Nếu Lịch sử là môn học bắt buộc, chương trình cần điều chỉnh những gì?

08/06/2022 06:58
Đào Văn Khởi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu lịch sử là môn bắt buộc ở trung học phổ thông thì không cần phải thay đổi môn Lịch sử ở các cấp.

Năm học 2022-2023 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 được lựa chọn 5 môn học lựa chọn, trong đó có môn Lịch sử.

Thế nhưng, theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo cho thấy, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn.

Và mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị quy định Lịch sử là môn học bắt buộc. Vậy, giải pháp nào khi Lịch sử sẽ là môn học bắt buộc?

Ảnh minh họa: nguồn giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: nguồn giaoduc.net.vn

Không cần viết lại sách giáo khoa môn Lịch sử ở các cấp

Trong lần đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 này, học sinh tiểu học và trung học cơ sở sẽ được học về lịch sử Việt Nam như thế nào? Qua Chương trình tổng thể Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ta thấy nội dung giáo dục lịch sử Việt Nam được xây dựng khoa học, chọn lọc, đầy đủ và cơ bản.

Cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được dạy trong môn học tích hợp Lịch sử và Địa lí. Lịch sử và Địa lí tiểu học là môn học bắt buộc, được dạy và học ở lớp 4 và lớp 5.

Môn học xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3 và là cơ sở để học môn Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở, đồng thời góp phần đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục về khoa học xã hội ở các cấp học trên.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam, các nước láng giềng và một số nét cơ bản về địa lí, lịch sử thế giới.

Cụ thể nội dung chương trình lịch sử Việt Nam ở tiểu học học sinh được học về:

Địa phương em (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương): Lịch sử và văn hoá truyền thống địa phương. Trung du và miền núi Bắc Bộ: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá, Đền Hùng và lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Đồng bằng Bắc Bộ: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá, Sông Hồng và văn minh sông Hồng, Thăng Long – Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Duyên hải miền Trung: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An. Tây Nguyên: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá, Lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên. Nam Bộ: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hoá, Thành phố Hồ Chí Minh, Địa đạo Củ Chi.

Đất nước và con người Việt Nam: Biển, đảo Việt Nam, Dân cư và dân tộc ở Việt Nam. Những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam: Văn Lang, Âu Lạc, Phù Nam, Champa.

Xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam: Đấu tranh giành độc lập thời kì Bắc thuộc, Triều Lý và việc định đô ở Thăng Long, Triều Trần và kháng chiến chống Mông – Nguyên, Khởi nghĩa Lam Sơn và triều Hậu Lê, Triều Nguyễn, Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Đất nước đổi mới.

Ở Trung học cơ sở, Lịch sử và Địa lí là môn học bắt buộc, được dạy và học từ lớp 6 đến lớp 9.

Nội dung giáo dục lịch sử được thiết kế theo tuyến tính thời gian, từ thời nguyên thuỷ qua cổ đại, trung đại đến cận đại và hiện đại; trong từng thời kì có sự đan xen lịch sử thế giới, lịch sử khu vực và lịch sử Việt Nam.

Chương trình lịch sử Việt Nam bao gồm:

Việt Nam từ khoảng thế kỉ VII trước Công nguyên đến đầu thế kỉ X: Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, Thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc từ thế kỉ II trước Công nguyên đến năm 938 (Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc. Sự chuyển biến về kinh tế, văn hoá trong thời kì Bắc thuộc. Các cuộc đấu tranh giành lại độc lập và bảo vệ bản sắc văn hoá của dân tộc. Bước ngoặt lịch sử ở đầu thế kỉ X), Vương quốc Champa, Vương quốc Phù Nam.

Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI: Việt Nam từ năm 938 đến năm 1009: thời Ngô – Đinh – Tiền Lê. Việt Nam từ thế kỉ XI đến đầu thế kỉ XIII: Thời Lý, Thời Trần, Thời Hồ, Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427),Việt Nam thời Lê sơ (1428 – 1527), Vùng đất phía nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI.

Việt Nam từ đầu thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII: Xung đột Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn, Những nét chính trong quá trình mở cõi từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, Khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài thế kỉ XVIII, Phong trào Tây Sơn, Kinh tế, văn hoá, tôn giáo trong các thế kỉ XVI – XVIII.

Sự phát triển của khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – XIX: Một số thành tựu khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật của nhân loại trong các thế kỉ XVIII – XIX, Tác động của sự phát triển khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – XIX

Việt Nam từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX: Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX, Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX, Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Việt Nam từ năm 1918 đến năm 1945: Phong trào dân tộc dân chủ những năm 1918 – 1930, Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Phong trào cách mạng Việt Nam thời kì 1930 – 1939, Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1991: Việt Nam trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1954, Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975, Việt Nam trong những năm 1976 – 1991.

Việt Nam từ năm 1991 đến nay: Khái lược công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay, Thành tựu của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay.

Ngoài ra, môn học có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp, như: bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị – lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lí,...

Phải khẳng định rằng, giai đoạn giáo dục cơ bản (Cấp tiểu học và Trung học cơ sở), học sinh đã được học đầy đủ kiến thức, kĩ năng cơ bản, cốt lõi, thiết yếu, có chọn lọc về lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam.

Hình thành, phát triển ở học sinh năng lực lịch sử: nhận thức khoa học lịch sử, tìm hiểu lịch sử, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học; đồng thời góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam, từ đó góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm...

Với cấp Trung học phổ thông, ở lớp 10, môn Lịch sử giúp học sinh nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử và khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử và địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử và địa lí trong đời sống, đồng thời củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã hình thành ở tiểu học và trung học cơ sở thông qua các chủ đề, chuyên đề về những vấn đề cơ bản của lịch sử và địa lí, tạo cơ sở vững chắc cho học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp với năng lực bản thân.

Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, kinh tế, văn minh, văn hoá, quân sự và xã hội, sự tương tác và hội nhập quốc tế…

Như vậy, nội dung chương trình là rất ổn, nếu Lịch sử là môn bắt buộc ở trung học phổ thông thì không cần phải thay đổi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Lịch sử ở các cấp.

Sách giáo khoa ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng không phải biên soạn và viết lại.

Giải pháp nào khi Lịch sử là môn học bắt buộc?

Khi lịch sử là môn học bắt buộc, giới chuyên môn, cán bộ quản lý giáo dục cấp trung học phổ thông, một số giáo viên cho rằng sẽ có không ít khó khăn như viết lại chương trình và sách giáo khoa ở cả 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, chọn lại sách giáo khoa lớp 10, xây dựng lại tổ hợp môn, đội ngũ giáo viên thiếu… trong khi thời gian năm học 2022 – 2023 chỉ còn 3 tháng.

Vì thế, người viết thấy rằng, để Lịch sử là môn học bắt buộc chúng ta cần chú trọng những giải pháp sau:

Thứ nhất, điều chỉnh lại nội dung chương trình tổng thể của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể:

“2. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

2.1. Nội dung giáo dục Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm môn:

– Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật. – Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hoá học, Sinh học.

– Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật).

Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh số môn lựa chọn từ 5 môn học trong 3 nhóm môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật còn 4 môn trong các nhóm đó và mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.

Làm như vậy sẽ giữ nguyên được tổng số tiết là 29 tiết/tuần ở trung học phổ thông, vẫn đảm bảo thời lượng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Học sinh chọn 4 môn lựa chọn vẫn đảm bảo cho việc đăng ký môn xét tuyển đại học, chọn ngành nghề sau này.

Khi đó, các môn học và hoạt động bắt buộc là: Ngữ văn; Toán; Lịch sử; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Thứ hai, tổ hợp môn lớp 10 các trường sẽ bị xáo trộn, việc sắp xếp lại tổ hợp môn của các trường trung học phổ thông năm học 2022-2023 là không mấy khó khăn khi kỳ thi vào lớp 10 ở các tỉnh chưa bắt đầu thi và chưa hoàn thành việc xét tuyển.

Các trường có thể thay đổi tổ hợp môn để học sinh lựa chọn cho phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình.

Thứ ba, vấn đề thiếu giáo viên môn Lịch sử là có nhưng không đáng kể và chưa đến mức trầm trọng, khó giải quyết được.

Chương trình môn Lịch sử hiện hành đối với cấp trung học phổ thông đã có thời lượng ở lớp 10 là 1,5 tiết/tuần, lớp 11 là 1 tiết/tuần, lớp 12 là 1,5 tiết/tuần, trong khi thời lượng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là 2 tiết/tuần ở tất cả các khối lớp.

Vì vậy, thời lượng tăng ở lớp 10 hiện chỉ là 0,5 tiết/tuần, không đáng kể. Trước mắt các trường cần có hướng phân công cho giáo viên trường dạy thêm giờ, hợp đồng giáo viên và tuyển thêm giáo viên vào những năm sau.

Với những điều chỉnh như vậy, tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội và môn Lịch sử sẽ trở lại vị thế quan trọng trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đào Văn Khởi