Bộ Giáo dục nên kiến nghị Chính phủ lùi lộ trình áp dụng học phí mới

21/03/2022 06:40
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do đại dịch, kinh tế khó khăn nên thiết nghĩ Bộ Giáo dục cần kiến nghị Chính phủ xem xét lùi thời điểm tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định Số: 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Theo Nghị định trên sẽ có những điều chỉnh về việc thu, miễn giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Mức học phí từ năm 2022-2023 dự kiến tăng

Tại Điều 9 của Nghị định 81 quy định học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông như sau:

“1. Khung học phí năm học 2021 - 2022

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành năm học 2020 - 2021 đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

2. Khung học phí năm học 2022 - 2023

a) Khung học phí (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:

Đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng

Vùng

Năm học 2022 - 2023

Mầm non

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Thành thị

Từ 300 đến 540

Từ 300 đến 540

Từ 300 đến 650

Từ 300 đến 650

Nông thôn

Từ 100 đến 220

Từ 100 đến 220

Từ 100 đến 270

Từ 200 đến 330

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Từ 50 đến 110

Từ 50 đến 110

Từ 50 đến 170

Từ 100 đến 220

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định trên để quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc thẩm quyền và quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí.[…]

3. Khung học phí từ năm học 2023 - 2024 trở đi

a) Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm;

b) Căn cứ khung học phí quy định tại điểm a khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần quy định.[…]”

Như vậy với việc quy định như trên thì từ năm 2022 – 2023 học phí ở các bậc học sẽ tăng đáng kể so với quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định Số: 86/2015/NĐ-CP về khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông:

“1. Khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015-2016 được quy định như sau:

Đơn vị: 1.000 đồng/tháng/học sinh

Vùng

Năm học 2015 – 2016

1. Thành thị

Từ 60 đến 300

2. Nông thôn

Từ 30 đến 120

3. Miền núi

Từ 8 đến 60

2. Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo […]”

Bộ Giáo dục nên kiến nghị Chính phủ xem xét lại lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81

Hiện nay, nhiều địa phương căn cứ Nghị định 81 này đã ban hành dự thảo về mức thu học phí từ năm 2022-2023 để lấy ý kiến phụ huynh học sinh và trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua [1].

Nghị định 81 quy định học phí tăng khá cao từ năm 2022-2023 như ở thành thị từ 60.000 đến 300.000 đồng mỗi tháng thì nay tăng từ 300.000 đến 650.000 ngàn đồng mỗi tháng; ở nông thôn tăng từ 30.000 đến 120.000 đồng mỗi tháng lên 100.000 đến 330.000 ngàn đồng mỗi tháng; ở vùng miền núi tăng từ 8.000 - 60.000 đồng mỗi tháng lên từ 50.000 đến 220.000 đồng mỗi tháng.

Năm qua dịch bệnh hoành hành đã làm nhiều gia đình rơi vào khó khăn, mất việc, kinh tế điêu đứng, cộng với việc xuất khẩu hàng hóa khó khăn, vật giá leo thang nên cuộc sống càng khó khăn hơn, nhiều gia đình đang thắt chặt chi tiêu, cầm cự qua ngày.

Nên năm 2022-2023 nếu thực hiện theo đúng lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 sẽ có rất nhiều gia đình gặp khó khăn, có khả năng phải bỏ học.

Do tình hình đại dịch kéo dài, kinh tế năm qua hết sức khó khăn, để tạo mọi điều kiện cho các em được đến trường người viết cho rằng Bộ Giáo dục nên kiến nghị Chính phủ xem xét cho lùi thời điểm tăng học phí theo Nghị định 81/2021 từ năm 2022-2023 nhằm chia sẻ gánh nặng với nhiều gia đình đang gặp khó khăn.

Khi tình hình kinh tế ổn định thì có thể thực hiện lộ trình tăng học phí theo kế hoạch.

Tài iệu tham khảo:

[1] https://chauduc-brvt.edu.vn/quan-ly-van-ban/ke-toan-tai-chinh/cong-van-84-pgddt-kt-lay-y-kien-gop-y-du-thao-to-trinh-du-th.html

[2] Nghị định 81/2021/NĐ-CP

[3] Nghị định 86/2015/NĐ-CP

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam