Cần xem xét kỹ lưỡng việc thêm tổ hợp môn xét tuyển khối ngành Y khoa

09/03/2022 07:03
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Giáo sư Trương Việt Dũng và Phó Giáo sư Bùi Thị An cần xem xét kỹ lưỡng khi thêm tổ hợp môn xét tuyển khối ngành Y khoa.

Năm 2022, nhiều trường đại học thuộc khối ngành Y – Dược mở rộng xét tuyển ngành Y khoa bằng các tổ hợp môn không có môn Sinh.

Năm nay ngoài các tổ hợp môn có môn Sinh như B00 (Toán, Hóa, Sinh), B08 (Toán, Sinh, Tiếng Anh), Trường Đại học Y Dược Thái Bình sử dụng tổ hợp không có môn Sinh D07 (Toán, Hóa, Anh) để xét tuyển ngành Y khoa, đào tạo bác sĩ đa khoa.

Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên cũng tuyển sinh theo những khối ngành trên.

Ngoài ra nhiều trường Đại học cũng sử dụng những tổ hợp không có môn Sinh để xét tuyển như: Học viện Quân Y, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ, Trường Đại học Phan Châu Trinh, Quảng Nam, … với tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa).

Chia sẻ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa không có môn Sinh, Giáo sư Trương Việt Dũng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y Dược nay là Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng các trường đại học y dược nên làm thí điểm nếu muốn bổ sung các tổ hợp không có môn Sinh vào xét tuyển các ngành Y khoa thì nên thử nghiệm, tính toán dành bao nhiêu chỉ tiêu cho các tổ hợp là phù hợp.

Giáo sư Trương Việt Dũng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y Dược nay là Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: vnu.edu.vn

Giáo sư Trương Việt Dũng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y Dược nay là Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: vnu.edu.vn

Theo ông Dũng cần có sự quan sát, so sánh giữa kết quả học tập giữa những em thi tuyển bằng tổ hợp có môn Sinh với sinh viên thi tổ hợp không có môn Sinh xem có bị chênh lệch trình độ không. Chỉ tiêu những tổ hợp không có môn Sinh nên chiếm một tỉ lệ nhỏ như thế sẽ dễ dàng hơn cho các trường trong việc đánh giá, tránh những rủi ro và đảm bảo chất lượng.

Nhà trường nên thí điểm chính sách bổ sung các tổ hợp môn mới trong vòng 1-2 năm xem có phù hợp, chất lượng và hiệu quả ra sao trước khi chính thức đi vào đào tạo.

Thời kỳ trước, nhiều trường đại học y dược tuyển sinh với xuất phát điểm là những môn Toán, Vật lý, Hóa học. Tuy nhiên có sự thay đổi kể từ khi công nghệ sinh học phát triển. Cho đến nay công nghệ sinh học có ảnh hưởng rất lớn đến ngành Y khoa. Vì vậy, khi xem xét bổ sung hay thay đổi tổ hợp xét tuyển ngành này, các trường cần hết sức cẩn trọng.

Theo đánh giá của Giáo sư Trương Việt Dũng, Sinh học là môn gần nhất với ngành Y khoa. Những môn như Toán, Vật lý, sinh viên ngành Y khoa tuy không áp dụng nhiều nhưng vẫn rất cần hướng tư duy được tạo ra khi học hai môn này. Xét về mức độ tôi cho rằng môn Sinh học đóng vai trò quan trọng nhất.

Với môn tiếng Anh, ông Dũng đánh giá ngành nào cũng cần nhưng với Y khoa thì chỉ nên dùng nó để cộng điểm ưu tiên chứ không nên coi nó là yêu cầu tiên quyết.

Ông Dũng phân tích có lợi thế về tiếng Anh sẽ giúp sinh viên ngành Y thuận lợi hơn trong quá trình đọc và nghiên cứu tài liệu nước ngoài tuy nhiên đây nó không đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Cùng quan điểm với Giáo sư Trương Việt Dũng, Phó Giáo sư Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng theo xu hướng tự chủ, các trường đại học được quyền tự quyết trong các hoạt động của mình. Tuy nhiên việc xét tuyển những tổ hợp môn gì cho ngành nào cần có sự cân nhắc kỹ càng, cẩn thận.

Phó Giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Mạnh Đoàn

Phó Giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Mạnh Đoàn

Các trường đại học khi muốn bổ sung xét tuyển tổ hợp môn cho một ngành thì phải trình bày, giải thích vì sao thêm những môn mới, bỏ những môn mà trước đây chúng ta đã chọn để xét tuyển các ngành vào đại học.

Theo Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội bên cạnh việc nhà trường cần cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng khi bổ sung, thay đổi các tổ hợp môn xét tuyển đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi phân cấp, phân quyền cho các trường đại học thì phải quán triệt rằng ban giám hiệu phải chịu trách nhiệm trước Bộ, trước dư luận xã hội.

Nhật Tân