Việt Nam nên ưu tiên khuyến khích phát triển đại học NCL không vì lợi nhuận

31/03/2022 06:57
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Tôi đồng ý với một số nhà nghiên cứu rằng, cần đề xuất chọn loại hình trường không vì lợi nhuận làm cơ cấu chủ yếu trong giáo dục đại học ở Việt Nam tương lai".

(Phần 1)

(Phần 2)

LTS: Trên thế giới, loại hình trường đại học không vì lợi nhuận đã phát triển từ lâu. Ở Việt Nam, khái niệm này mới xuất hiện những năm gần đây tuy nhiên còn có nhiều ý kiến bàn luận. Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để hiểu rõ hơn về loại hình trường này.

Phóng viên: Ông nêu quan điểm là trong vòng 20-25 năm đến phải nâng tỷ lệ có trình độ đại học lên gấp đôi hiện nay, vậy thưa ông, khi tăng quy mô đào tạo đại học thì ngân sách nhà nước làm sao đủ sức?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Hoàn toàn đúng như thế. Chưa tăng quy mô, mới chỉ như hiện nay, mà đã rất khó khăn rồi. Tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đại học so với GDP ở Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/2 đến 1/7 so với các nước, đầu tư cho một sinh viên chỉ bằng 1/2 đến 1/5 các nước. Rất khó có chất lượng cao với giá rẻ. Vậy mà tăng gấp bội số lượng sinh viên thì ngân sách nhà nước làm sao chịu nổi?

Cho nên tất yếu phải đẩy mạnh tiếp tục xã hội hóa để cho nhân dân đầu tư là chính và thu hút các nguồn đầu tư quốc tế nữa. Và đó cũng là xu hướng phù hợp, còn ngân sách nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định theo khả năng tối đa có thể. Tiềm lực chung của cả xã hội sẽ lớn hơn nhiều so với tiềm lực của nhà nước. Cơ cấu các loại trường nên điều chỉnh phù hợp với tình hình đó. Số trường công lập do nhà nước trực tiếp đầu tư chỉ có thể (và nên như vậy) chiếm một tỷ lệ ít, còn các loại trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ nhiều hơn.

Hiện nay khu vực này còn rất ít, mới chiếm tỷ lệ khoảng 18% số sinh viên, trong khi ở nhiều nước phát triển, tỷ lệ ngoài công lập đến trên 70%, gần đây đã có một số bình luận về sự thành công bước đầu đáng nói của giáo dục Campuchia, trong đó số học sinh ngoài công lập đã xấp xỉ 60%.

Việt Nam ta trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nếu mở rộng phạm vi bao cấp sẽ dàn mỏng nguồn lực, mà sắp tới đây còn tăng quy mô giáo dục đại học lên gấp bội nên ngân sách nhà nước sẽ không đủ sức. Không thể muốn đạt chất lượng cao với điều kiện giá đầu tư thấp. Nhất định phải đi tiếp theo hướng xã hội hóa, mở rộng khu vực ngoài công lập.

Nên thoáng mở về thủ tục lập trường gắn với việc kiểm soát chặt chẽ về điều kiện hoạt động và chất lượng đào tạo, công tác kiểm định và xếp hạng cũng như các giải pháp khác về bảo đảm chất lượng.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Đồng thời có các chính sách về mặt bằng và thuế đối với khu vực ngoài công lập. Thực hiện sự công bằng về cơ chế giữa công lập và ngoài công lập, tạo ra sân chơi chung của công lập và ngoài công lập, không phân biệt về cơ hội tiếp cận các nguồn lực cũng như phạm vi tự chủ.

Đặc biệt, trong loại trường ngoài công lập nên ưu tiên khuyến khích nhất đối với loại trường không vì lợi nhuận.

Một số chuyên gia cho rằng, cần đề xuất nên chọn loại hình trường không vì lợi nhuận làm cơ cấu chủ yếu trong giáo dục đại học ở Việt Nam, ông có đồng ý với quan điểm này không?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Loại hình trường đại học không vì mục đích lợi nhuận (nói gọn là trường không vì lợi nhuận) đã có từ khá lâu ở các nước phát triển, nhất là ở Mỹ.

Riêng ở nước ta thì Luật Giáo dục đại học đã mở khung pháp lý cho loại hình này được phát triển, nhưng đến nay về cơ bản nói chung là chưa có loại hình trường đại học không vì lợi nhuận, chỉ trừ trường Fulbright mới thành lập cách nay không lâu theo sự thỏa thuận hợp tác giữa nguyên thủ hai nước Việt Nam và Mỹ và một vài trường nữa mới nói định hướng.

Do đó, tôi đồng ý với một số nhà nghiên cứu rằng, cần đề xuất nên chọn loại hình trường không vì lợi nhuận làm cơ cấu chủ yếu trong giáo dục đại học ở Việt Nam tương lai và tích cực thúc đẩy để mong muốn đó sớm trở thành hiện thực. Đó cũng là xu hướng khách quan xuất phát từ yêu cầu của giáo dục đại học.

Xin ông chia sẻ rõ hơn về xu hướng khách quan xuất phát từ yêu cầu của giáo dục đại học để phát triển giáo dục không vì lợi nhuận?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Trường không vì lợi nhuận là loại hình trường có một số đặc điểm sau đây (từ kinh nghiệm của các nước và có bổ sung, vận dụng cụ thể vào điều kiện của Việt Nam):

Do các cá nhân và/hoặc tổ chức xã hội lập ra theo quy định của pháp luật để hoạt động giáo dục đại học và có đăng ký với nhà nước về loại hình phi lợi nhuận.

Mục đích duy nhất của loại hình này là chất lượng đào tạo và sự phát triển lâu dài của trường để phục vụ xã hội.

Trong quá trình hoạt động nếu có phát sinh lợi nhuận thì không phân chia cho cá nhân mà để 100% tăng vốn đầu tư cho trường, tức là tái đầu tư cho giáo dục.

Số vốn tích lũy của trường và vốn hiến tặng từ các cá nhân và tổ chức thuộc sở hữu chung của cộng đồng trường, được sử dụng cho việc duy trì và phát triển nhà trường.

Vốn góp của cổ đông nhà đầu tư được giữ quyền sở hữu khi họ không hoặc chưa tuyên bố hiến tặng và bảo đảm quyền giám sát trực tiếp của nhà đầu tư đối với việc sử dụng vốn. Số vốn đó không tăng lên vì không được chia lãi cộng gộp vào (trừ phần vốn do nhà trường đứng vay), nhưng lại có thể bị giảm xuống nếu hoạt động bị lỗ vốn, vì thế nhà đầu tư được quyền tham gia quản lý trường (nếu muốn) theo điều lệ.

Cũng có ý kiến cho rằng nên tính lãi cho số vốn góp bằng lãi suất ngân hàng để tạo điều kiện cho huy động vốn? Điều này cũng phải nghiên cứu thêm các thông lệ quốc tế vì loại hình cũng cần được các trường không vì lợi nhuận của quốc tế công nhận để có thể chia sẻ thông tin và hợp tác đào tạo (với trường cùng loại).

Xin nói lại thêm một lần nữa rằng, không chia lãi theo vốn góp cho các cá nhân thì mới đúng bản chất không vì lợi nhuận, và như vậy mới huy động được vốn từ những quỹ tài chính trong ngoài nước và mạnh thường quân cùng chung mục đích đầu tư không vì lợi nhuận cho giáo dục, còn biệp pháp bảo tồn giá trị vốn góp vì bị trượt giá thì do hội đồng trường và điều lệ của nhà trường quy định.

So với các trường công lập, ngoài công lập thì trường không vì lợi nhuận có những lợi thế gì, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Một là, trường không vì lợi nhuận có lợi thế về mục đích hoạt động so với trường tư thục. Một bên lấy sự phát triển và chất lượng đào tạo làm mục đích, không bị áp lực ràng buộc về mục tiêu lợi nhuận từ các cổ đông, còn một bên thì lấy lợi nhuận (để phân chia cho cá nhân cổ đông) làm mục đích hoạt động (tất nhiên còn có mục đích làm giáo dục nữa).

Tạo thuận lợi cho việc đóng góp tài chính để phát triển trường từ nhiều nguồn vốn khác nhau (của tư nhân, công ty, tổ chức quỹ, gia đình sinh viên, cựu sinh viên…) vì cho rằng trường không vì lợi nhuận sẽ tạo giá trị lâu dài cho xã hội, trong đó có vinh dự của người đóng góp.

Một số năm trước ta thường suy nghĩ là có phân chia thu nhập theo vốn góp thì mới huy động được vốn, vì chẳng ai chịu bỏ vốn vào nơi không có lãi nhưng lại phải chịu rũi ro. Suy nghĩ ban đầu ấy cũng đúng với thực tế của Việt Nam, nhưng đó là đúng với các loại vốn đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Còn cách tư duy đó không đúng đối với các loại quỹ và nguồn tài chính đầu tư cho mục đích xã hội. Các loại vốn này người ta không đầu tư cho trường công, vì ở đó đã có nhà nước, không ai nộp thuế thêm lần nữa; cũng không đầu tư vào trường tư thục có lợi nhuận vì như vậy là giúp tăng vốn cho tư nhân, trái với mục đích của quỹ đầu tư.

Các trường danh tiếng nước ngoài phần nhiều là không vì lợi nhuận, họ muốn chọn đối tác đồng loại không vì lợi nhuận để hợp tác, vì cùng mục đích phát triển giáo dục và uy tín lâu dài.

Hai là, trường không vì lợi nhuận có lợi thế về sự chủ động và linh hoạt hơn trong cơ chế tự chủ đại học so với các trường công lập vì công lập phải chịu ràng buộc bởi các quy định về quản lý tài chính, tài sản và đầu tư công, cũng như công tác quản trị chương trình và nhân sự theo kiểu của bộ máy nhà nước cồng kềnh và rắc rối về các thủ tục. Dù sẽ có đổi mới theo hướng tăng tự chủ nhưng dù sao thì các trường công vẫn không thể tự chủ và năng động bằng trường ngoài công lập.

Vì các lẽ trên, trường không vì lợi nhuận có lợi thế vượt trội về điều kiện để phát triển và đạt được chất lượng đào tạo tốt. Mặt khác, loại hình này thúc đẩy hình thành sở hữu xã hội phù hợp với mục tiêu và mục đích xã hội chủ nghĩa, thể hiện sinh động quan điểm đúng về mối quan hệ giữa giáo dục và thị trường, mục tiêu xã hội trong cơ chế thị trường.

Qua thực tế của thế giới và Việt Nam cho thấy: Trong số 20 trường, 40 trường và 100 trường tốp đứng đầu thế giới thì trường phi lợi nhuận chiếm hầu hết. Trong 20 trường đại học nghiên cứu thuộc tốp đứng đầu nước Mỹ thì 19 trường là không vì lợi nhuận, chỉ có một trường xếp hạng thứ 20 là công lập, không có trường tư thục nào.

Trong 20 trường nhóm khác (nhóm 4 năm) đứng đầu của Mỹ thì 18 trường là không vì lợi nhuận, còn lại là 2 trường công lập và cũng không có trường tư thục nào. Từ các trường danh tiếng này đã kích thích hỗ trợ và thúc đẩy các khu công nghệ cao ra đời, trong đó xuất hiện các đại bàng siêu công nghiệp như Google, Apple, Cisco, Facebook, Ebay, Netflix, Yahoo.

Ở Việt Nam ta nói chung chưa có loại trường không vì lợi nhuận và tới nay cũng chưa có trường công lập hay tư thục nào được tham gia vào tốp cao của thế giới, chỉ một vài trường vào tốp 500, một số trường lớn cũng chỉ ở tốp trên dưới 1000. Trường Fulbright là trường không vì lợi nhuận, tuy mới được thành lập nhưng xét thấy có triển vọng phát triển về chất lượng đào tạo. Qua thực tế đó cho thấy hiệu quả rất đáng lưu ý của loại hình không vì lợi nhuận.

Tôi cho rằng, loại trường không vì lợi nhuận sẽ là loại hình phát triển tương lai của giáo dục đại học Việt Nam nhằm trực tiếp tham gia nâng tầm lên nhóm 200-300 và cao hơn nữa của thế giới. Đây là loại hình tốt mà Việt Nam chỉ cần bổ sung cơ chế chính sách phù hợp là có thể thực hiện một cách khả thi.

Ông có đề cập đến “cơ chế chính sách phù hợp”, vậy chính sách mà ông muốn nhắc tới ở đây là gì?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Trước tiên cần phải thực hiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT đối với các trường không vì lợi nhuận. Vì sao? Tại các trường không vì lợi nhuận tất cả các khoản thu nhập mới đều tái đầu tư vào giáo dục đại học để thực hiện nhiệm vụ xã hội của đất nước, như các trường công lập, nên nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ.

Nếu vẫn thu thuế ở đây thì giống như cắt một khoản tài chính của giáo dục (quốc sách hàng đầu) để chi dùng cho việc hành chánh khác. Luật thuế đã có quy định không thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu nhập không chia cho cá nhân trong hoạt động giáo dục. Còn thuế VAT thì cuối cùng người sử dụng phải chịu, nhưng trong giáo dục thì người sử dụng là sinh viên – đối tượng được miễn thuế.

Ngoài ra, cần đề xuất nhà nước miễn thuế thu nhập cá nhân 20 năm đầu đối với cán bộ, giảng viên của các trường không vì lợi nhuận để khuyến khích họ chuyển đến đây công tác nhằm tạo điều kiện cho các trường hoạt động ổn định.

Điều kiện để được miễn giảm thuế đối với loại hình trường này là công tác kiểm toán của nhà nước về việc phân chia thu nhập đúng như đăng ký về loại hình không vì lợi nhuận.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh (thực hiện)