Để là nước công nghiệp phát triển, Việt Nam phải nâng tỷ lệ lao động trình độ ĐH

27/03/2022 07:21
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” từ 30 năm trước là rất đúng, thể hiện tầm nhìn chiến lược tốt.

LTS: Xuyên suốt nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu đã được khẳng định một cách nhất quán.

Chẳng hạn, Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VII) năm 1993 khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đặc biệt, từ thực tiễn đổi mới và những nút thắt phát triển nảy sinh, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về nguồn nhân lực.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) (Nghị quyết số 29-NQ/TW) một lần nữa khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân ta.

Tiếp nối tinh thần trên, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đặt yêu cầu xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt phát triển đất nước.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã cụ thể hóa quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và từng bước đạt được kết quả nhất định tuy nhiên đâu đó vẫn còn một số chiến lược, kế hoạch và chính sách chưa thể hiện được đúng tinh thần này.

Bao trùm chủ đề này có rất nhiều nội dung,Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về từng khía cạnh thông qua loạt bài viết.

Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì một số chiến lược, kế hoạch và chính sách của nước ta chưa thể hiện đúng tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” từ 30 năm trước là rất đúng, thể hiện tầm nhìn chiến lược tốt.

Thực tế lịch sử của rất nhiều quốc gia, những giai đoạn họ phát triển vượt lên hầu hết đều bắt nguồn từ sự thay đổi tư duy. Ban đầu là của các nhà lãnh đạo xuất sắc hoặc của một nhóm trí thức tiên phong nào đó, sau đó lan rộng ra thành tư duy chung của cả cộng đồng tạo nên sức mạnh vật chất lớn lao để phát triển đất nước. Sự thay đổi ấy thường bắt đầu và gắn liền với các chủ trương lớn về phát triển và cải cách giáo dục.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: T.L)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: T.L)

Chính các cuộc cải cách giáo dục đúng hướng và thành công mới đúng là một cuộc “cách mạng” sâu sắc và lớn lao. Chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu của Việt Nam đã được nêu ra rất sớm, nhưng rất tiếc là trên thực tế lâu nay nhiều chiến lược, kế hoạch và chính sách chưa thể hiện được tinh thần đó.

Hiện tại, nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục nước ta tuy không ít đối với ngân sách chung của nhà nước nhưng vẫn còn rất nhỏ bé, chiếm tỷ lệ trong GDP rất thấp so với các nước.

Việt Nam đầu tư cho giáo dục đại học mới bằng 0,33% GDP (có tính toán khác chỉ mới 0,25% GDP). Ở nhiều nước tỉ lệ đầu tư cho giáo dục đại học hơn gấp 2 đến 6 lần so với Việt Nam (Thái Lan 0,64; Trung Quốc 0,87; Hàn quốc 1,0; Singapore 1,0; Malaysia 1,13; Poland 1,22; Pháp 1,25; Anh 1,29; Australia 1,54; Newzealand 1,63; Finland 1,89).

Việt Nam bình quân đầu tư cho 1 sinh viên là 316 USD; trong khi các nước đầu tư cao hơn Việt Nam từ 2 đến 5 lần (như Indonesia là 682 USD; Thái Lan là 1121 USD; Malaysia là 2505 USD; Singapore là 11639 USD; Australia là 12182 USD; Anh là 16603 USD). Mức độ tiếp cận đại học (tỉ lệ nhập học) của số học sinh đã qua phổ thông trung học mới 28%, thấp nhất Đông Nam Á.

Để có thể thật sự là quốc sách hàng đầu- có nghĩa là hàng thứ nhất và còn có nghĩa là đi trước một bước như ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì trước tiên cần có sự quan tâm hàng đầu của các lãnh đạo cấp cao.

Tôi nhận thấy lâu nay sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao đối với giáo dục chưa bằng một số lĩnh vực khác, trừ Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng còn non trẻ vô vàn khó khăn, nhưng đồng thời với chống đói để sống thì phải chăm lo giáo dục đầu tiên. Người gọi dốt là “giặc”, chống giặc dốt còn xếp trước giặc ngoại xâm. Không chỉ nói mà tổ chức toàn dân làm thật sự một cuộc cách mạng khổng lồ để đưa Việt Nam từ chỗ có 90% số người mù chữ thành một nước gần 100% người biết chữ.

Tất nhiên các lĩnh vực (kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị…) đều rất quan trọng, nhưng mặt khác, chúng đều được làm nên bằng con người – sản phẩm của giáo dục. Rất cần thiết có những “giải pháp và chính sách” để thực thi quốc sách này, đồng thời trong các chiến lược phát triển của quốc gia cần xác định giáo dục ở vị trí hàng đầu và có giải pháp tương thích.

Theo ông, cần có giải pháp như thế nào để thực thi quốc sách này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Trước mắt cần có một chiến lược phát triển giáo dục đại học đủ tầm và khả thi để 20 - 25 năm tới bảo đảm được nguồn nhân lực chất lượng cao đủ cho yêu cầu tối thiểu của một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao.

Riêng nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục nên phân biệt rõ để biết chính xác bao nhiêu (không cộng lẫn các khoản chi tiêu cho các lĩnh vực khác vào cho giáo dục), đồng thời phải cải cách phương thức đầu tư cho giáo dục để đạt hiệu quả cao nhất trong tổng số tiền hạn hẹp và mở cơ chế để thu hút nguồn đầu tư từ xã hội và quốc tế vào giáo dục đồng thời cải cách căn bản phương thức đầu tư công để đạt hiệu quả cao nhất.

Việc phát triển giáo dục đại học nhất thiết phải hướng đến chất lượng đào tạo (không hạ chuẩn để có số lượng) để từ đó mà cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đồng thời, cần sớm tăng tỷ lệ lao động đã tốt nghiệp đại học trong cơ cấu lao động xã hội theo độ tuổi. Nước ta tỷ lệ này hiện nay mới khoảng 12%, trong khi nhiều nước phát triển có tỷ lệ này khoảng 32-36%. Đây là tiêu chí đầu tiên quan trọng nhất để có một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao, vì khi ấy đại bộ phận lao động phải có trình độ kỹ thuật tốt, đủ điều kiện để có thể chuyển hóa chất xám vào trong giá trị hàng hóa.

Để thực hiện mục tiêu một nước công nghiệp phát triển như Đại hội XIII thì trong vòng 20-25 năm đến phải nâng tỷ lệ có trình độ đại học lên gấp đôi hiện nay (khoảng 25%) để sau đó tiếp tục tăng hơn. Đây sẽ là tiêu chí mà nếu không có nó thì không thể thành một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. Như vậy, quy mô của giáo dục đại học sẽ phải tăng nhiều và cấp bách.

Đừng lấy cớ “thừa thầy thiếu thợ” để hạn chế giáo dục đại học. Nói cụm từ ấy trong tình hình cụ thể của nước ta hiện nay không nên hiểu là phải hạn chế đại học và tăng trung cấp, mà cần hiểu là gắn học với hành, gắn lý thuyết với thực tế công việc và cuộc sống.

Tất nhiên là cần tính toán cơ cấu ngành và trình độ trong đào tạo để không bị vừa thừa vừa thiếu. Đừng nghĩ đây chỉ là nói về số lượng.

Không phải thế đâu, vì tỷ lệ đại học trong cơ cấu lao động xã hội còn thể hiện chất lượng quan trọng của nguồn nhân lực đấy. Như thế là vừa phải mở rộng hơn quy mô đào tạo của các trường, vừa phải có thêm không ít các trường đại học nữa. Vấn đề đáng lưu ý là kiểm soát chất lượng đầu ra, chứ đừng nghĩ nhiều trường thì đồng nghĩa với chất lượng kém.

Nghị quyết số 29-NQ/TW là Nghị quyết mang tính chiến lược, trong đó có những mục tiêu trung hạn, dài hạn. Sau gần 9 năm chưa phải dài, trong khi những thay đổi ở giáo dục luôn có độ trễ lớn nhưng chưa thấy công bố một đánh giá tổng thể nào về việc thực hiện Nghị quyết 29, theo ông, việc này đã và đang tạo ra những bất cập nào?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo là một Nghị quyết tốt, đúng hướng, ra đời gần 10 năm rồi, chính vị giáo sư đáng kính Hoàng Tụy cũng khen đây là một nghị quyết tốt mặc dù ông ít khi khen như thế, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một đề án tổng thể về mặt chuyên môn để thực hiện, cũng chưa có một ủy ban quốc gia đủ mạnh để quyết định kịp thời các việc lớn liên quan (như Nghị quyết 29 đã nêu) mà một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo không giải quyết nổi.

Chưa kể, việc đổi mới giáo dục còn chắp vá và thiếu đồng bộ, cá biệt có những việc làm chưa phù hợp tinh thần Nghị quyết, kết quả đổi mới đạt được không đáng kể, nền giáo dục cơ bản vẫn như cũ (như trước khi có Nghị quyết Trung ương), thậm chí có những biểu hiện báo hiệu sự bất cập và xuống cấp chưa dừng lại.

Đánh giá chính thức kết quả thực hiện nghị quyết phải do tập thể các cấp có thẩm quyền. Tôi chỉ là một ý kiến cá nhân, thấy rằng cho đến nay chưa thể nói là thành công hoặc có nhiều thành tích trong đổi mới. Vì sao việc thực hiện cuộc đổi mới giáo dục chưa thành công và cần làm như thế nào để có thể thành công? Đó là câu hỏi lớn cần được nêu ra để thảo luận kỹ, chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương một cách nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, thực chất và hữu ích, chứ không phải báo cáo thành tích.

Qua 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, tôi thấy:

Nâng cao chất lượng giáo dục là yêu cầu lớn nhất và xuyên suốt nằm trong tinh thần Nghị quyết 29, nhưng đến nay nhìn lại thì vẫn chưa thấy rõ ta đã nâng lên như thế nào? Thậm chí còn rất nhiều việc, nhiều vấn đề trái với tinh thần ấy (như hạ chuẩn để tăng số lượng nhằm tăng nguồn thu, mua bán điểm, bệnh hình thức, bệnh thành tích, gian lận tiêu cực trong quản lý, đạo đức học đường và của một số thầy cô giáo xuống cấp …)

Chất lượng là một trong các đặc tính đầu tiên của giáo dục. Giáo dục là nhằm nâng chất lượng người. Giáo dục là vì chất lượng của một cộng đồng, của dân tộc. Ngay cả giáo dục đại trà cũng là vì muốn nâng chất lượng của cộng đồng.

Vấn đề số lượng trong giáo dục cũng là vì chất lượng, phải gắn với chất lượng. Không có chất lượng thì giáo dục không còn là giáo dục và thậm chí không còn có ích. Đổi mới giáo dục có mục đích trước tiên và xuyên suốt là nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục. Từ khi có Nghị quyết ta đã làm những gì để bảo đảm và nâng cao chất lượng? Cần nhìn lại cho rõ và tìm giải pháp cụ thể để thực hiện yêu cầu nâng chất lượng của cả nền giáo dục nước nhà.

Có hai việc làm đáng kể nhất là đổi mới chương trình giáo dục ở phổ thông và thực hiện tự chủ ở các trường đại học nhưng xem ra cả hai việc ấy cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn chờ đợi. Chương trình tuy có một tiến bộ so với trước đó nhưng về cơ bản vẫn chủ yếu là truyền thụ kiến thức như cũ, chứ chưa rõ việc giúp cho phát triển năng lực người học…Thực hiện chủ trương tự chủ thì ngập ngừng, cùng lúc có cả hai cơ chế song song tồn tại ngay trong các trường được cho tự chủ là cơ chế chủ quản và cơ chế tự chủ mà chủ quản thì có quyền lực mạnh hơn. Còn cơ chế chủ quản thì có nghĩa là vẫn chưa có tự chủ.

Hệ thống giáo dục theo yêu cầu của nghị quyết là một hệ thống mở, liên thông và thực học thì 9 năm qua ta đã làm gì cho nó? Yêu cầu thống nhất đầu mối quản lý nhưng hệ thống quản lý hiện nay thì cắt khúc nhiều hơn trước đây, làm mất tính hệ thống, khó khăn cho việc thực hiện liên thông và phân luồng. Ngay cả cao đẳng chuyên nghiệp cũng thuộc giáo dục đại học nhưng lại bị cắt rời ra khỏi khối đại học…

Còn nhiều việc nữa, khi kiểm điểm thực hiện nghị quyết cần thảo luận kỹ để thấy cho rõ vấn đề và sau đó phải chỉnh sửa để thực hiện tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh (thực hiện)