Trường mầm non tư thục "chết dần chết mòn" trong dịch Covid-19

21/01/2022 06:40
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh khó khăn về mặt tài chính, trường mầm non tư thục ở Hải Phòng đang “chết mòn” khi đứng trước các nguy cơ về nhân sự, cơ sở vật chất và học sinh.

Thời gian qua, để đảm bảo công tác chống dịch Covid-19, các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hải Phòng không thể tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trực tiếp cho trẻ.

Trong đó, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn khi không có doanh thu từ nguồn học phí trong khi vẫn phải trả các chi phí để "giữ" trường.

Riêng trong năm 2021, khối trường mầm non ở Hải Phòng đã trải qua 3 đợt nghỉ dịch trong đó đợt kéo dài nhất lên tới 5 tháng.

Đến hiện tại, nhiều cơ sở đã không thể hỗ trợ lương để cán bộ, giáo viên ổn định cuộc sống và giữ chân họ khi trường học mở cửa trở lại.

Thiếu hụt nhân sự sau dịch

Không riêng mối lo về tài chính mà ai cũng nhận thấy, các cơ sở mầm non tư thục còn khó chồng khó khi đứng trước nguy cơ về nhân sự, cơ sở vật chất và học sinh.

Trong đó, nguy cơ thiếu hụt nhân sự khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài đã trở thành bài toán khó đối với các chủ trường.

Cô Vũ Phương Thảo – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi nhà hạnh phúc (phường Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, nhà trường có 3 cơ sở đặt tại các quận trung tâm của thành phố.

Thời gian qua, toàn bộ các cơ sở này đều phải đóng cửa do nằm trong vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bên cạnh khó khăn về mặt tài chính, trường mầm non tư thục ở Hải Phòng đang “chết mòn” khi đứng trước các nguy cơ về nhân sự, cơ sở vật chất và học sinh (Ảnh: NTCC)

Bên cạnh khó khăn về mặt tài chính, trường mầm non tư thục ở Hải Phòng đang “chết mòn” khi đứng trước các nguy cơ về nhân sự, cơ sở vật chất và học sinh (Ảnh: NTCC)

“Từ đầu năm 2021 đến nay, thời gian trường được hoạt động chăm sóc trẻ chỉ được khoảng nửa năm. Theo đó, phần thu về không thể đáp ứng được các khoản phải chi cố định nhà trường.

Thứ nhất phải kể đến khó khăn chung của là về tài chính bởi đặc trưng trường tư thục phải tự chịu trách nhiệm về những khoản thu, chi của mình.

Đa số các trường tư thục đều phải thuê địa điểm với chi phí cao hàng chục triệu đồng.

Nếu có nhiều cơ sở thì con số phải lên đến hàng trăm triệu đồng mà không phải chủ nhà nào cũng đồng cảm, hỗ trợ cho mình khi phải đóng cửa vì dịch.

Bên cạnh gánh nặng tài chính, trường còn có nhiều khó khăn, vướng mắc mà không nhiều người nhìn thấy như vấn đề nhân sự.

Trong vòng một năm mà nghỉ dịch 3 lần thì bản thân trường không thể chi trả toàn bộ mức lương cho nhân viên được mà chỉ hỗ trợ phần nào.

Trong khi đó, nhiều giáo viên phải mưu sinh bằng cách làm thêm các công việc bên ngoài. Có thể 1, 2 tháng thì các cô còn cố gắng còn ở đây đã quá nhiều tháng, các cô cũng phải trang trải cuộc sống.

Có những cô có nơi ở cố định thường nhận trẻ về nhà để có thêm thu nhập tuy nhiên sau này cũng có quy định cấm gửi trẻ.

Số khác đi còn đi làm nhân viên bán hàng, công nhân, nhân viên bảo vệ,… rất nhiều công việc trái ngành nghề để có nguồn thu nhập. Bản thân các chủ trường khi nhìn như vậy thấy rất buồn và suy nghĩ.

Điều đáng nói, khi trường hoạt động trở lại, lúc này giáo viên đã quen với công việc khác và mang tâm lý sợ sẽ tiếp tục bám nghề thì sẽ tái diễn những đợt nghỉ dịch không thu nhập, cuộc sống bấp bênh.

Mỗi đợt mở cửa trở lại, nhà trường lại nháo nhào đi tìm giáo viên, nhân sự và động viên những nhân viên cũ quay trở lại.

Ngành mầm non có sự khác biệt ở chỗ làm việc với một đứa trẻ không giống như máy móc, thiết bị để có thể thay người.

Mỗi trẻ đều có sự gắn bó, quen thuộc với giáo viên, khi đổi người các con sẽ khóc và mất nhiều thời gian để làm quen” cô Thảo cho biết thêm

Các trường mầm non tư thục đứng trước khó khăn về tuyển dụng nhân sự (Ảnh: NTCC)

Các trường mầm non tư thục đứng trước khó khăn về tuyển dụng nhân sự (Ảnh: NTCC)

Cô Phương Thảo cũng nhấn mạnh: “Trong khi số lượng sinh viên học mầm non ra trường ngày càng ít. Một ngành nghề vất vả lại bấp bênh thì không biết trong tương lai liệu có sinh viên lựa chọn hay không.

Kéo theo đó, các trường mầm non sẽ càng khó khăn hơn trong việc tuyển dụng nhân sự”.

Tương tự, khi không thể trả lương cho nhân viên, hệ thống Trường Mầm non Kitty của cô Nguyễn Thị Thuý Hồng cũng không đảm bảo khả năng giữ chân nhân sự trong thời gian tới.

Trường Mầm non Kitty hiện đang có 2 cơ sở với khoảng 250 học sinh và 43 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 43 cán bộ, giáo viên của Trường Mầm non Kitty rơi vào cảnh không có việc làm, không có thu nhập (Ảnh: NTCC)

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 43 cán bộ, giáo viên của Trường Mầm non Kitty rơi vào cảnh không có việc làm, không có thu nhập (Ảnh: NTCC)

Giáo viên nhà trường sau nhiều đợt dịch luôn chủ động ứng phó để đảm bảo cuộc sống gia đình như làm thời vụ ở một số công ty như may mặc, giày da,… đến nhà phụ huynh để trông trẻ để chờ được quay lại với trường, với trẻ. Cô Hồng chia sẻ: “Sau mỗi đợt dịch giáo viên cũng chia sẻ về tâm lý hoang mang về ngành nghề và công việc này đã gây ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều giáo viên đã bắt đầu hoang mang và dự trù cho mình một nghề phụ khác như trang điểm, bán hàng online để duy trì cuộc sống khi không thể bám trụ với nghề nữa.

Trong các đợt dịch trước, nhà trường cố gắng hỗ trợ cho giáo viên bằng cách đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên đến thời điểm này nhà trường cũng rất khó khăn.

Dưới cương vị người quản lý và thấy được hoàn cảnh giáo viên phải chật vật mưu sinh, làm đủ các công việc như dọn nhà theo giờ, làm việc thời vụ trả theo ngày tôi rất thương và đau xót”.

Trung bình mức lương của giáo viên, nhân viên tại Trường Mầm non Kitty rơi vào khoảng 5.500.000 – 7.000.000 đồng.

Mức thưởng Tết thì tuỳ theo thâm niên, sự cống hiến đối với nhà trường sẽ nhận được từ 500.000 – 3.500.000 đồng.

Tết Nguyên đán năm 2021, dù bị đóng cửa do dịch bệnh nhưng nhà trường cố gắng thưởng khoảng 1.000.000 đồng/giáo viên nhưng năm nay trường không thể duy trì hỗ trợ giáo viên đón tết.

Hao mòn cơ sở vật chất và số lượng học sinh

Đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà trường không chỉ cần chi trả các khoản cố định như tiền mặt bằng, điện, nước mà còn chi phí duy trì, bảo dưỡng toàn bộ cơ sở vật chất.

Từ những trang thiết bị đơn giản như đồ chơi, đồ dùng học tập cho đến các đồ dùng điện tử phục vụ cho việc vui chơi, học tập của trẻ đều sẽ hao mòn theo thời gian.

Cô Vũ Phương Thảo – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi nhà hạnh phúc cho biết: “Về cơ sở vật chất sẽ luôn có vấn đề hao mòn theo thời gian, dù đóng cửa hay hoạt động cũng vậy.

Ví dụ như ti vi, camera, máy chiếu hay máy tính không sử dụng trong thời gian dài sẽ dễ hỏng hóc.

Khi quay trở lại hoạt động, nhà trường sẽ phải bỏ một khoản lớn để tu sửa, bảo dưỡng mới đáp ứng đủ điều kiện đón trẻ ra lớp”.

Sau mỗi lần nghỉ dịch, các nhà trường phải chi trả một khoản lớn tu sửa, bảo dưỡng cơ sở vật chất (Ảnh: NTCC)

Sau mỗi lần nghỉ dịch, các nhà trường phải chi trả một khoản lớn tu sửa, bảo dưỡng cơ sở vật chất (Ảnh: NTCC)

Một khó khăn nữa đối với các trường mầm non đến từ phía phụ huynh và học sinh. Với tâm lý e ngại dịch bệnh, trong các đợt đón trẻ ra lớp, hầu hết các trường mầm non đều không đón đủ số lượng học sinh đã đăng ký.

Bên cạnh đó, khi nghỉ dịch ở nhà, đa số trẻ sẽ không duy trì được nề nếp sinh hoạt ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc.

Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển toàn diện của trẻ, khi đến trường sẽ lại là một hành trình mới gian nan với cô và trò.

“Trải qua 2 năm dịch bệnh, các đợt nghỉ dịch ít thì 1 đến 2 tháng, còn có đợt lên tới 5 tháng sẽ gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh và học sinh thiệt thòi nhiều khi không được đảm bảo phát triển toàn diện.

Đến trường, trẻ thay đổi hoàn toàn về giờ giấc, trong lớp con thì ăn con thì chơi, giờ ngủ thì nhiều bạn chạy nhảy nên giáo viên sẽ mất thời gian để rèn nề nếp” cô Thảo chia sẻ thêm.

Trải qua một năm với nhiều đợt dịch bùng phát, trường học phải đóng cửa, hiệu trưởng các trường mầm non tư thục cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước và chính quyền địa phương.

Ở góc độ người đứng đầu cơ sở Mầm non Kitty, cô Nguyễn Thị Thuý Hồng chia sẻ nguyện vọng với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Tôi rất mong muốn được nhà nước hỗ trợ chi trả tiền Bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non tư thục.

Hỗ trợ cho đơn vị doanh nghiệp về việc giãn cách hay giảm mức đóng bảo hiểm để giảm bớt khó khăn cho người sử dụng lao động.

Thứ hai, giáo viên cũng mỏi mỏi nhà nước có chế tài hỗ trợ bởi vì khối ngoài công lập không được hưởng bảo trợ của nhà nước. Sự hỗ trợ ấy sẽ giúp các giáo viên mầm non có thêm động lực để trụ lại với nghề.

Về phía thành phố, tôi mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, học sinh có điều kiện được quay trở lại trường.

Bên cạnh đó, các đơn vị ngân hàng tại địa phương có thể tạo điều kiện cho giáo viên, chủ doanh nghiệp hưởng hỗ trợ vay không lãi suất để duy trì cuộc sống, duy trì trường học”.

PHẠM LINH