Chuyển đổi số ở một ngôi trường: Thầy cô nhàn chuyện sổ sách, sát sao học sinh

02/02/2022 06:52
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để thực hiện tốt hai kịch bản này thì việc chuẩn bị tốt trong công tác điều hành, quản lý mang tính quan trọng bậc nhất, mỗi trường sẽ có những lựa chọn phù hợp.

Chúng tôi đến với Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội dịp nhà trường vừa vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. Có thể nói đây là một dấu mốc đánh dấu 47 năm xây dựng và phát triển của nhà trường. Trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Cao Cường đã trao đổi nhiều giải pháp mà nhà trường đang thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu của việc "dừng tới trường, không dừng học" trong 02 năm học đặc biệt vừa qua, trong đó có những giải pháp rất mới về chuyển đổi số trong giáo dục của nhà trường.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: T.D.

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: T.D.

Thầy Cường chia sẻ: “Năm 2021, có thể nói một năm có nhiều đột phá về công nghệ thông tin ở Việt Nam, chuyển đổi số ở nhiều ngành nghề, trong đó đặc biệt có chuyển đổi số ngành Giáo dục. Thực tế, nếu nói chung chung chuyển đổi số trong giáo dục thì rất nhiều phần việc phải làm, chính bởi vậy, mỗi nhà trường sẽ có những lựa chọn để tìm kiếm nội dung phù hợp, cần thiết.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 có diễn biến phức tạp, học sinh phải tạm ngừng đến trường, và cũng chưa thể nói được đến bao giờ dịch bệnh chấm dứt, kịch bản dạy học trực tiếp và trực tuyến luôn song hành và các nhà trường cần chủ động. Để thực hiện tốt hai kịch bản này thì việc chuẩn bị tốt trong công tác điều hành, quản lý mang tính quan trọng bậc nhất.

Trong điều kiện bình thường dạy và học trực tiếp, nhiều nội dung về quy trình quản lý chuyên môn thực hiện theo truyền thống mà ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn không khó khăn khi thực hiện hàng tuần, hàng tháng theo quy định như: Duyệt giáo án giấy của từng giáo viên, kiểm tra sổ báo giảng, sổ ghi đầu bài, sổ công tác chủ nhiệm, sổ sinh hoạt chuyên môn.... Nhiều nhiệm vụ khác thực hiện trong ngày như điểm danh học sinh, tổng hợp học sinh nghỉ có phép hay không, lý do nghỉ là gì? Nhiều công việc khác của giáo viên chủ nhiệm cần thực hiện để theo dõi diễn biến của lớp, của từng học sinh... Các công việc đó hiện đang làm trên các quyển sổ giấy, mất rất nhiều công sức, thời gian của các thầy cô giáo".

Theo thầy Cường: “Vẫn là câu chuyện xây dựng kế hoạch năm học, và cụ thể hiện nay là dạy và học trực tuyến, vậy những chuyện ghi chép sổ sách kia phải làm thế nào để quán xuyến được mọi việc giống như học trực tiếp? Và kể cả dạy học trực tiếp thì có cách nào để công việc đó khoa học, không mất nhiều thời gian mà vẫn đạt được hiệu quả trong công tác quản lý?

Từ những trăn trở đó, ban giám hiệu nhà trường đã nghiên cứu và quyết định đưa ra một chiến lược và thực hiện ngay trong năm học 2021 - 2022, đó là xây dựng “Hệ sinh thái về quản lí dạy và học". Hệ sinh thái về quản lí và dạy học được xây dựng theo cấu trúc và nội dung mà nhà trường mong muốn. Trong đó bao gồm: Hệ thống kiểm tra đánh giá và dạy học trực tuyến, mỗi thầy cô giáo có tài khoản riêng để đưa các tài nguyên số của bản thân mình, các dữ liệu được đồng bộ tới cả trường từ phân công chuyên môn, thời khóa biểu, dữ liệu học sinh, kiểm duyệt giáo án, tích hợp sổ chủ nhiệm, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ ghi đầu bài.

Thầy Nguyễn Cao Cường thay mặt ban giám hiệu đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba do Chủ tịch nước tặng. Ảnh: NTTC.

Thầy Nguyễn Cao Cường thay mặt ban giám hiệu đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba do Chủ tịch nước tặng. Ảnh: NTTC.

Mọi thao tác dễ dàng thực hiện trên máy tính, hoặc các thiết bị di động thông minh. Theo đó, việc báo giảng của giáo viên thực hiện đơn giản, sau mỗi tiết dạy, giáo viên nhận xét, chấm điểm lớp và hệ thống sẽ tích hợp sang sổ ghi đầu bài. Với giáo án, giáo viên đưa lên hệ thống, người kiểm duyệt sẽ đọc và duyệt giáo án. Đối với các thầy cô chủ nhiệm lại được liên thông tất cả các dữ liệu trong nhà trường để thực hiện việc kết nối sổ chủ nhiệm điện tử, không còn phải chép tay.

Đối với việc theo dõi học sinh, khi có biến động về việc nghỉ học, thầy cô bộ môn giảng dạy tích vào là thông tin đó đã kết nối với số liệu của sổ công tác chủ nhiệm. Sau khi buổi học kết thúc, toàn trường có bao nhiêu học sinh nghỉ, có lí do hay không thì hệ thống sẽ tổng hợp và ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm dễ dàng nắm bắt được ngay".

Thầy Cường nói: “Có thể nói đó là những bước ban đầu nhà trường chúng tôi chuyển đổi từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử, giảm thiểu hồ sơ giấy và việc này sẽ được thực hiện kể cả khi dạy học trực tiếp, số hóa hết các công việc sổ sách, giáo án,…Nếu tất cả sổ sách in ra giấy sẽ có chi phí hàng năm rất tốn kém, và khi đã in ra giấy thì việc bổ sung, sửa chữa không tiện lợi.

Ngoài ra, trong “hệ sinh thái” này có một điểm tích hợp nữa, đó là mục hồ sơ công văn đi đến hàng ngày, hàng tuần…của nhà trường, và nhất là trong giai đoạn này thì rất cần thiết. Bình thường công văn đi đến nếu có thì bộ phận văn phòng phải in, như vậy sẽ rất nhiều, thậm chí nhiều khi bị lẫn, nhưng giờ đây chỉ cần ghi chú nội dung công văn là gì, đồng thời việc lưu file PDF lên hệ thống là các bộ phận đều nắm bắt được. Không còn việc phải in công văn ra, kẹp vào hồ sơ gửi các bộ phận thực hiện”.

Xóa bỏ hoàn toàn sổ sách giấy

Thầy Cường chia sẻ thêm: “Trước đây, rất nhiều thầy cô cảm thấy rất “nặng nề” về câu chuyện hồ sơ bởi không có tính hiệu quả thực tế, mang tính hình thức cao. Ví dụ: Sổ công tác chủ nhiệm có một mẫu và được dùng qua rất nhiều năm, rất bất cập khi hiện nay các thầy cô rất nhiều tiết dạy, nhưng vẫn cặm cụi ngồi ghi chép tay vào sổ, trong khi áp dụng công nghệ sẽ giúp thầy cô có thêm thời gian quan tâm đến học sinh.

Việc tích hợp trong “hệ sinh thái” này cả 2 loại sổ là một bước đổi mới rõ rệt. Thay vì viết tay, giờ đây sổ chủ nhiệm có đầy đủ việc theo dõi tiến độ học tập từng lớp, từng học sinh, rồi nội dung từng cuộc họp trao đổi với phụ huynh học sinh, một điều rất hay là có thể xuất ra file PDF giống y mẫu sổ giấy và có thể chỉnh sửa nếu cần.

Hơn nữa, khi nhà trường đã nhập tất cả dữ liệu lần đầu tiên của một học sinh lớp 6 vào “hệ sinh thái” thì tất cả sẽ được duy trì, bổ sung thêm cho đến khi lớp 9 học sinh ra trường mà không cần phải thay sổ, thầy cô chủ nhiệm qua các năm sẽ có đủ mọi thông tin về học sinh, có ưu điểm sở trường gì, cần lưu ý vấn đề gì,…Trước đây nếu giáo viên lớp 9 muốn tìm hiểu học sinh qua các năm trước sẽ phải xem ở 4 cuốn sổ giấy.

Tập thể ban giám hiệu và các thầy cô giáo Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Tập thể ban giám hiệu và các thầy cô giáo Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội với chuyên đề Học sinh với văn hóa đọc trong kỷ nguyên số. Ảnh: NTCC.

Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội với chuyên đề Học sinh với văn hóa đọc trong kỷ nguyên số. Ảnh: NTCC.

Trong Thông tư 32 về điều lệ trường phổ thông đã nói rất rõ có những hồ sơ này, và có thể định nghĩa có khác nhau, nhiều trường hiểu theo ý “cứng” là có nhưng phải in ra giấy. Nhưng theo tôi hiểu, trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh như hiện nay thì từ “có” này hoàn toàn có thể phát triển trên nền tảng số, được nhà trường lưu giữ cẩn thận, sao lưu dữ liệu hàng tháng, dựa trên nền đó thầy cô và ban giám hiệu có thể làm việc bất cứ thời điểm nào và ở bất cứ đâu mà không giới hạn về không gian, thời gian, khoảng cách.

Đã có thực trạng cứ vào cuối tháng, khi được kiểm tra sổ thì không ít thầy cô ghi vài dòng để đối phó, như vậy hiệu quả giáo dục rất thấp, tính hình thức cao. Nhưng giờ đây, chúng ta hướng đến việc sử dụng tiện lợi thì thầy cô sẽ hiểu đó là việc tốt cho chính nghiệp vụ chuyên môn của mình, như vậy sẽ không có chuyện đối phó. Nhưng nếu một hệ thống sổ sách cũ kĩ, lạc hậu mà người dùng hiểu rằng đó là trách nhiệm thì lúc đó sổ sách chỉ là cho có mà thôi, không có tác dụng gì trong nghiệp vụ”.

Thầy Cường nhấn mạnh: “Khi đã triển khai nền tảng số hóa trong trường học thì học sinh là người được hưởng lợi trước tiên. Khi mọi thông tin, kết quả học tập, năng lực của học sinh được minh bạch, chuẩn xác và qua đó các thầy cô nắm bắt được thì mọi tác động sư phạm đến học sinh đó càng hiệu quả. Nếu một cô chủ nhiệm vừa nhận lớp, chưa rõ học sinh các năm trước ra sao thì hoàn toàn có thể tìm hiểu rất nhanh và đưa ra các biện pháp giáo dục hiệu quả nhất.

Nhà trường đã triển khai và đưa vào sử dụng “hệ sinh thái” này và thấy rất hiệu quả và có thể coi đây là “xương sống” cho nhà trường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ từng bước nâng cao, hoàn thiện thêm nhiều tính năng về công nghệ, về công tác quản lí của ban giám hiệu, phân cấp quản lí; Tích hợp thêm tính năng để dạy và học trực tuyến; Thêm chức năng kiểm tra đánh giá; Hệ thống camera an ninh trong từng lớp, phát triển trường học thông minh ,… Tất cả những tính năng chuyển đổi số đó giúp cho thầy cô, học sinh trong trường nâng cao hơn nữa chất lượng trong việc dạy và học, nhà trường ổn định hơn trong việc vận hành”.

Tùng Dương