Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Công bố quốc tế không phải chỉ để đếm bài…”

19/03/2022 06:35
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng cho rằng, việc công bố bài báo quốc tế không phải chỉ để đếm bài mà phải đếm xem chúng ta có những đóng góp gì cho sự phát triển của xã hội, giáo dục.

Trong chuyến kiểm tra tại dự án Làng Đại học Đà Nẵng, ngày 18/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Ảnh: AN

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Ảnh: AN

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi nhanh với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, theo đó bày tỏ tin tưởng, mong muốn nhà trường tiếp tục định hướng phát triển toàn diện.

Trong đó tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển Tạp chí khoa học công nghệ, đẩy mạnh công bố khoa học trong nước, quốc tế để đóng góp hiệu quả cho khoa học giáo dục và ngành sư phạm.

Theo Bộ trưởng thì trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, việc chúng ta công bố quốc tế, công bố trong nước mang nhiều ý nghĩa.

Nhưng công bố không phải chỉ đếm bài quốc tế mà đếm xem chúng ta có những đóng góp gì cho sự phát triển chính cho xã hội, cho nền giáo dục, sư phạm, đội ngũ giáo viên…

“Quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông, những cái ban hành mới thì chúng ta phải theo sát, đi trước, dự báo vấn đề để có những tư vấn chính sách cho công tác giảng dạy.

Chúng ta phải đóng góp vào việc chuẩn bị giáo viên, theo sát những khó khăn vướng mắc của đội ngũ giáo viên phổ thông ở các trường.

Trong thực hành chương trình mới, chúng ta phải chủ động trong đào tạo giáo viên thật tốt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đề ra”.

Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã tham gia tích cực các nhiệm vụ chung, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới, thể hiện uy tín, năng lực của nhà trường.

Trong đó, cần thay đổi linh hoạt cách dạy, cách học để đảm bảo tốt nhất đội ngũ giáo viên nhất là đối với các môn học mới, các phương pháp dạy học tích hợp…

Đối với chuyển đổi số, Bộ trưởng đề nghị nhà trường tiếp tục chú trọng, không chỉ ứng phó với dịch bệnh mà còn để đổi mới cách dạy, cách học, khắc phục khó khăn chung của các trường để thu hút thêm nguồn lực xã hội, thực hiện mục tiêu chất lượng, thực hiện đổi mới quản trị Đại học.

Đồng thời, chỉ đạo Đại học Đà Nẵng và nhà trường cần tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, thực hành; thư viện, học liệu, cơ sở dữ liệu…

Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó đào tạo giáo viên là nòng cốt. Tầm nhìn đến năm 2030, Trường trở thành trường sư phạm trọng điểm quốc gia.

Năm 2022, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tuyển sinh 2.600 chỉ tiêu trong đó có 8 ngành Sư phạm, 16 ngành/chuyên ngành cử nhân khoa học.

Nhà trường thực hiện 5 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển theo điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2022; Xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông (Học bạ); Xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng;

Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh); Xét tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

AN NGUYÊN