Chỉ nên mời giáo sư về trường chuyên thỉnh giảng

31/03/2022 06:38
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những tiết học thỉnh giảng của các Giáo sư, Phó Giáo sư sẽ truyền thêm cảm hứng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh trường chuyên.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình quy định một số chính sách đặc thù đối với trường trung học phổ thông chuyên. Trong đó, giáo viên có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư về công tác tại trường chuyên, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ mức 1 tỷ đồng/người.

Giáo viên có trình độ Tiến sĩ về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ tiền 300 triệu đồng/người.

Vấn đề này đã gây nhiều ý kiến tranh cãi về việc có nên mời Phó Giáo sư, Giáo sư về giảng dạy tại trường trung học phổ thông chuyên hay không?

Dưới đây là những ý kiến ghi nhận từ các Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên cũng như các nhà quản lý giáo dục (phụ trách mảng trường chuyên) từ các địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có ban hành quy định riêng về việc tuyển chọn giáo viên. Ảnh: An Nguyên
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có ban hành quy định riêng về việc tuyển chọn giáo viên. Ảnh: An Nguyên

“Giáo viên trường chuyên chỉ cần Thạc sĩ là đủ”

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Phú Thọ - Hiệu Trưởng trường trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, tùy theo chính sách phát triển trường chuyên của mỗi tỉnh mà có sự đầu tư kinh phí cho trường chuyên khác nhau.

Hơn nữa, mỗi một địa phương lại có những điều kiện về kinh tế - xã hội khác nhau nên sự đầu tư này cũng khác nhau.

"Riêng ở trường trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế thì trong những năm qua, địa phương đã tập trung các chế độ, chính sách hỗ trợ để phát triển đội ngũ giáo viên.

Đối với trường mình thì giáo viên chỉ cần bằng Thạc sĩ là được rồi. Còn đối với các Phó Giáo sư, Giáo sư, Tiến sĩ thì mình mời thỉnh giảng để giảng dạy một số chuyên đề nhằm tạo không khí cho học sinh.

Trong năm học thì thỉnh thoảng mới mời để học sinh tiếp cận được các trí thức của các chuyên gia hàng đầu thì tốt hơn. Còn mời hẳn về trường để giảng dạy thì họ sẽ không phát huy được hết những khả năng vốn có của mình".

Cũng theo thầy Thọ thì các Giáo sư, Tiến sĩ thì họ tập trung nghiên cứu khoa học nhiều hơn, phát triển học thuật nhiều hơn. Còn ở môi trường Trung học phổ thông thì không có phòng Lab hay các điều kiện khác để họ nghiên cứu, phát triển.

"Mình chỉ mong muốn mời được họ đến để dạy một số chuyên đề, giúp học trò tiếp cận được các tri thức cao hơn. Bên cạnh đó, thổi bùng cái niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh.

Ngoài ra, nếu đầu tư theo hướng này thì nguồn lực dành cho đội ngũ Giáo sư, Tiến sĩ khá lớn, trong khi các chương trình ở bậc phổ thông thì chỉ cần trình độ Đại học hoặc Thạc sĩ là đảm đương được”, thầy Thọ cho hay.

Chia sẻ thêm về tiêu chuẩn tuyển chọn giáo viên trường trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế, thầy Thọ nói, đối với vấn đề này thì Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có ban hành quy định riêng về việc tuyển chọn giáo viên trường chuyên.

Trong đó có nêu rõ nhưng tiêu chí khá cao so với mặt bằng chung như: phải là sinh viên tốt nghiệp đại học ngành sư phạm loại xuất sắc, đồng thời phải đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia...

Đối với người có trình độ Thạc sĩ thì phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như: Đạt một trong các tiêu chuẩn như quy định đối với đối tượng là sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc;

Tốt nghiệp đại học ngành sư phạm loại giỏi trở lên hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên (có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm); có chuyên ngành đào tạo sau đại học cùng ngành đào tạo ở cấp đại học và phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng...

Chỉ nên mời thỉnh giảng

Đồng quan điểm trên, ông Mai Huy Phương – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc địa phương phải bỏ ra nguồn ngân sách hàng tỷ đồng để mời Giáo sư, Phó Giáo sư về giảng dạy tại các trường chuyên là chưa cần thiết.

“Theo quan điểm của mình thì trong các môn chuyên thì cũng có những vấn đề chuyên sâu. Mà với những hình thức chuyên sâu đó thì cũng chỉ nên dừng lại ở việc mời thỉnh giảng là vừa đủ.

Không nhất thiết trong một trường trung học phổ thông chuyên phải thu hút bằng được một vị Giáo sư về đứng lớp. Bởi Giáo sư thì công việc chính của họ là nghiên cứu khoa học, mà ở bậc phổ thông thì chưa cần đến những hàm lượng kiến thức cao như vậy”, ông Phương nói.

Từng là Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) nhiều năm, bà Vũ Thị Liên Hương – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi chia sẻ, tùy vào điều kiện, khả năng kinh tế - xã hội của mỗi địa phương mà chính sách thu hút, đãi ngộ dành cho giáo viên, học sinh trường chuyên khác nhau.

“Đối với những người có học hàm là Phó Giáo sư, Giáo sư thì chủ yếu gắn liền với công tác nghiên cứu khoa học. Trong khi các trường Đại học thì đang thiếu lực lượng đó. Còn đối với các trường phổ thông thì không phải cần thiết đến mức phải có định biên (biên chế) luôn tại trường.

Mà ở đây, nhà trường có thể mời thỉnh giảng đối với những chuyên đề chuyên sâu. Bởi các Phó Giáo sư, Giáo sư thì nghiên cứu vấn đề rất chuyên sâu. Tạo điều kiện cho nhà trường đào tạo mũi nhọn, thổi niềm đam mê, cảm hứng học tập cho học sinh hiểu rõ về một vấn đề nào đó.

Kiến thức, sự đam mê, kỹ năng… của các Phó Giáo sư, Giáo sư là cần thiết cho học sinh trường chuyên nhưng chỉ mới dừng lại ở mức đó thôi, chứ chưa đến mức phải có định biên”, cô Hương chia sẻ.

AN NGUYÊN