Nhìn vào chương trình GDPT mới, dễ dàng thấy ngay môn nào sẽ bị 'ế ẩm'

23/04/2022 06:55
Đặng Lường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong số 10 môn lựa chọn thì nguy cơ ế ẩm có khả năng cao xảy ra với các môn thuộc nhóm Khoa học và xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật)

Năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng với lớp 10. Hiện nay, nhiều băn khoăn được lãnh đạo các trường trung học phổ thông đặt ra rằng, nếu học sinh tự lựa chọn môn học thì thi tốt nghiệp trung học phổ thông - tuyển sinh đại học thế nào? Rồi giải quyết bài toán việc làm cho những giáo viên thừa, tuyển dụng giáo viên thiếu ra sao?...

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Trường Giang - Giám đốc The Ivy-League Vietnam, từng tốt nghiệp Đại học Cornell và Đại học Luật Boston (Mỹ) có một vài chia sẻ, góp ý khi triển khai nhóm môn lựa chọn ở Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Nguyễn Bá Trường Giang (ảnh:giaoduc.net.vn)

Ông Nguyễn Bá Trường Giang (ảnh:giaoduc.net.vn)

Ông Giang cho biết bản thân đã nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đặc biệt là phần chương trình đối với bậc trung học phổ thông gồm các môn bắt buộc và các môn lựa chọn. Khi cải cách chương trình theo hướng môn bắt buộc và môn lựa chọn thì việc môn số môn lựa chọn có ít học sinh theo học là chuyện bình thường. Nhìn vào chương trình, chúng ta có thể thấy ngay môn nào sẽ bị “ế ẩm”.

Ví dụ, trong số 10 môn lựa chọn thì nguy cơ ế ẩm có khả năng cao xảy ra với các môn thuộc nhóm Khoa học và xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật) còn các môn thừa học sinh đăng ký sẽ là thuộc nhóm Khoa học và tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học).

Vậy khi học sinh ồ ạt đăng ký vào một số môn nhất định thì nhà trường sẽ giải quyết thế nào? Rõ ràng trong điều kiện nhà trường không thể biết rõ số lượng học sinh đăng ký sẽ là bao nhiêu để chuẩn bị đội ngũ giáo viên tương ứng, thì việc ước đoán là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, ước đoán cũng chỉ mang tính tương đối. Khi đó giải pháp đơn giản nhất là giáo viên phải tăng ca dạy. Ví dụ như giáo viên dạy môn Sinh học có thể phải dạy 3 ca một ngày nếu số lượng học sinh đăng ký môn này lên đến 100 em.

Lý do là vì các trường trung học phổ thông không thể “nhét” cả 100 học sinh vào một lớp dù về lý thuyết, các môn này có thể học ở hội trường giống như trường đại học. Nhưng ở các trường cấp 3 thì không có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để làm điều này.

Tuy nhiên, ông Giang cho rằng, nếu thay đổi theo hướng đó thì giờ học phải hết sức linh hoạt nhưng điều này chỉ phù hợp với các trường nội trú, còn các trường học nửa ngày thì sẽ xảy ra tình trạng các em xếp hàng chờ tới lượt. Do đó, khi triển khai chương trình có môn lựa chọn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên cải cách luôn cả thời gian giảng dạy của giáo viên.

Các giáo viên có sẵn sàng dạy tăng ca hay không? Hoặc Bộ Giáo dục có cho phép dạy học sinh trên hội trường hay không? Trả lời được những câu hỏi này thì sẽ tìm được hướng giải quyết các vấn đề nêu trên.

Đồng thời tăng thêm số lượng giáo viên dạy các môn có số lượng đăng ký cao như Vật lí, Hóa học, hay Sinh học.

Vậy còn các môn học ít học sinh đăng ký thì sao? Ông Giang cho rằng, Bộ nên quy định tối thiểu ít nhất 5 học sinh đăng ký sẽ thành một lớp. Còn môn học nào ít hơn 5 học sinh thì hủy, hoặc lúc đó các thầy cô giáo sẽ vận động học sinh lựa chọn môn khác. Đây cũng là một kiểu cạnh tranh bình đẳng trong tự do học thuật mà các nước vẫn làm, nếu thầy cô nào dạy chất lượng kém thì sẽ ít học sinh đăng ký.

Điều mà ông Giang băn khoăn là các em có được lựa chọn môn học theo từng năm hay không? Ví dụ, năm nay các em đang theo đuổi khối Khoa học tự nhiên, nhưng sang năm lại không muốn và thay đổi khối Khoa học xã hội thì sao?

“Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên quy định cứng về các môn lựa chọn theo cả 3 năm. Nếu làm như thế thì chẳng khác gì vẫn là học bắt buộc theo chương trình hiện hành. Thay vào đó, học kỳ I học sinh chọn 3 môn nhóm Khoa học và tự nhiên, 2 môn nhóm Khoa học và xã hội nhưng đến học kỳ II học sinh hoàn toàn có thể chọn 3 môn thuộc nhóm Khoa học và xã hội, 2 môn thuộc nhóm Công nghệ và Nghệ thuật.

Và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cố định các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ cần 3 môn là Toán, Văn, Ngoại Ngữ còn các môn lựa chọn thì chỉ cần thi hết môn”, ông Giang nói.

Ông Giang chia sẻ: “Tại Mỹ, học sinh phải học các môn bắt buộc và được chọn các môn tự chọn. Khi đó, ngoài học các môn bắt buộc (Toán, Khoa học, Khoa học xã hội) thì các em được tự do lựa chọn các môn học khác miễn là đáp ứng yêu cầu về số lượng tín chỉ để đủ điều kiện tốt nghiệp”.

Đặng Lường