Hội đồng trường phổ thông có quyền "to nhất", nhưng phát huy như thế nào?

17/02/2022 06:34
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong một cơ sở giáo dục thì Hội đồng trường có quyền to nhất, nó thiết thực và có hiệu quả nếu như người lãnh đạo nhà trường biết vận dụng và phát huy.

“Chúng tôi đã thành lập Hội đồng trường từ những năm học trước, tôi thấy mọi hoạt động của hội đồng này diễn ra gần giống như chức năng của hội đồng liên tịch, chỉ khác là phải làm thêm một bộ sổ sách, hồ sơ tài liệu.

Thành phần Hội đồng trường của trường chúng tôi hiện nay gồm ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, 1 đại diện của cha mẹ học sinh, 1 đại diện của chính quyền địa phương, 1 đại diện của học sinh. Mọi người hàng ngày vẫn hoạt động chuyên môn theo công việc của mình, khi nào cần thì sẽ triệu tập để họp.

Trong khi đó ở hội đồng liên tịch gồm các thành phần như ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, 5 tổ trưởng chuyên môn, giáo viên tổng phụ trách, kế toán. Không có đại diện địa phương, đại diện học sinh và phụ huynh.

Hiện tại, chúng tôi chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho Hội đồng trường và mọi người đều làm trên tinh thần tự nguyện, mỗi năm họp 3 lần vào đầu năm học, cuối học kì 1 và kết thúc năm học” đó là ý kiến của Thạc sĩ Quản lí Giáo dục Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thạc sĩ Quản lí Giáo dục Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Thạc sĩ Quản lí Giáo dục Nguyễn Thị Thuần – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo cô Thuần: “Theo tôi, mọi quyết định của Hội đồng trường cũng không chi phối nhiều tới phương hướng hoạt động của nhà trường, bởi thành phần cũng gần như Liên tịch của nhà trường.

Tuy nhiên Hội đồng trường có sự phối, kết hợp tốt hơn bởi có đại diện cha mẹ học sinh, học sinh và chính quyền địa phương. Hiện tại, nếu có vấn đề gì, chúng tôi sẽ báo cáo với chính quyền địa phương và đều nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình, tất cả mọi công việc liên quan đến giáo dục đều được chính quyền địa phương rất quan tâm hỗ trợ, từ các hoạt động hè, hoạt động ngoài giờ học,… đều được chỉ đạo sát sao".

Cũng theo cô Thuần: "Trước khi có Hội đồng trường thì mọi hoạt động thường xuyên của nhà trường cũng vẫn nhận được sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương và đại diện cha mẹ học sinh. Điều này cho thấy không có sự khác biệt nhiều trong hoạt động của Hội đồng trường nếu không muốn nói là chức năng khá chồng chéo.

Còn việc có đại diện học sinh tham gia vào Hội đồng trường, khi họp bàn thì các em nghe chứ hoàn toàn không thể quyết định một vấn đề gì bởi các em chỉ là một thành viên. Tuy nhiên, các em có quyền tham gia phát biểu những đề xuất của học sinh, lúc này Hội đồng trường lắng nghe, với những đề xuất tốt, hợp lí thì đáp ứng nhưng trong phạm vi điều kiện cho phép. Mọi việc được quyết trong tập thể Hội đồng trường sẽ theo số đông.

Theo trình tự, ban giám hiệu nhà trường sẽ đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển nhà trường và những việc này sẽ được họp trước thông qua khi Hội đồng giáo dục nhà trường họp, mọi người sẽ cùng bàn và quyết. Rồi vẫn những nội dung đó sẽ được họp bàn với Hội đồng trường, lúc này nếu có ý kiến hay hơn thì nhà trường sẽ theo, còn nếu không có ý kiến gì thì mọi việc sẽ theo liên tịch nhà trường.

Thông thường, mọi việc khi đã được ban giám hiệu, liên tịch nhà trường bàn và quyết thì khi họp vấn đề đó với Hội đồng trường đều nhận được sự ủng hộ, như vậy có thể nói những định hướng mà liên tịch hội đồng giáo dục nhà trường là chuẩn. Nhưng theo tôi có Hội đồng trường cũng tốt, đây là nơi phụ huynh, học sinh có quyền tham gia đóng góp ý kiến, cũng như đề xuất tâm tư, nguyện vọng, như vậy cũng bài bản hơn. Còn nếu liên tịch thì chỉ có quyết định của riêng các thầy cô mà thôi”.

Người hiệu trưởng phải có tinh thần cầu thị

Cũng về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Chức năng hoạt động của Hội đồng trường cũng giống như hoạt động của hội đồng liên tịch.

Chỉ khác là Hội đồng trường được quy định rất rõ trong thông tư, chính danh và phân quyền rõ ràng cho các thành phần tham gia, thời hạn, nhiệm kì,…

Theo tôi, khi quy định rõ như vậy thì điều đầu tiên người lãnh đạo nhà trường sẽ phải sử dụng quyền của Hội đồng trường, dựa vào đó để xây dựng những chiến lược phát triển, mục tiêu nhà trường cần đạt được, những việc to nhất trong mỗi nhà trường cần phải được Hội đồng này thông qua. Mặc dù đã được thông qua nhưng sau mỗi năm học cũng cần được rà soát lại những định hướng đó, hoặc thay đổi mục tiêu thì cũng cần phải được thông qua Hội đồng trường.

Có thể nói, trong một cơ sở giáo dục thì Hội đồng trường có quyền to nhất. Nó thiết thực và có hiệu quả nếu như người lãnh đạo nhà trường biết vận dụng và phát huy. Nhưng có lẽ suốt một thời gian dài chúng ta quen với liên tịch, hơn nữa “văn hóa” trong mỗi nhà trường cũng chưa được khai thác hết.

Ví dụ: Thành phần Hội đồng trường có đại diện phụ huynh học sinh, có học sinh khi 2 thành phần này góp ý nếu được tiếp thu sẽ giúp lãnh đạo nhà trường có phương án điều chỉnh lại về công tác quản lí.

Nếu nói có Hội đồng trường có tốt không thì tôi thấy rất tốt, nhưng mỗi nhà trường đã phát huy, khai thác hết vai trò của các thành phần trong Hội đồng trường hay chưa thì đó mới là câu chuyện đáng phải bàn”.

Theo cô Nhiếp: "Nếu nói có tốt không thì bản thân tôi thấy rất tốt, nhưng mỗi nhà trường đã phát huy, khai thác hết vai trò của các thành phần trong Hội đồng trường hay chưa? Đó mới là câu chuyện đáng phải bàn, đó mới là việc lớn”. Ảnh: NVCC.

Theo cô Nhiếp: "Nếu nói có tốt không thì bản thân tôi thấy rất tốt, nhưng mỗi nhà trường đã phát huy, khai thác hết vai trò của các thành phần trong Hội đồng trường hay chưa? Đó mới là câu chuyện đáng phải bàn, đó mới là việc lớn”. Ảnh: NVCC.

Hội đồng trường có học sinh và phụ huynh chỉ là hình thức?

Theo cô Nhiếp: “Tôi không đồng ý với ý kiến của một số người cho rằng thành phần trong Hội đồng trường có học sinh chỉ là hình thức bởi lãnh đạo nhà trường nên hỏi học sinh: Các em thấy kế hoạch của các thầy cô đang triển khai thế nào, có chỗ nào thấy chưa hợp lí? Theo tôi quan trọng là cách thầy cô đặt vấn đề, làm sao để học sinh thấy tin tưởng và dám nói ra hết.

Bản thân tôi cũng đã làm rất nhiều buổi đối thoại trực tiếp với học sinh trong nhà trường, đây là dịp học sinh nói ra những tâm tư, nguyện vọng, và vượt lên tất cả là lãnh đạo nhà trường phải lắng nghe những điều học sinh nói, nhiều lúc các thầy cô cứ nghĩ là mình đúng hết, nhưng không phải như vậy. Khi nghe học sinh nói mới thấy mình phải điều chỉnh cái này, cái kia chứ không phải lúc nào mình cũng đúng.

Hội đồng trường là ý tưởng hay và thế giới họ đã làm như vậy, chỉ khác ở chỗ văn hóa ở các nước sẽ cởi mở hơn, học sinh được quyền phản biện lại thầy cô, còn ở mình nếu như người hiệu trưởng nhà trường, các thầy cô “khó khăn” sẽ không cho học sinh được ý kiến.

Điều này thuộc về văn hóa, bản thân phụ huynh học sinh nhiều khi rất ngại góp ý với nhà trường, nhưng nếu người hiệu trưởng cởi mở, lúc này cha mẹ học sinh sẽ góp ý, về cơ bản thì hầu như họ đều góp ý xây dựng nhà trường".

Trên tinh thần cầu thị, cô Nhiếp rất mong mời được những phụ huynh học sinh có tính chất phản biện vào tham gia Hội đồng trường.

Tuy nhiên, cô Nhiếp băn khoăn về nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 5 năm trong khi đại diện học sinh, phụ huynh được lựa chọn từ lớp 10 thì cùng lắm cũng chỉ hoạt động được 3 năm.

Tùng Dương