Bộ Giáo dục nên tái khởi động lại việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa

14/05/2022 06:53
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo nên dựa vào chương trình biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhưng là sách giáo khoa chuẩn phải để mua bán mà để giáo viên cả nước giảng dạy.

Câu chuyện lãng phí sách giáo khoa, sách giáo khoa dùng một lần rồi bỏ, chất lượng sách giáo khoa kém,…gây bức xúc lớn cho xã hội.

Chương trình giáo dục phổ thông mới khi ban hành đều có những lý tưởng tốt đẹp như học sinh được quyền chọn môn, chọn sách giáo khoa,…nhưng khi triển khai đều không trở thành hiện thực.

Đối với việc học sinh được chọn môn học ở bậc trung học phổ thông xuất hiện đến 108 tổ hợp chọn môn nên đã “vỡ trận” và giao cho nhà trường xây dựng tổ hợp môn, việc chọn sách giáo khoa thì hầu như là việc của trường, phòng, sở.

Ảnh minh họa: Qdnd.vn

Ảnh minh họa: Qdnd.vn

Vì sao thực trạng sách giáo khoa dùng một lần rồi bỏ vẫn tồn tại?

Trước đây, học sinh cách nhau đến 5 lớp nhưng vẫn có thể dùng lại sách giáo khoa cũ để học tập vẫn còn tốt.

Những việc thiện nguyện như chia sẻ, tặng sách giáo khoa; mua bán sách giáo khoa cũ,…thời gian gần đây đã không còn tồn tại mà thay vào đó là sách giáo khoa dùng một lần rồi bỏ, bán đồng nát vô cùng lãng phí.

Câu chuyện sách giáo khoa dùng một lần rồi bỏ cho thấy việc biên soạn, quản lý có những bất cập.

Dưới đây là các nguyên nhân sách giáo khoa gần đây chỉ dùng một lần rồi bỏ.

Mỗi năm nhà trường có thể lựa chọn sách giáo khoa khác nhau nên sách giáo khoa có thể không còn sử dụng được, một số đầu sách đột nhiên biến mất cũng khiến nhiều người nghi ngờ về tính minh bạch của việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa.

Sách giáo khoa khi ban hành được phản ánh có nhiều “sạn”, “sỏi” nên được chỉnh sửa, bổ sung và đương nhiên sách giáo khoa cũ phải bỏ, người tiêu dùng lãnh đủ.

Sách giáo khoa có một số thiết kế chưa khoa học, học sinh còn ghi vào sách nên học sinh khóa sau không sử dụng lại được, điều này vô cùng lãng phí.

Chất lượng sách giáo khoa cũng là điều đáng bàn, tôi thấy các sách giáo khoa dù đắt tiền nhưng thiết kế không đạt chất lượng rất dễ rách, rớt từng trang. Tôi là giáo viên dạy chưa đến hết năm học nhưng sách giáo khoa đã có dấu hiệu hư hỏng, không thể khắc phục, học sinh còn nhỏ nên sử dụng hư hỏng còn nhiều hơn.

Bộ Giáo dục nên tái thực hiện một bộ sách giáo khoa chuẩn?

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội được ban hành và đây là một trong những cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo người viết, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương vô cùng đúng đắn, tiến bộ phù hợp xu thế của thế giới, đa dạng hình thức lựa chọn, đa dạng phương tiện giảng dạy.

Nếu thực hiện nghiêm túc chủ trương trên sẽ thực hiện đa dạng, linh hoạt việc chọn sách giáo khoa, học sinh được quyền lựa sách giáo khoa theo nhu cầu, sở thích và cả túi tiền.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã xem chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa cũng như những thiết bị bổ trợ khác chỉ là tài liệu tham khảo, nên có nhiều bộ sách giáo khoa để học sinh lựa chọn là chủ trương vô cùng đúng đắn, hợp lý.

Theo tôi, nên giao toàn quyền chọn sách giáo khoa cho học sinh và gia đình

Tại sao chủ trương đúng đắn về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa khi thực hiện lại gặp quá nhiều phản ứng, bất cập, dẫn đến tình trạng sách giáo khoa dùng một lần rồi bỏ, vô cùng lãng phí.

Theo quan điểm người viết để thực hiện đúng chủ trương, quan điểm, đường lối về sách giáo khoa một cách hiệu quả thì cần thực hiện linh hoạt các giải pháp sau:

Thứ nhất, tôi nghĩ Bộ Giáo dục nên tái khởi động lại việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa

Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa. Điều này nhằm tránh tình trạng không có sách giáo khoa xã hội hóa đạt yêu cầu để phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Tuy nhiên, tại một phiên họp của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó, thầy Phùng Xuân Nhạ đã xin không tiếp tục biên soạn sách giáo khoa vì không tìm được tác giả biên soạn sách.

Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó cho biết bộ này đã hai lần tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa nhưng đều thất bại. Nguyên nhân chính là hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn sách giáo khoa.

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết, dựa vào chương trình biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhưng là sách giáo khoa chuẩn không phải để mua bán mà để giáo viên cả nước giảng dạy.

Sau khi có bộ sách giáo khoa chuẩn, giáo viên cả nước dùng bộ trên để giảng dạy, các bộ sách còn lại của các nhà xuất bản khác hoặc của tư nhân theo định hướng của chương trình dùng để tham khảo cho học sinh.

Sách giáo khoa do Bộ Giáo dục biên soạn đương nhiên rất chuẩn là tài liệu để giáo viên giảng dạy ở tất cả các cấp học, bậc học. Khi đó, giáo viên không phải thực hiện việc chọn sách giáo khoa bất cập như hiện nay.

Thứ hai, học sinh được chọn học bất kỳ loại sách nào để học

Như đã trình bày, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo.

Hiện nay, việc chọn sách giáo khoa được mặc định do giáo viên, trường,… chọn cho học sinh, nhà trường chọn gì học sinh phải học theo là chưa phù hợp định hướng đổi mới.

Nếu giáo viên đã dạy theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thì học sinh được quyền lựa chọn bất kỳ quyển sách nào để học miễn là đẹp, tốt, hay và giá cả hợp lý.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng cho biết:

“Khi dạy một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì chuẩn chương trình là quan trọng nhất.

Vì vậy, việc học sinh chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong sách giáo khoa chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô.”

Ông Thành rất đúng, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo nên học sinh được học quyển sách nào cũng được miễn là đạt chuẩn đầu ra của môn học.

Nên hợp lý nhất là giáo viên dạy theo sách của Bộ Giáo dục, học sinh được quyền chọn bất kỳ loại sách nào để tham khảo, học khi đó giáo viên sẽ đa dạng, linh hoạt trong cách dạy và truyền thụ và đương nhiên môi trường học tập sẽ tích cực, đối tượng thụ hưởng là người học.

Khi đó các nhà xuất bản, công ty tư nhân sẽ cạnh tranh công bằng để mang lại những quyển sách đẹp, giá cả hợp lý đến tay học sinh, phụ huynh.

Học sinh khi ở lại, chuyển trường hay học sinh khóa sau sẽ sử dụng sách của khóa trước, không còn tình trạng sách giáo khoa dùng một lần rồi bỏ.

Thứ ba, nên trả quyền bán sách cho các nhà sách

Hiện nay, gần như các nhà sách trong cả nước đã bị “khai tử” việc bán sách giáo khoa theo chương trình mới, việc mua bán sách gần như thực hiện theo việc học sinh đăng ký trường, trường đăng ký về phòng/sở rồi cấp phát cho học sinh.

Như vậy, học sinh không có quyền lựa chọn sách, không được mua sách bên ngoài với giá cả cạnh tranh, giảm giá,…các nhà sách thì mất cơ hội kinh doanh mua bán sách mới, sách cũ,...

Do đó, khi giáo viên dạy theo sách giáo khoa chuẩn của Bộ Giáo dục ban hành thì nên trả quyền mua, bán sách lại cho các nhà sách, học sinh được quyền lựa chọn mua bất kỳ loại sách của nhà xuất bản bất kỳ để học tập.

Tôi thiết nghĩ, Bộ Giáo dục biên soạn một bộ sách chuẩn và giao toàn quyền chọn sách cho học sinh là một tất yếu trong xu thế đổi mới và phát triển nhằm đa dạng phương thức, phương tiện học tập để tiến đến việc chọn sách giáo khoa lành mạnh, cạnh tranh, hiệu quả và quan trọng là học sinh được toàn quyền trong lựa chọn sách giáo khoa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi