Học sinh trường chuyên đạt giải, đi du học, bao nhiêu % quay về nước cống hiến?

19/03/2022 06:36
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh trường chuyên đạt giải rồi đi du học, bao nhiêu % quay về cống hiến cho đất nước ra sao? Chúng ta hoàn toàn chưa có tổng kết.

Thời gian vừa qua, câu chuyện về việc phát triển của các trường chuyên thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Việc cho tư nhân mở trường chuyên, ngân sách nhà nước các địa phương có nên dồn lực đầu tư cho các trường chuyên với mục tiêu đào tạo nhân tài có còn hợp lý nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia giáo dục.

Cần đánh giá tổng kết hệ thống trường chuyên

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội), chia sẻ: “Việc đào tạo nhân tài là một vấn đề luôn cấp bách, nhất là trong giai đoạn hiện nay và không phải đến bậc đại học mới làm, quá trình đào tạo nhân tài phải bắt đầu từ bậc phổ thông. Thực tế hiện nay có một số trường điểm ở một vài quận với mô hình giống như trường chuyên để lựa chọn, đào tạo những học sinh xuất sắc cho các trường chuyên.

Vậy nên vấn đề đặt ra ở đây là quy trình đào tạo, tuyển chọn nhân tài của chúng ta bắt đầu từ bậc phổ thông như đã làm trong nhiều năm qua, nhưng lại chưa hề có đánh giá xem hiệu quả đến mức độ nào của mô hình đào tạo ấy. Cần phải có đánh giá cụ thể thì chúng ta mới đi tới việc định hướng phát triển tiếp theo của hệ thống này nên như thế nào cho hiệu quả.

Lâu nay chúng ta vẫn nói tới câu chuyện những em học sinh xuất sắc đạt giải quốc gia, quốc tế… và điều mọi người dễ nhận thấy hầu hết các em này đều từ các trường chuyên mà ra. Sau đó các em lên đại học, đi du học nước ngoài, rồi tỷ lệ bao nhiêu % quay lại cống hiến cho đất nước ra sao? Chúng ta hoàn toàn chưa có tổng kết, thống kê nghiên cứu một cách chuẩn xác”.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: T.D.Tiến sĩ Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: T.D.

Theo thầy Quân: “Chúng ta muốn định hướng phát triển hệ thống trường chuyên như thế nào cho khoa học, hợp lý, đúng với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước thì việc đầu tiên phải làm là có sự đánh giá khách quan, tổng thể toàn bộ hệ thống trường chuyên này trong suốt những năm qua cho đến thời điểm hiện nay, rồi căn cứ vào đó mới điều chỉnh.

Theo tôi đây là một nghiên cứu rất cấp bách cần phải làm ngay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa việc này thành đề tài cấp Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cũng phải triển khai nghiên cứu ngay trong năm học 2021 - 2022 này. Bởi vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là trọng tâm trong những Nghị quyết của các đại hội, báo cáo chính trị, vì thế chúng ta cần nghiên cứu ngay".

Cho tư thục mở trường chuyên?

Thầy Quân nêu quan điểm: “Hiện nay các văn bản về trường chuyên thì chỉ cho phép trường công lập, những trường ngoài công lập không được tổ chức trường chuyên. Nhưng thực tế các trường ngoài công lập thừa sức để đào tạo mô hình này, họ có cơ sở vật chất tốt hơn, đội ngũ giáo viên tư thục cũng có trình độ cao.

Tôi hoàn toàn đồng ý bên cạnh hệ trường chuyên công lập thì nên cho tư nhân nếu đủ điều kiện được phép mở trường chuyên.

Cả hai hệ thống này hỗ trợ cho nhau sẽ rất tốt và còn thực hiện tốt vấn đề xã hội hóa giáo dục, nhà nước không phải đầu tư một chút nào về ngân sách mà chỉ việc thu thuế, tiết kiệm được ngân sách cho nhà nước.Từ nguồn ngân sách tiết kiệm được đó nhà nước sẽ mở rộng hơn hệ thống trường lớp cho vùng khó khăn hơn”.

“Nếu tư nhân được mở trường chuyên sẽ phải tuân thủ quy chế quản lý của Bộ, Sở một cách chặt chẽ, và trường nào đạt được đầy đủ các quy định thì mới được triển khai. Hơn nữa Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phải ủng hộ, tạo điều kiện cho hệ thống tư thục vì đây cũng là một kênh hỗ trợ rất tốt cho hệ thống giáo dục công lập.

Nhà nước cần tháo gỡ cơ chế, có điều kiện hoạt động thật rõ ràng cho hệ thống trường chuyên tư thục, nếu làm được như vậy thì chúng ta được lợi rất nhiều thứ và đầu tiên các em học sinh là người trực tiếp được hưởng. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các trường ngoài công lập, nên tạo cơ hội cho tư nhân tham gia vào các trường chuyên hiện nay”, thầy Quân nhấn mạnh.

Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng trường chuyên tư thục. Điều này cũng được hiểu là mô hình trường chuyên sẽ có sự tham gia thành lập và điều hành của khối tư nhân.

Thầy Hoàng Xuân Khóa – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie (Hải Phòng). Ảnh: T.D.

Thầy Hoàng Xuân Khóa – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie (Hải Phòng). Ảnh: T.D.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Xuân Khóa – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie (Hải Phòng) cho biết: “Cho phép khối tư thục tham gia mở trường chuyên, vấn đề này tôi hoàn toàn ủng hộ bởi trường chuyên đào tạo nhân tài cho đất nước thì tại sao lại độc quyền?

Ví dụ cả một thành phố lớn, một tỉnh có hàng triệu học sinh nhưng lại chỉ có một lớp chuyên ngữ, một lớp chuyên Lý,…như vậy là chưa đáp ứng hết nhu cầu của xã hội, không ai mất gì mà ngược lại chỉ có lợi cho xã hội, cho đất nước vì đào tạo được càng nhiều nhân tài càng tốt. Theo tôi việc này nên khuyến khích khối tư thục tham gia.

Ngay như Thành phố Hải Phòng có rất nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư vào từ châu Âu, Châu Á,.. nên cần nhiều thứ tiếng khác nữa đâu phải chỉ có dùng tiếng Anh, nhưng không có nhiều trường dạy các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Trong khi ở trường chúng tôi tổ chức dạy tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn.

Quan điểm của tôi về trường chuyên, trường nào có thế mạnh môn nào thì cứ phát huy môn đó chứ không nhất thiết phải chuyên hết các môn, giỏi đều các môn thì đâu còn gọi là chuyên. Nhà nước cũng không nên hạn chế việc này.

Ví dụ trường chúng tôi có thế mạnh về ngoại ngữ thì cứ phát huy thế mạnh này, và những học sinh nào có nhu cầu về ngoại ngữ thì vào học. Ngay như trường nghề cũng vậy, trường này mạnh về Tin học thì nên dạy Tin học thôi, trường về cơ điện thì cứ cơ điện mà dạy, giờ lại thêm nhạc, nấu ăn,…vào dạy nữa để giải quyết vấn đề gì?.

Thứ nhất: Trường công lập không nên độc quyền mở trường chuyên, chuyên là dạy trình độ cao trong một phạm vị hẹp, sau này học sinh ra trường có kiến thức tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, vậy nên để xã hội cùng làm.

Thứ hai: Không việc gì phải dạy chuyên đủ 13 môn của bậc Trung học phổ thông, địa phương, hay trường nào đó có khả năng về môn học thì cho họ dạy chuyên môn đó. Tôi thấy Trường chuyên Ngữ cũng như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng dạy chuyên một môn có nghĩa là các môn còn lại bị coi nhẹ, theo tôi nếu không dạy chuyên mà vẫn coi nhẹ tất cả các môn học liệu có được không? Bây giờ cách quản lý, giám sát hoàn toàn kiểm soát được, việc chuyên hay không, xem nhẹ hay không là do cách quản lý chứ không phải do dạy môn chuyên gây ra. Học sinh vẫn học theo chương trình, thi đầy đủ các môn theo quy định của Bộ, đến ngày đó là phải hoàn thành và thi kiểm tra từng phần kiến thức, hoàn toàn giống các trường khác nên không thể nói là coi nhẹ”.

Về vấn đề học phí khi học trường chuyên tư thục, thầy Khóa nói: “Học sinh chuyên hay không chuyên nếu học công lập đều không phải đóng học phí. Còn tư thục chuyên hay không đều phải đóng học phí, vì vậy theo tôi cũng không có sự khác nhau nhiều ở đây, khi phụ huynh đã chọn trường cho con theo học thì học cũng đã cân nhắc cả rồi, nếu trường tư thục uy tín, có chất lượng đào tạo tốt, theo tôi họ vẫn chọn theo học. Còn có thể không mất học phí nhưng chưa chắc họ đã chọn.

Giáo dục của chúng ta hiện nay, tôi thấy việc thi vào lớp 10 còn khó hơn thi đại học, những học sinh chưa có điều kiện về kinh tế, gia đình khó khăn và phải phụ giúp bố mẹ làm việc, không có điều kiện học thêm, ôn luyện nâng cao kiến thức để thi vào lớp 10 công lập nhưng lại trượt, phải ra học tư thục. Như vậy kinh tế đã khó khăn lại thêm gánh nặng học phí.

Trong khi những học sinh gia đình có điều kiện về kinh tế, các em được tham dự các lớp ôn tập nâng cao kiến thức, luyện thi thì có cơ hội đỗ vào trường công rất cao, khi đó gia đình không phải đóng học phí.

Những bất cập đó cho thấy, nhà nước cần tập trung ngân sách cho các trường đại trà để các em học sinh đều được học như nhau ở cấp phổ thông, còn những em có điều kiện kinh tế, muốn điều kiện học tốt hơn sẽ vào trường tư thục.

Trường chuyên là nơi đào tạo những học sinh có năng khiếu, nơi ươm mầm nhân tài cho đất nước. Những khu vực như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hải Phòng,…những trung tâm kinh tế lớn, dân cư rất đông thì mỗi địa phương này nên có một trường chuyên bởi tỉ lệ cũng chỉ chiếm khoảng 10% học sinh. Còn mở trường chuyên đều nhau ở các tỉnh là không cần thiết, có thể 2 đến 3 tỉnh vùng cao, miền núi có 1 trường chuyên, không phải cứ “đua” nhau mở tất cả mọi thứ cho đều trong khi ngân sách có hạn, trong tỉnh còn bao nhiêu trường học khác cần đầu tư mà đó mới là số đông đại trà. Và đặc biệt là học sinh vào trường chuyên phải giỏi thật sự, phải được lựa chọn thật kĩ”.

Việc nhà nước có hỗ trợ gì cho trường chuyên khối tư thục, thầy Khóa cho biết: “Nếu nhà nước có hỗ trợ thì càng tốt, còn nếu không thì nhà nước cần có chủ trương, có quy định cụ thể để khuyến khích khối tư thục tham gia mở trường chuyên. Theo tôi nhà nước không nên thu thuế, mở trường đào tạo nhân tài cho đất nước mà phải nộp thuế, mà như vậy thực chất là thu thuế bao nhiêu thì tôi lại lấy từ học phí của học sinh mà ra, chứ lấy ở đâu”.

Tùng Dương