Hội đồng thẩm định SGK được chi tiền, nên cần rõ trách nhiệm nếu để lọt 'sạn'

20/04/2022 06:32
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Phạm Văn Hòa cho biết, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa là rất lớn, không thể cứ để xảy ra sơ suất rồi thu hồi, chỉnh sửa là xong.

Để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2022 – 2023, việc thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa đang là vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay.

Trong hai năm học qua, ngành giáo dục đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2 và 6. Tuy nhiên, ở một số bộ sách giáo khoa đã có những môn học bị phát hiện ra “sạn”.

Cụ thể như sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh Diều) phải phát hành thêm tài liệu bổ sung ngay trong năm học đầu tiên và phải chỉnh lý, bổ sung ở năm học thứ 2.

Năm học 2021 – 2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn đồng thời, hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; rà soát, đính chính một số lỗi trong các sách giáo khoa Ngữ văn 6, Lịch sử và Địa lí 6 và một số môn học khác. [1]

Ngày 19/3 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT.

Quy định đã có, song, phải làm sao để thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa một cách hiệu quả và vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định đối công việc này ra sao?

Trao đổi vấn với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói rằng, đối với việc triển khai chương trình giáo dục mới, hoạt động thực nghiệm sách giáo khoa cũng cần phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, trong hai năm học qua, vấn đề về chất lượng sách giáo khoa cũng được người dân, thầy cô phản ánh rất nhiều, điều này buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Liệu sách giáo khoa đã thực sự chuẩn mực chưa, từng tác giả, từng thành viên của Hội đồng thẩm định đã thực sự làm việc đúng trách nhiệm hay chưa?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Thời gian, cách thức tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa ra sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào để đảm bảo đúng thực chất, hiệu quả, kiểm chứng được chất lượng sách giáo khoa, từ đó, Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tuyển chọn sách giáo khoa phù hợp.

Một vấn đề nữa, thời gian qua, có nhiều địa phương cho học sinh học tập trung trong khi ở nhiều địa phương, học sinh phải học trực tuyến kéo dài. Vì vậy, việc thực nghiệm sách giáo khoa cũng phải được tính toán chi li, cặn kẽ, phù hợp với tình hình thực tế.

Làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa là tổ chức do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập, và trách nhiệm của Hội đồng này rất lớn, không thể làm việc để xảy ra sơ suất rồi thu hồi, chỉnh sửa là xong.

Sau khi thực nghiệm, thẩm định, sách giáo khoa được đưa vào giảng dạy, học tập mà vẫn để lọt nhiều “sạn”, nhiều lỗi thì cả Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm, không còn được tham gia vào Hội đồng đó, thậm chí là bị kỷ luật nghiêm.

Tham gia vào Hội đồng, từng thành viên phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, phải xem xét từng câu, từng từ, từng ý trong từng trang sách.

“Hội đồng thẩm định đâu phải làm việc không công, họ được nhận chế độ bồi dưỡng, do vậy phải làm việc hết tinh thần, trách nhiệm của mình.

Nếu để xảy ra sai sót, nếu nội dung chất lượng sách giáo khoa không đảm bảo, dư luận sẽ đặt ra câu hỏi: Thành viên trong Hội đồng có đủ chuyên môn, có đủ kiến thức, năng lực làm việc để thẩm định sách giáo khoa?

Nếu thành viên Hội đồng thẩm định có chuyên môn cao mà vẫn để lọt “sạn” thì dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi ngờ là có hay không tiêu cực trong quá trình thẩm định

Nếu sách được Hội đồng thẩm định thông qua, chấp thuận và bán ra thị trường thì lợi nhuận thu được từ việc phát hành, xuất bản, bán sách là rất lớn. Chính vì vậy, điều khiến xã hội lo lắng là vấn đề tiêu cực trong thẩm định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Hòa nêu vấn đề.

Chính vì vậy, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, muốn công việc thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa được hiệu quả thì buộc phải quy rõ trách nhiệm của Hội đồng thẩm định.

Cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những thành viên Hội đồng nếu làm việc tắc trách để lọt 'sạn'. Chỉ khi làm nghiêm, làm chặt chẽ thì mới loại bỏ được những hiện tượng tiêu cực, buộc Hội đồng thẩm định phải thực sự trách nhiệm cao với công việc được giao, cẩn trọng trong thẩm định từng trang sách.

Làm được như vậy, quá trình thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa sẽ đi vào thực chất, nhân dân, giáo viên đều tin tưởng và không còn lo chuyện xảy ra “sạn” trong sách giáo khoa.

Hội đồng thẩm định do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập, chính vì vậy, Bộ phải kiểm tra, giám sát, thanh tra quá trình làm việc của Hội đồng này. Nếu nghi ngờ Hội đồng làm việc chưa khách quan thì Bộ phải có bộ phận thanh tra, kiểm tra, đảm bảo quá trình thẩm định sách giáo khoa được thực hiện công bằng, không xảy ra tiêu cực.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-thu-hoi-110-000-cuon-sgk-de-sua-chua-post225318.gd

Linh Trang