Lãnh đạo Trường Đại học Giáo dục gặp gỡ và đối thoại với sinh viên

18/04/2022 16:29
Hải Yến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 17/4, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Chương trình “Gặp gỡ, đối thoại giữa sinh viên với lãnh đạo Nhà trường năm học 2021-2022”.

Chương trình nhằm tạo diễn đàn trao đổi trực tiếp, cởi mở, dân chủ, giúp lãnh đạo Nhà trường kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và kiến nghị của sinh viên.

Tham dự đối chương trình thoại trực tiếp có Hiệu trưởng Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh; các Phó Hiệu trưởng: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Tiến sĩ Nguyễn Đức Huy; đại diện lãnh đạo các phòng ban; đại diện Lãnh đạo các Khoa Sư phạm, Khoa Các Khoa học Giáo dục, Khoa Quản lý Giáo dục, Khoa Công nghệ Giáo dục, Khoa Quản trị Chất lượng; Lãnh đạo các Phòng ban cùng với đại diện sinh viên các Khoá QH-2021-S, QH-2020-S, QH-2019-S, QH-2018-S.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần trả lời các câu hỏi của sinh viên. Ảnh: Ued Media

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thuần trả lời các câu hỏi của sinh viên. Ảnh: Ued Media

Chương trình đối thoại năm nay tập trung vào các nhóm vấn đề: Đánh giá đồng đẳng đạo đức nghề nghiệp, vấn đề phủ điểm học phần ngoại ngữ, chính sách phân ngành đối với sinh viên năm nhất, điều kiện và cơ hội học bằng kép cho sinh viên Trường Đại học Giáo dục; Hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp, hoạt động Đoàn và các Câu lạc bộ, học bổng cho sinh viên; Sinh viên nghiên cứu khoa học và quyền lợi của sinh viên khi đạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học; Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, chính sách tài chính, bảo hiểm, hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP dành cho sinh viên sư phạm cũng được nhiều sinh viên quan tâm…

Sinh viên đặt câu hỏi tại buổi gặp gỡ, đối thoại. Ảnh: Ued Media

Sinh viên đặt câu hỏi tại buổi gặp gỡ, đối thoại. Ảnh: Ued Media

Chương trình đối thoại đã trở thành kênh trao đổi hai chiều hiệu quả nhằm tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo giữa Nhà trường. Tại Chương trình đối thoại, Lãnh đạo Nhà trường đã lắng nghe và giải đáp thấu đáo những thắc mắc, đóng góp và chia sẻ từ đại diện sinh viên các lớp trên tinh thần công khai, hiệu quả. Chương trình đối thoại cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ sinh viên.

Khép lại chương trình, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - người luôn gần gũi, nhiều trăn trở và tâm huyết mỗi khi nghĩ về sinh viên đã thẳng thắn nhìn nhận, chia sẻ với sinh viên về vấn đề quay trở lại học trực tiếp và bản lĩnh, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cần có của chính các em khi đối mặt trước những khó khăn.

Giáo sư Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng nhà trường tham dự chương trình theo hình thức online. Ảnh: Ued Media

Giáo sư Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng nhà trường tham dự chương trình theo hình thức online. Ảnh: Ued Media

Hiệu trưởng nói: “Ngày 14/2, Trường Đại học Giáo dục cho sinh viên quay trở lại học trực tiếp thay vì học trực tuyến đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt của một bộ phận sinh viên. Khi đó, đi học trở lại là một quyết định mà chúng tôi đã phải chịu áp lực rất lớn. Học trực tuyến làm mất đi nhiều nội dung quan trọng, cảm giác của sinh viên về tổ chức của mình cũng rất mờ nhạt đặc biệt là sinh viên năm nhất. Việc đi học trở lại, đã được Nhà trường căn cứ dựa trên các bằng chứng khoa học, dựa trên rủi ro bệnh tật, căn cứ vào khuyến nghị của cơ quan thẩm định chuyên môn, ý kiến Chính phủ và sự đồng ý của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường Đại học Giáo dục là một trong những đơn vị đầu tiên của Đại học Quốc gia cho sinh viên đi học trở lại.

Đáng ngại thêm, vấn đề sức khoẻ tâm thần với hậu quả để lại rất nặng nề cho sinh viên, thậm chí đã có những luồng thông tin chuyên gia e ngại về một thế hệ ngại vận động, ngại bước chân ra khỏi nhà. Ở một khía cạnh khác khi quay trở lại học tập trực tuyến, cán bộ, giảng viên là các cá nhân chịu rủi ro cao nhất, họ biết đang đặt mình vào vùng nguy hiểm nhưng đó là vùng nguy hiểm chấp nhận được, và họ chấp nhận thích ứng trong bối cảnh mới. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi thích ứng an toàn và sự chấp nhận này là thành công.

Nhưng điều quan trọng nhất khi cho sinh viên quay trở lại trường là vì chất lượng cho chính các em. Và để sức khoẻ về thể chất và tinh thần của các em không thể giảm xuống thêm mà còn phải tiếp tục được củng cố. Đó là lý do tại sao tất cả cán bộ, giảng viên chúng tôi đều vào cuộc, chung tay hỗ trợ, quan tâm các em từ những điều ý nghĩa nhất chúng tôi có thể”.

Từ đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh nhắn nhủ và gửi tới tất cả sinh viên Trường Đại học Giáo dục

“Với tư cách là những giáo viên tương lai chúng ta không thể sợ sệt, hãy mạnh dạn đương đầu với những khó khăn để có bản lĩnh, có tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong những thời khắc khó khăn. Các em - những nhà giáo tương lai sẽ là người lan toả nguồn năng lượng tích cực ấy tới các đồng nghiệp và học sinh của chính mình.

Trường Đại học Giáo dục với giá trị nhân bản và khai phóng, chúng tôi luôn quan tâm tới sinh viên, mọi khó khăn của các em Nhà trường luôn cố gắng bằng nhiều cách đồng hành, hỗ trợ để các em có tâm thế yên tâm học tâp; nhưng cũng mong các em tự chủ, tự chịu trách nhiệm với chính những hành động, phát ngôn và suy nghĩ của mình. Chúng ta có quyền tự do nhưng phải gắn với trách nhiệm, cần có sự chia sẻ, sự ghi nhận với những khó khăn thuận lợi của nhà trường trong thời gian sắp tới. Chúng ta là những người làm giáo dục, điều đầu tiên chúng ta cần học chính là lòng biết ơn. Sự ghi nhận lẫn nhau là điều rất cần thiết”.

Thông qua các chương trình đối thoại, và nhiều kênh thông tin theo các cấp Khoa, Phòng; Hiệu trưởng hy vọng sinh viên tiếp tục là nguồn phản hồi chất lượng và có những đóng góp phục vụ tốt hơn cho nhà trường.

Hải Yến