Giáo viên mầm non trong bối cảnh đại dịch Covid-19 - Khó khăn và triển vọng

07/04/2022 15:43
TS. Trần Huy Phương (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong hy vọng sớm đón các học sinh mầm non trở lại trường, nhiều chủ trường, giáo viên có rất nhiều trăn trở và kỳ vọng.

Sau một thời gian chống dịch, cùng với sự hiệu quả và nhanh chóng của chương trình tiêm chủng quốc gia, dịch bệnh Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát.

Các biện pháp hạn chế đã dần được nới lỏng. Các hoạt động kinh tế, văn hoá, giải trí đã được phép hoạt động trở lại.

Ngày 15/3/2022, ngành du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch. Đến ngày 6/4/2022, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại Hà Nội, một trong những địa phương cuối cùng trong cả nước chưa cho học sinh tiểu học đến lớp, cũng đã được đến trường trở lại sau nhiều tháng học trực tuyến để phòng dịch.

Sau tiểu học, đã có những tín hiệu và hy vọng cấp học mầm non cũng sẽ được trở lại trường.

Không giống như các cấp học khác, mầm non đã phải nghỉ gần như trong khoảng thời gian 2 năm dịch bùng phát từ tháng 3 năm 2020.

Trong triển vọng đón các học sinh mầm non trở lại trường, nhiều chủ trường, giáo viên có rất nhiều trăn trở và kỳ vọng.

Bài viết sau đây sẽ đưa ra các vấn đề chính dựa trên kết quả khảo sát 130 giáo viên mầm non tư thục và phỏng vấn sâu với các chủ trường, quản lý trường mầm non tư thục và giáo viên.

1. Cơ sở mầm non đóng cửa, giáo viên thất nghiệp, không có thu nhập

Vấn đề được đề cập đến đầu tiên đó là thời gian đóng cửa giáo dục mầm non quá dài dẫn đến việc các cơ sở phải đóng cửa, sang nhượng và giáo viên thất nghiệp.

“Từ ngày giáo dục mầm non phải nghỉ để chống dịch, bản thân tôi cũng không có công việc gì. Rất may mắn là tôi đã đóng bảo hiểm liên tục từ lúc mới đi làm nên được nhận bảo hiểm thất nghiệp trong 11 tháng. Nhiều cô giáo có thời gian đóng bảo hiểm ngắn, thậm chí không đóng bảo hiểm thì sẽ rất khó khăn. Hầu hết số giáo viên cũ của trường đã bỏ nghề, chuyển sang các lĩnh vực khác hoặc ở nhà”, chị G 40 tuổi Quản lý Cơ sở giáo dục mầm non tư thục cho biết.

“Các cơ sở giáo dục mầm non không thể tồn tại quá 3 tháng nếu đóng cửa. Tiền nhà, tiền trả lương và các chi phí khác đa phần là dựa vào học phí. Trong nhóm của các chủ trường và quản lý mà tôi tham gia hầu hết đều phải đóng cửa trường. Chỉ có các trường hay nhóm trẻ thuộc một tập đoàn giáo dục hoặc tập đoàn đa ngành có thể tồn tại, tuy nhiên giáo viên vẫn phải nghỉ việc không lương”, cô T. Chủ trường mầm non tư thục quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

“Thời gian đóng cửa của các trường mầm non quá dài dẫn đến khó khăn cho chúng tôi. Chủ nhà ban đầu cũng có miễn, giảm tiền thuê khi cả nước đóng cửa chống dịch. Tuy nhiên khi các hoạt động khác đã trở lại mà trường mầm non vẫn đóng cửa, chủ nhà cũng có lý khi không tiếp tục miễn giảm tiền thuê nhà”, cô C. chủ trường mầm non quận Long Biên nói.

“Tôi đã làm mầm non hơn 30 năm ở Nhật. Tôi chưa bao giờ thấy các trường mầm non đóng cửa lâu như vậy. Nhật bản cũng đã phải trải qua đại dịch với số ca nhiễm rất cao. Tuy nhiên, khi nhiều dịch vụ khác phải đóng cửa thì trường mầm non vẫn mở để đáp ứng nhu cầu của cha mẹ khi họ phải đi làm. Tôi thấy ở Việt Nam các gia đình có ông, bà trông giúp nên cha mẹ vẫn có thể đi làm. Ở Nhật Bản thì không có ai trông giúp họ cả”, ông O. Chủ trường mầm non tư thục song ngữ ở quận Cầu Giấy tâm sự.

Hình 1: Tình trạng việc làm của giáo viên mầm non tư thục trong Đại dịch

Hình 1: Tình trạng việc làm của giáo viên mầm non tư thục trong Đại dịch

2. Tình trạng việc làm của giáo viên mầm non trong bối cảnh đại dịch

Kết quả khảo sát từ 130 giáo viên mầm non trên cả nước cho thấy, trong bối cảnh các cơ sở phải đóng cửa đề chống dịch, gần 90% số giáo viên phải nghỉ việc không lương. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ được điều chuyển sang các công việc khác trong công ty/tập đoàn và làm việc trực tuyến.

“Khi trường đóng cửa tôi phải nghỉ việc không lương. Tôi cũng không biết làm nghề gì khác. Trường mầm non nơi tôi công tác cũng không thể hỗ trợ được gì cả. Chúng tôi chỉ là một cơ sở nhỏ, không nằm trong một công ty hay tập đoàn nên tất cả giáo viên phải nghỉ không lương vô thời hạn”, chị L. giáo viên mầm non 20 năm kinh nghiệm cho biết.

“Trong dịch tôi đã nhận trông 5-6 trẻ tại nhà. Tôi biết các rủi ro có thể xảy ra nhưng tôi cũng cần có thu nhập. Chồng tôi chạy Grab cũng không được hoạt động. Phụ huynh đi làm nhưng trẻ không được đi học, họ có nhu cầu trông trẻ nên tìm đến các cô đã dạy các cháu tại trường. Khi tôi bị nhiễm Covid-19 tôi đã rất hoang mang không biết có nên khai báo hay không. Nếu không báo cáo thì vi phạm quy định của Bộ Y tế. Nếu báo cáo mà phụ huynh kiện thì còn nguy hiểm hơn”, cô K. Giáo viên mầm non tư thục 15 năm kinh nghiệm, chia sẻ.

“Tôi đến nhà của phụ huynh và trông trẻ tại đó. Phụ huynh đã tập hợp được 1 nhóm 4-5 trẻ ở gần đó. Chúng tôi cam kết và thỏa thuận với nhau về mức tiền công và cam kết giữ bí mật vì việc này là không được phép”, cô A. giáo viên mầm non tư thục 20 năm kinh nghiệm cho biết.

“Thời gian nghỉ quá dài, em ở nhà cũng không có việc gì. Do có chị em giới thiệu nên em bán hàng online. Do không có tiền nhập hàng nên thực tế em chỉ như bán hàng thuê và hưởng hoa hồng. Thu nhập cũng chả được bao nhiêu, nhưng còn hơn không có gì”, một giáo viên mầm non tư thục tại Hà Nội chia sẻ.

Hình 2: Các công việc của giáo viên mầm non tư thục trong đại dịch

Hình 2: Các công việc của giáo viên mầm non tư thục trong đại dịch

3. Sinh kế của giáo viên mầm non tư thục

Trong các nguồn sinh kế chính của giáo viên, đáng chú ý là chỉ có 8% số người được khảo sát cho biết họ nhận được thu nhập chính từ bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy có thể nhận thấy vấn đề an sinh xã hội của giáo viên mầm non chưa được thực sự chú ý.

Theo phỏng vấn sâu với chủ cơ sở giáo dục mầm non thì nhiều giáo viên làm việc không có hợp đồng hoặc thời gian làm việc ngắn nên chưa được đóng bảo hiểm hoặc một số có thời gian đóng bảo hiểm ngắn nên chỉ nhận được bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian rất ngắn.

Hình 3: Sinh kế của giáo viên mầm non tư thục trong đại dịch

Hình 3: Sinh kế của giáo viên mầm non tư thục trong đại dịch

4. Chính sách hỗ trợ dành cho giáo viên mầm non

Khi được hỏi về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chỉ khoảng 50% số giáo viên mầm non cho biết họ nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, trong khi đó khoảng 50% cho biết họ không nhận được bất cứ một hỗ trợ nào.

Bên cạnh đó các giáo viên và chủ cơ sở giáo dục cho biết thủ tục để nhận được hỗ trợ đối với giáo viên mầm non là rất rườm rà và phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng sự hỗ trợ là chưa kịp thời và chưa thiết thực.

5. Định hướng của giáo viên mầm non khi các cơ sở mở cửa trở lại

Kết quả khảo sát cho thấy trên ¾ số giáo viên cho biết họ sẽ quay trở lại với cơ sở giáo dục mầm non hiện tại để tiếp tục công việc.

Khoảng 6% cho biết sẽ tìm kiếm công việc tại cơ sở giáo dục mầm non khác. Nhìn chung có khoảng trên 80% số giáo viên mầm non sẽ quay lại với nghề.

Khi được hỏi về lý do quyết định sẽ quay trở lại với nghề khi các cơ sở giáo dục mầm non được mở cửa trở lại, nguyên nhân chính được các giáo viên đưa ra là “công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo” chiếm 47.6% và “gắn bó với nghề” chiếm 27%.

6. Đề xuất và nguyện vọng của giáo viên mầm non tư thục

Trong triển vọng giáo dục mầm non sắp được mở cửa trở lại tại Hà Nội các giáo viên cũng có một số nguyện vọng và đề xuất đến chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục mầm non và phu huynh học sinh như sau:

Đối với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý: chủ yếu giáo viên mầm non chỉ mong công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện tốt để các cháu được đến trường, các cô được đi làm.

Bên cạnh đó, một số giáo viên đề xuất cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn đến đời sống và sinh kế của giáo viên mầm non tư thục.

Theo đó, giáo viên nhận thấy trong tất cả các cấp học, thì giáo viên mầm non tự thục ít nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhất.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Đề xuất của các giáo viên chủ yếu là đảm bảo thu nhập ổn định, trả đủ lương và đặc biệt là được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.

Để thực hiện được điều này, các giáo viên đề xuất công tác phòng dịch đúng quy định để các cháu có thể đến trường.

Do điều kiện của trường còn khó khăn, nhiều giáo viên cho biết sẽ gắn bó chia sẻ với cơ sở giáo dục mầm non, khi hoạt động ổn định và có thể mở rộng, các cô giáo mong muốn được nâng cao thu nhập và được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn.

Đối với phụ huynh: các cô giáo mong phụ huynh quan tâm đến các hoạt động của con em, đảm bảo các điều kiện phòng dịch và cho con đi học đầy đủ khi đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, các cô giáo mong muốn nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn từ phía phụ huynh, mong phụ huynh tin tưởng ở các giáo viên trong việc nuôi và dạy trẻ.

TS. Trần Huy Phương (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)