Để có bằng Tiến sĩ ở nước ngoài vất vả và tốn kém ra sao?

18/05/2022 07:03
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong quá trình 4 năm nghiên cứu, tôi phải làm rất nhiều loại thí nghiệm khác nhau, có thí nghiệm thành công, nhưng cũng có không ít thí nghiệm đi vào ngõ cụt.

Thông thường, muốn học Tiến sĩ, bạn sẽ cần phải có bằng thạc sĩ trong một ngành học có liên quan đến chương trình tiến sĩ của bạn. Khi cung cấp thông tin về vấn đề tiến cử, nghiên cứu sinh nên tìm tới những người đã biết đến bạn trong một bối cảnh học thuật và nghiên cứu trước đó.

Tiếp đó, nghiên cứu sinh cũng sẽ phải viết đề cương nghiên cứu trong đó vạch ra những gì bạn có kế hoạch tìm hiểu dựa trên bối cảnh những nghiên cứu trước đây, chứng minh hiểu biết của nghiên cứu sinh về những thảo luận đang được diễn ra trong lĩnh vực, những lỗ hổng kiến ​​thức hiện tại mà người học muốn làm sáng tỏ, phương pháp học của nghiên cứu sinh…

Một số trường đại học sẽ bố trí cho nghiên cứu sinh một người giám sát sau khi được nhận vào học. Các trường khác lại yêu cầu nghiên cứu sinh phải tìm một giáo sư và thuyết phục người này đồng ý là người giám sát của nghiên cứu sinh, điều này đòi hỏi nghiên cứu sinh phải gặp giáo sư trước và thảo luận về đề xuất của người học, nhằm đảm bảo rằng ý tưởng của nghiên cứu sinh phù hợp với các nghiên cứu đang được thực hiện tại khoa.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Hải - Bác sĩ bệnh viện Nhi trung ương để tìm hiểu về vấn đề học Tiến sĩ tại nước ngoài, Tiến sĩ Hải cho biết: “Để làm Tiến sĩ, trước hết cần phải có đề tài nghiên cứu khoa học mới chưa ai nghiên cứu, trong đó có vấn đề cần được giải quyết làm rõ bằng khoa học. Đề tài của tôi nghiên cứu về “tay, chân, miệng”. Với đề tài này, tôi cần phải làm rõ bệnh tay, chân, miệng là do loại virus nào gây ra, có bao nhiêu chủng virus gây ra bệnh này,…

Tôi cũng phải tìm hiểu đặc tính phân bố của các loại virus đó theo từng năm, nó ảnh hưởng đến vấn đề nhân khẩu học, dịch tễ học thế nào, những mùa trong năm dễ mắc bệnh, đối tượng trẻ nào hay bị bệnh, và lứa tuổi nào bị nặng nhất,…Đề tài này nghiên cứu đối tượng trẻ em ở Việt Nam, chính vì vậy tôi sẽ thu thập mẫu bệnh phẩm tại Việt Nam, sau đó mang sang Nhật để nghiên cứu phân tích chuyên sâu.

Vì sao tôi làm ở Nhật? Bởi ở Nhật và một số quốc gia phát triển trên thế giới mới có đủ điều kiện cơ sở vật chất, kĩ thuật giúp cho việc phân tích, làm những thí nghiệm chuyên sâu về virus”.

Trong quá trình 4 năm nghiên cứu, tôi phải làm rất nhiều loại thí nghiệm khác nhau, có thí nghiệm thành công, nhưng cũng có không ít thí nghiệm đi vào ngõ cụt. Ảnh minh họa.

Trong quá trình 4 năm nghiên cứu, tôi phải làm rất nhiều loại thí nghiệm khác nhau, có thí nghiệm thành công, nhưng cũng có không ít thí nghiệm đi vào ngõ cụt. Ảnh minh họa.

Theo tiến sĩ Hải: “Nghiên cứu sinh cần phải có thầy hướng dẫn đúng với chuyên ngành mình đang nghiên cứu. Bước viết đề cương đề tài, tình hình của bệnh đó ở Việt Nam và trên thế giới, những điều mình biết và chưa biết về virus gây bệnh, rồi lý do mình nghiên cứu để giải quyết mục đích gì, và mình định làm cái gì. Khi làm nghiên cứu khoa học và nhất là đối với Y khoa thì đề tài cần có sự chấp thuận của hội đồng đạo đức ở cả Việt Nam và bên Nhật, khi được hội đồng chấp nhận, nghiên cứu sinh mới tiến hành thực hiện nghiên cứu.

Với những mẫu bệnh phẩm từ Việt Nam đưa sang Nhật, tôi dùng các kĩ thuật để phân tích về loại virus đó, đồng thời làm một số xét nghiệm chuyên sâu như giải trình tự bộ gen để so sánh các chủng virus ở Việt Nam với ở Nhật, và bản thân các loại virus đó với nhau, trên các đối tượng bệnh nhân khác nhau,…để tìm sự khác biệt giữa virus gây bệnh nặng, cũng như gây bệnh nhẹ, cũng như các loại virus đó là gì. Ngoài ra phải làm tiến hành rất nhiều thí nghiệm nữa để xác nhận loại virus đó có vai trò gì trong quá trình gây bệnh, có phải loại virus gây bệnh cho bệnh nhân A, nhưng đồng thời có gây bệnh cho bệnh nhân B hay không?

Có thể nói trong quá trình 4 năm làm nghiên cứu, tôi phải làm rất nhiều loại thí nghiệm khác nhau, có thí nghiệm thành công, nhưng cũng có không ít thí nghiệm thất bại. Có thể nói, làm nghiên cứu sinh vất vả ở điểm đó, mình đặt ra câu hỏi nhưng không phải lúc nào cũng có câu trả lời thỏa đáng, và không phải câu hỏi nào của mình cũng đúng, sau khi làm những thí nghiệm chuyên sâu hơn thì những câu hỏi kia mới được sáng tỏ. Nhiều thí nghiệm tôi phải làm đi làm lại mất rất nhiều thời gian và công sức”.

Hành trình 4 năm học tập nghiêm túc

Tiến sĩ Hải cho biết: “Để tiến hành bảo vệ thành công đề tài Tiến sĩ, công việc trong 4 năm được phân bổ ra nhiều giai đoạn.

Năm thứ nhất, trong 6 tháng đầu tiên, tôi phải học và hoàn thành các tín chỉ bắt buộc gồm nhiều môn như khoa học môi trường, các môn khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu,... Việc học này tại giảng đường của trường đại học đối với tất cả các nghiên cứu sinh ở các chuyên ngành khác nhau, và kết thúc bằng các bài luận của người học.

Thời gian còn lại trong 4 năm, tôi tiến hành thực hiện các nghiên cứu của luận án theo tiến độ. Năm thứ nhất thực hiện các thí nghiệm cơ bản, năm thứ hai với nhiều thí nghiệm nâng cao, năm thứ ba làm các thí nghiệm chuyên sâu, năm thứ tư tổng hợp, xử lí phân tích số liệu rồi viết thành bài báo quốc tế. Theo quy định, bài báo quốc tế đó phải được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín đã được thế giới xếp hạng, đây là điều kiện bắt buộc.

Tôi cũng như các nghiên cứu sinh phải nộp bài báo đến một tạp chí quốc tế, ban biên tập tạp chí này sẽ kiểm duyệt qua nhiều vòng. Thứ nhất: Sàng lọc xem đề tài của bài báo này có phù hợp với tạp chí đó hay không bởi họ là tạp chí về Y khoa nhưng đề tài gửi đến lại về thể thao, như vậy sẽ bị loại. Thứ hai: Tạp chí đó rất khắt khe để đánh giá về hàm lượng chất xám, hàm lượng kĩ thuật, nếu đề tài của nghiên cứu sinh đó sơ sài, đơn giản, không thực tế cũng sẽ bị loại.

Nếu đề tài qua được vòng loại đầu tiên, ban biên tập tạp chí đó sẽ chuyển đề tài khoa học đến một hội đồng đánh giá ở cấp cao hơn, gồm nhiều nhà khoa học uy tín trên khắp thế giới về lĩnh vực mà đề tài đề cập đến, hội đồng này sẽ đọc và nghiên cứu đề tài đó xem có vấn đề nào hợp lí, cũng như chưa hợp lí.

Họ phân tích và đồng thời có mấy trường hợp xảy ra: Thứ nhất, họ thấy quá nhiều lỗi và đề tài không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, lập tức họ sẽ không thông qua. Thứ hai, nếu mọi vấn đề khoa học của đề tài đó ở mức tốt thật sự, họ sẽ thông qua. Thứ ba, họ thấy đề tài còn một vài lỗi cần phải sửa hoặc cần làm rõ hơn, bổ sung thêm thí nghiệm chuyên sâu hơn để trả lời câu hỏi của hội đồng, như vậy nghiên cứu sinh phải thực hiện để đáp ứng thật tốt, giải thích được các yêu cầu đó.

Sau khi hội đồng nhận được các phản hồi của nghiên cứu sinh, nếu phù hợp hội đồng sẽ đồng ý thông qua, nếu những câu trả lời vẫn chưa thỏa mãn được hội đồng, họ sẽ yêu cầu tiếp và cũng có thể họ từ chối thông qua. Như vậy, để được thông qua một bài báo khoa học không hề đơn giản, hội đồng có chấp nhận thì bài báo đó mới được đăng tải.

Tờ báo quốc tế được xếp hạng uy tín cao trong giới khoa học, và bài báo của nghiên cứu sinh đăng trên đó sẽ càng uy tín, sẽ được trích dẫn nhiều trong các hội thảo quốc tế, trong nhiều công trình nghiên cứu sau này của các nhà khoa học khác với cùng hướng đề tài.

Khi đã có bài báo được đăng tải trên tạp chí quốc tế uy tín, đó mới là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, tôi cần có 12 tín chỉ chứng nhận đã được mời tham gia báo cáo chuyên ngành mà mình đang nghiên cứu tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế.

Khi đã có bài báo được đăng tải trên tạp chí quốc tế uy tín, đó mới là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, tôi cần có 12 tín chỉ chứng nhận đã được mời tham gia báo cáo chuyên ngành mà mình đang nghiên cứu tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Ảnh minh họa.
Khi đã có bài báo được đăng tải trên tạp chí quốc tế uy tín, đó mới là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, tôi cần có 12 tín chỉ chứng nhận đã được mời tham gia báo cáo chuyên ngành mà mình đang nghiên cứu tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Ảnh minh họa.

Bước cuối cùng, tôi phải đưa công trình nghiên cứu khoa học đó ra trước một hội đồng các giáo sư tại trường đại học nơi thực hiện đề tài, đây là các giáo sư đầu ngành có liên quan đến lĩnh vực đề tài nghiên cứu, ví dụ: Đề tài của tôi liên quan đến virus vi sinh thì sẽ có giáo sư về vi sinh vật, một vài liên quan đến vấn đề dịch tễ sẽ có giáo sư đầu ngành về dịch tễ, đề tài nghiên cứu đối tượng là bệnh nhân nhi, sẽ có những giáo sư chuyên ngành về nhi tham gia phản biện, tôi phải bảo vệ thành công đề tài trước hội đồng đó.

Sau khi tôi trình bày, và trả lời các phản biện của hội đồng giáo sư về đề tài khoa học đó, nếu hội đồng chấp thuận thông qua, lúc này tôi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Nói như vậy nhưng việc được sở hữu tấm bằng Tiến sĩ tại nước ngoài không hề dễ dàng, phải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt từ đề tài, người hướng dẫn, hội đồng đạo đức,... và cả quá trình học tập nghiên cứu một cách nghiêm túc trong 4 năm. Đây là học thật, thi thật”.

Tấm bằng Tiến sĩ không dễ dàng

Tiến sĩ Hải chia sẻ thêm: “Có thể nói, khó khăn nhất khi làm nghiên cứu khoa học là bản thân tôi cũng như các nghiên cứu sinh không biết được hướng nghiên cứu của mình sẽ dẫn đến đâu, mặc dù biết rất rõ những câu hỏi của mình đặt ra và những câu trả lời là đích đến.

Nhưng trong cả quá trình tôi giải quyết các câu hỏi đó, tôi không biết chắc chắn các thí nghiệm sẽ dẫn dắt mình đến đâu, có thể trong quá trình làm nghiên cứu, nhiều thí nghiệm không thành công, hoặc cho ra kết quả không đúng với suy nghĩ ban đầu của mình, như vậy bắt buộc nghiên cứu sinh phải chuyển hướng nghiên cứu.

Có thể trong 2 năm, tôi làm nhiều thí nghiệm để trả lời các câu hỏi của mình, nhưng kết quả các thí nghiệm đó đi vào ngõ cụt, như vậy công sức 2 năm trời bỏ đi. Đó là lí do tại sao có những thí nghiệm cần rất nhiều thời gian, có nhiều nghiên cứu sinh nghiên cứu trong 7 năm, thậm chí 8 năm vẫn chưa bảo vệ xong tấm bằng Tiến sĩ.

Có thể nói, chi phí để làm nghiên cứu một đề tài Tiến sĩ khoa học trong 4 năm cũng rất lớn. Về phần cứng chi phí đào tạo, mỗi tháng tiền học phí ở trường đại học vào khoảng trên 10 triệu đồng. Ngoài ra còn tiền ăn, ở, chi phí sinh hoạt ở nước ngoài, chi phí ăn ở đi lại khi tham gia các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, vé máy bay đi lại,…Với đề tài của tôi chi phí cũng tới khoảng 1,5 tỷ đồng tiền Việt Nam, tất nhiên đó là mọi việc diễn ra thuận lợi trong 4 năm, còn nếu phát sinh kéo dài thời gian nghiên cứu thì mọi chi phí sẽ bị đội lên thêm rất nhiều”.

Tùng Dương