Khoác chiếc áo "Đại học quốc gia" không làm nên đẳng cấp hay bản sắc của một ĐH

12/04/2022 06:32
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS Hoàng Ngọc Vinh nhận định, mô hình đại học vùng cần được duy trì vì mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn còn có sự chênh lệch lớn lớn giữa các vùng miền.

Hiện nay, một số đại học vùng, trường đại học đang muốn trở thành đại học quốc gia hoặc hoạt động theo cơ chế đại học quốc gia.

Trong bối cảnh sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền chưa đồng đều, sứ mệnh của các đại học, trường đại học lại là vấn đề được các chuyên gia quan tâm, bàn luận.

Bàn về câu chuyện này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, các trường muốn trở thành đại học quốc gia để có được một số lợi thế trong đầu tư, quyền tự chủ, marketing, hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, điều quan trọng là các trường phải xác định được năng lực đào tạo, sứ mệnh của mình, bởi lẽ thay đổi tên gọi không có nghĩa là các trường sẽ thay đổi sứ mệnh.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). (Ảnh: Tùng Dương)

Khi Nhà nước thiết kế hệ thống trường đại học, đại học quốc gia và đại học vùng đều có sứ mệnh của riêng mình.

Riêng đại học vùng có 3 sứ mệnh. Thứ nhất là đảm bảo cung cấp và đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ cho khu vực ấy. Thứ hai là đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng cho người dân ở những vùng kinh tế xã hội khác nhau. Thứ ba là con chim đầu đàn dẫn dắt các trường đại học trong khu vực phát triển đi lên.

“Một số đại học cho rằng trở thành đại học quốc gia sẽ có cơ chế thoáng hơn, nghĩa là được đầu tư nhiều hơn và được hưởng lợi nhiều hơn, song, phải xem xét lại những ưu điểm, hạn chế của mô hình đại học quốc gia là gì.

Đồng thời cần nhìn lại bản chất vấn đề, dù các trường muốn mang ‘"danh" của đại học quốc gia thì cũng không có nghĩa sẽ trở thành đại học quốc gia hay thực hiện sứ mệnh của Đại học quốc gia.

Vấn đề tuyển sinh, hợp tác quốc tế,… phải xuất phát từ năng lực của mỗi cơ sở giáo dục. Ví dụ như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân,… dù không thuộc Đại học Quốc gia nhưng đầu vào chọn lọc vẫn rất là cao. Những trường này hợp tác quốc tế cũng rất tốt mà đâu cần khoác danh "quốc gia".

Tuy nhiên, khi các trường mong muốn thành đại học quốc gia để có lợi thế trong đầu tư thì cũng cần phải đặt câu hỏi tại sao lại có chuyện đầu tư lệch giữa các đại học, trường đại học khi nhà trường khoác một cái tên khác? Rõ ràng ở đây đã có câu chuyện cần bàn về cơ chế đầu tư vì mục tiêu gì hay chỉ vì tên gọi để được tăng đầu tư?”, Tiến sĩ Vinh nêu vấn đề.

Đại học quốc gia, đại học vùng, đại học địa phương đều cần thực hiện đúng sứ mệnh của mình. Ở một số vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam, Nam Trung Bộ đời sống kinh tế xã hội còn khó khăn thì cần phải có đại học vùng để đáp ứng cung cấp nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội cho những vùng này.

Tương tự với cả những đại học lớn, ví dụ Trường Đại học Cần Thơ cũng phải thực hiện đúng sứ mệnh, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của người dân trong khu vực, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mô hình đại học vùng vẫn cần thiết và cần được duy trì vì mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Hơn nữa, sự tồn tại của đại học vùng không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội, mà còn có ý nghĩa đối với chất lượng của giáo dục phổ thông.

Khi nào các vùng Tây Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ có nền kinh tế phát triển đồng đều nhau thì khi đó không cần có sự ưu tiên nữa. Ví dụ, nếu các vùng phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh thì đại học vùng khi đó sẽ không còn nhiều ý nghĩa như những năm đầu.

Tất nhiên, các trường vẫn tuyển sinh, đào tạo đảm bảo nguồn nhân lực cho địa phương và đất nước.

Còn hiện nay, các đại học vùng phải chịu trách nhiệm nguồn nhân lực của vùng, dù tên gọi thay đổi cũng không thể thay đổi bản chất, đại học vùng không được bỏ chức năng, sứ mệnh của mình, là đào tạo nhân lực, đảm bảo cơ hội hội tiếp cận giáo dục đại học của người dân cũng như dẫn dắt các trường đại học trong khu vực phát triển.

Đối với câu chuyện các đại học ‘đua’ thành đại học quốc gia hay một số đại học địa phương muốn sáp nhập vào các trường đại học lớn, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng việc này có thể dẫn tới vấn đề xung đột văn hóa.

Văn hóa phụ thuộc vào truyền thống về giá trị của ngành nghề đào tạo, thói quen của bộ phận chuyên môn, phong cách quản lý,… nếu sáp nhập các trường có thể xảy ra nhiều xung đột trong văn hóa tổ chức, cơ chế quản trị. Chính vì vậy, phải cân nhắc kỹ lưỡng, lường hết trước mọi rủi ro khi tái cơ cấu lại các trường đại học thành viên trong một đại học.

Tóm lại, khoác chiếc áo "quốc gia" không phải làm nên đẳng cấp hay bản sắc của một đại học mà quan trọng chính là thực lực đổi mới, sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học. Mang danh Đại học quốc gia có thể mang lại lợi thế nào đó về mặt chính trị với cá nhân người lãnh đạo đại học, nhưng dù sao cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải tính đến kết quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của đại học mang danh "quốc gia" đóng góp gì cho đất nước này.

Phạm Minh