Xóa bỏ cơ chế chủ quản không đồng nghĩa với việc giảm vai trò quản lý nhà nước

04/04/2022 07:02
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trước mắt cần có sớm một nghị định riêng về vấn đề tự chủ đại học, sau đó tiếp tục nghiên cứu để ban hành một luật riêng về tự chủ.

(Phần 1)

(Phần 2)

(Phần 3)

Tự chủ đại học ở nước ta đã được khởi động từ nhiều năm nay nhưng tiến triển còn rất chậm, tồn tại nhiều vướng mắc.

Vậy làm sao để tháo gỡ những bất cập, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để lắng nghe chia sẻ của ông về vấn đề này.

Để phát triển giáo dục đại học chắc hẳn không thể không nhắc tới “tự chủ đại học” bởi đây là chìa khóa để nâng cao chất lượng. Ông đánh giá như thế nào về tự chủ đại học thời gian vừa qua?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Chủ trương về tự chủ đại học là một chủ trương rất đúng, có ý nghĩa đột phá để phát triển giáo dục đại học lên một tầm cao mới, thế giới đã thực hiện từ lâu, Việt Nam ta đã có nghị quyết của Trung ương và đã đưa vào Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi). Học sinh cũng như trường đại học chỉ có thể trưởng thành khi nó được tự chủ. Đại học mà chưa được tự chủ người ta gọi là cấp 4.

Chính phủ đã cho thực hiện thí điểm ở 23 trường đại học từ 7 năm trước (theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 ) – đó là một quyết định rất đúng. Mặc dù còn bị nhiều cản trở, nhưng nhìn chung có tốt hơn so với khi chưa làm thí điểm, trong đó Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã lọt vào tốp 400 của thế giới (thời kỳ 2015-2020).

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng

Tuy nhiên, theo tôi, đến nay nhìn lại tổng thể việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học đang còn rất nhiều lúng túng, hệ thống các văn bản luật pháp không đồng bộ, cản trở lẫn nhau, chỉ đạo và triển khai tiền - hậu không thống nhất, đang có sự lẫn lộn và xung đột giữa cơ chế tự chủ với cơ chế chủ quản (như cũ), mà chủ quản vẫn mạnh hơn, cũng có nghĩa là nói tự chủ nhưng vẫn chưa được tự chủ theo đúng nghĩa.

Nếu kéo dài tình trạng này, thì chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học mặc dù rất đúng đắn nhưng có khả năng phá sản, giáo dục đại học của Việt Nam sẽ không có lối ra để có thể nhanh chóng trưởng thành.

Vậy làm sao để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Giải quyết tình trạng này nằm ngoài khả năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà cần phải có chỉ đạo của cấp cao, giao cho các cơ quan liên quan thực hiện theo chức năng của mình về tham mưu việc điều chỉnh các quy định của pháp luật theo hướng nhất quán thực hiện chủ trương tự chủ đại học. Hiện nay theo tôi biết, tuy chưa đầy đủ nhưng đã thấy có sự không đồng bộ giữa Luật Giáo dục Đại học với nhiều luật, nghị định và hướng dẫn (như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng…).

Đề nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo cho tổng kết nghiêm túc việc làm thí điểm tự chủ trong thời gian qua để rút kinh nghiệm, sửa sai những việc chưa đúng, hoàn thiện cơ chế chính sách và tiếp tục chỉ đạo thực hiện một cách kiên định và có kết quả, mở rộng diện các trường được tự chủ và động viên biểu dương những cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung như tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Trước mắt cần có sớm một nghị định riêng về vấn đề tự chủ đại học, sau đó tiếp tục nghiên cứu để ban hành một luật riêng về tự chủ.

Trong quá trình tổng kết cần làm rõ những cản trở về cơ chế, thể chế quản lý đối với việc thực hiện tự chủ, luật này mâu thuẫn với luật kia, nghị định và thông tư trái với luật; và tìm ra nguyên nhân làm cho không xóa bỏ được cơ chế chủ quản, dù đã có chủ trương từ nhiều năm rồi (do nhận thức, sợ mất quyền, lợi ích cục bộ, hay chỉ đạo không kiên quyết ?).

Đặc biệt, đã thực hiện cơ chế tự chủ thì không sử dụng cơ chế chủ quản nữa (Chính phủ đã chủ trương xóa bỏ chủ quản từ 2005 nhưng chưa thực hiện được), không thể đồng thời cả hai cơ chế khác nhau về cơ bản vẫn song song tồn tại và đều có hiệu lực cùng lúc. Cơ chế chủ quản đã ra đời và xuất từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung – cái mà trong lĩnh vực kinh tế dã có chủ trương xóa bỏ từ 35 năm trước.

Việc quản trị nhà trường sẽ do Hội đồng trường toàn quyền quyết định trong hành lang pháp luật của nhà nước.

Nhưng để Hội đồng trường có thực quyền cũng đã và đang là câu chuyện tốn không ít giấy mực thảo luận, tranh cãi. Ông có kiến nghị gì?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đối với các trường công lập thì nhà nước có thể giới thiệu người tham gia Hội đồng trường và quy định cơ quan chủ quản đầu tư đối với nguồn ngân sách nhà nước khi trường làm chủ đầu tư. Còn quản lý nhà nước nói chung đối với hoạt động của nhà trường thì bằng pháp luật có phân công các ngành theo luật định. Cơ chế chủ quản đến nay đã lỗi thời và cản trở, cần bãi bỏ càng sớm càng tốt. Thôi chủ quản không đồng nghĩa với việc giảm quản lý nhà nước.

Trong tự chủ, hội đồng trường với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường có vai trò quyết định sự thành công. Hiện nay một số cơ quan chủ quản nào đó không tích cực ủng hộ cơ chế này cũng là việc dễ hiểu. Nhưng đó chính là sự cấp tiến trong các nghị quyết và luật, so với thực tế và tư duy cũ. Không có hội đồng một cách thực chất, hoặc có một cách hình thức không thực quyền, không có năng lực, sẽ là sai lầm lớn, dễ tạo ra độc quyền cá nhân.

Thực hiện cơ chế tự chủ đại học, đòi hỏi phương thức lãnh đạo của Tổ chức đảng ở các trường đại học cũng cần được đổi mới căn bản để thích ứng và phù hợp. Đề nghị Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu về đổi mới phương thức lãnh đạo này.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh (thực hiện)