5 lý do gây nên tranh cãi sách giáo khoa Tiếng Việt 1 "không dạy chữ cái P"

26/02/2022 06:36
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dư luận dậy sóng trước thông tin sách Tiếng Việt 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống, không dạy chữ P cho thấy sự mất niềm tin về sách giáo khoa chương trình mới.

Những ngày qua, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin, sách Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bỏ chữ cái P ra khỏi sách giáo khoa khiến dư luận bàn tán xôn xao.

Có thể kiệt kê một số bài viết như sau: "Sách Tiếng Việt 1 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Chữ cái P - học sinh không được học?" (Tạp chí Người đưa tin Pháp luật ngày 22/2). [1]

"Âm P (pờ) không được dạy trong sách Tiếng Việt 1 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Hệ luỵ nghiêm trọng?" (Báo Pháp luật Việt Nam ngày 23/2). [2]

"Lạ lùng sách Tiếng Việt 1 không dạy chữ P, hiệu trưởng viết tâm thư cho bộ trưởng (Báo Tuổi trẻ ngày 24/2) [3] …

Nội dung các bài báo cho biết, thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về sách Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P khi đứng trước các nguyên âm.

Bởi, có cô giáo chủ biên 1 sách giáo khoa trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống trả lời thầy Vịnh rằng, sách Tiếng Việt 1 không dạy chữ P khi đứng trước các nguyên âm vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai.

Nguyên nhân nào khiến sách Tiếng Việt 1 gặp sóng gió?

Mục lục (trang 4) sách Tiếng Việt 1 (tập 1) - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, liệt kê 2 chữ cái PH, QU (không có chữ cái P).

Tuy nhiên, Bài 26 (trang 64) có dạy chữ cái P - PH qua các từ: "phố", "phà", "phí", "phở", "pha trà", "phố cổ".

Sách Tiếng Việt 1 - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, có dạy chữ cái P. (Ảnh: Phan Thế Hoài)Sách Tiếng Việt 1 - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, có dạy chữ cái P. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Tiếp đến, Bài 33 (trang 78) có dạy từ "đèn pin"; Bài 53 (trang 118): "rạp", "bắp", "đập"... "xe đạp", "cặp da", "cá mập"; Bài 54 (trang 120): "cọp", "hộp", "hợp"... "con cọp", "lốp xe", "tia chớp"; Bài 56 (trang 124): "kẹp"; "kịp"... "đôi dép", "đầu bếp", "bìm bịp", "búp sen" và nhiều bài khác nữa đều có dạy chữ P và âm P. [4]

Ở sách tập 2, trong các văn bản đọc thì các từ có chữ P không thể tính hết. Vậy nên, có thể khẳng định, sách Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có dạy đầy đủ chữ cái P (nhưng chỉ lướt qua âm đầu P).

Hơn nữa, Quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/6/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành mẫu chữ viết trong trường tiểu học thì bảng chữ cái tiếng Việt gồm 29 chữ cái. Các tác giả sách giáo khoa không có lí do gì để làm sai Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cả. [5]

Vậy tại sao những ngày qua dư luận dậy sóng trước thông tin sách Tiếng Việt 1 không dạy chữ cái P? Cá nhân tôi cho rằng, có một số lí do chủ yếu như sau:

Thứ nhất, nhiều người chỉ nhìn vào phần mục lục, không thấy chữ cái P mà không xem nội dung thế nào nên quy kết sách Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã bỏ chữ cái “P” ra khỏi sách giáo khoa.

Thứ hai, cô giáo là chủ biên 1 sách giáo khoa trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống trả lời thầy Đào Quốc Vịnh rằng, sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P khi đứng trước các nguyên âm vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai - là nguyên nhân chủ yếu gây tranh cãi.

Như đã dẫn, thực ra sách có dạy chữ cái P khi đứng trước nguyên âm (chẳng hạn "đèn pin"). Thế nhưng, cô giáo khẳng định, không dạy chữ P khi đứng trước nguyên âm khiến dư luận dậy sóng.

Sách Tiếng Việt dạy chữ cái P đứng trước nguyên âm - đèn pin. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Sách Tiếng Việt dạy chữ cái P đứng trước nguyên âm - đèn pin. (Ảnh: Phan Thế Hoài)

Và không có chuyện "rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm". Ví dụ địa danh ở tỉnh Lai Châu: Pa Ủ, Pa Vệ Sử, Pa Tần, Pu Sam Cáp, Pa Khoá, Pa Vây Sử... Hoặc tỉnh Gia Lai có các địa danh như: Ayun Pa, Chư Păh, Chư Prông, Krông Pa.

Cô giáo chủ biên 1 sách giáo khoa trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho rằng, nếu có từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm là từ ngoại lai, cũng khiến giới ngôn ngữ học tranh cãi không hồi kết (vì tùy thuộc vào quan điểm).

Ngày 22/2, Phó Giáo sư Hoàng Dũng, giảng viên bộ môn Ngôn ngữ học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhiều nhà ngôn ngữ học chủ trương từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm là từ ngoại lai.

"Chẳng hạn, Giáo sư Đoàn Thiện Thuật không cho /p/ là âm đầu tiếng Việt, tức mặc nhiên cho "pin" chẳng hạn, không phải là từ tiếng Việt", thầy Dũng dẫn chứng.

Ngày 22/2, tôi đem vấn đề này trao đổi với Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Cổn, giảng viên bộ môn Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội thì được thầy chia sẻ:

Nếu xét theo quan điểm lịch đại thì những từ như "đèn pin", "(Sa) Pa"... là từ ngoại lai, nhưng xét theo quan điểm đồng đại thì là từ của tiếng Việt. "Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc coi tiếng Việt có cả âm đầu P để cho nhất quán", Phó Giáo sư Hồng Cổn đề xuất.

Thứ ba, ngày 24/2, Phó Giáo sư Hoàng Dũng (Thành phố Hồ Chí Minh), nêu quan điểm, ý kiến của ông Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đúng hay sai, là chuyện bình thường.

Điều bất thường là ý kiến của ông lại được đăng tải như là chuyện đúng rồi mà không thèm làm một thao tác đơn giản là kiểm tra xem sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống quả thực có không dạy chữ P hay không.

Thứ tư, dư luận thì tin ở thông tin phản ánh trên báo chí nên có tâm lí hùa vào làm cho vấn đề phức tạp hơn. Hơn nữa, nhiều người không phân biệt được "âm" và "chữ" (vấn đề này thông cảm được vì liên quan đến vấn đề học thuật hàn lâm) nên nói năng vô lối (rất đáng trách).

Thứ năm, cá nhân tôi cho rằng, người dân ít nhiều bị mất niềm tin vào sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là sách Tiếng Việt 1, điều này đã được báo chí nói rất nhiều từ năm 2020 đến nay.

Cụ thể, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài phản ánh về "sạn" trong các bộ sách như Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống... Tuy vậy, cho đến thời điểm này, theo ghi nhận của tôi, các bộ sách chỉnh sửa rất ít - nếu sửa hết các góp ý của giáo viên, chuyên gia thì chỉ có thể là viết lại sách mới, trường hợp sách Tiếng Việt bộ Cánh Diều.

Thay lời kết

Ngày 25/2, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống - khẳng định rằng, không có chuyện sách bỏ chữ P. [6]

"Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, kế thừa cách dạy của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 năm 2000. Cụ thể, dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, học sinh được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P", thầy Hùng nói thêm.

Tuy nhiên, ngày 25/2, Báo Đại Đoàn Kết dẫn lời Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông cho rằng, cách giải thích của ông Tổng chủ biên chưa hướng đúng vào trọng tâm của dư luận. [7]

"Đó là dạy âm P khi nó đứng trước các nguyên âm. Rõ ràng, chỉ giới thiệu các từ có âm P là chưa đủ mà phải dạy nó với tư cách là một phụ âm đầu. Dù có quan niệm cho rằng, đó là âm ngoại lai, nhưng thực tế nó đã đi vào hệ thống ngữ âm tiếng Việt", Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Đạt nói với Báo Đại Đoàn Kết.

Là giáo viên dạy môn Văn cũng là người nghiên cứu ngôn ngữ, tôi cho rằng, các tác giả sách Tiếng Việt 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống, cần giới thiệu chữ cái P có cương vị độc lập với các chữ cái khác một cách tường minh nhằm nâng cao khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ em khi học tiếng Việt.

Tài liệu tham khảo:

[1] //www.nguoiduatin.vn/sach-tieng-viet-1-nxb-gdvn-chu-cai-p-hoc-sinh-khong-duoc-hoc-a543805.html

[2] //baophapluat.vn/media/chu-cai-p-khong-duoc-day-trong-sach-tieng-viet-1-nxb-gdvn-he-luy-nghiem-trong-post7946.html

[3] //tuoitre.vn/la-lung-sach-tieng-viet-1-khong-day-chu-p-hieu-truong-viet-tam-thu-cho-bo-truong-20220224095941229.htm

[4] //drive.google.com/file/d/1TmhapNUImHyxrTGQGDSkS7GOHE8H1KGI/view

[5] //luattrongtay.vn/ViewFullText/Id/a100da48-6953-48ca-9822-3818b4de962b

[6] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tong-chu-bien-tieng-viet-1-sgk-bo-ket-noi-co-day-chu-p-pe-va-am-p-po-post224632.gd

[7] //daidoanket.vn/giai-thich-cua-tong-chu-bien-tieng-viet-1-chua-huong-dung-trong-tam-cua-du-luan-5680491.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài