Giải pháp nào để hạ giá thành sách giáo khoa?

30/05/2022 06:50
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Đưa được sách giáo khoa vào danh mục định giá, thì mới được phép quản lý, bởi vì “giá trần” hay “giá sàn” cũng là 1 công cụ để quản lý giá”, ông Vũ Đình Ánh nói.

Nhà nước cần có trợ giá trong in sách giáo khoa

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) nhìn nhận: “Về vấn đề tăng giá sách giáo khoa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích như thế cũng có ý đúng, do giấy tốt, khổ to, bản in chất lượng... cũng là một phần lý do có thể dẫn đến giá sách tăng”.

“Mặc dù, đối với sách giáo khoa, tôi quan tâm đến chất lượng nhiều hơn giá thành. Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên nghiên cứu, làm thế nào để mặt bằng giá sách giáo khoa đừng tăng cao quá.

Về mặt giá cả, tôi xin kiến nghị, với chức năng của mình, đề nghị Bộ Tài chính vào cuộc, thẩm định, tính toán giá cả cho phù hợp và hợp lý nhất với gia đình học sinh trên cả nước, phải đảm bảo cho tất cả trẻ em đều có sách học, tất cả học sinh đều tiếp cận được.

Đồng thời, Nhà nước cũng nên có chính sách ngay từ đầu để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, Bộ Tài chính nên vào cuộc thẩm định, tính toán giá sách giáo khoa cho phù hợp. (Ảnh: quochoi.vn).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, Bộ Tài chính nên vào cuộc thẩm định, tính toán giá sách giáo khoa cho phù hợp. (Ảnh: quochoi.vn).

Đồng quan điểm đó, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho biết, thông qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi họp tổ, ông đã hiểu rõ sách giáo khoa hiện nay có thể dùng lại được, không phải là sách dùng một lần.

Đồng thời, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng đề cập: “Bộ trưởng cũng đã giải thích lý do sách giáo khoa hiện nay đắt hơn trước, là vì giấy tốt hơn, in đẹp hơn và cũng có yếu tố xã hội hóa. Bộ trưởng nói thế là đúng.

Nhưng giá sách như vậy đã trở thành “gánh nặng” với nhiều hộ gia đình, nhất là với những gia đình có nhiều con đi học, các hộ nghèo. Chính vì vậy, tôi cho rằng, Nhà nước cần có chính sách trợ giá trong in sách giáo khoa”.

Về góc độ kinh tế, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (Chuyên gia kinh tế) cho rằng: “Hiện nay, các địa phương được tự do chọn sách giáo khoa, theo tôi, tương tự câu chuyện đấu giá mua sắm công. Các Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phải căn cứ vào giá, cũng như gắn với các tiêu chuẩn chất lượng để chọn những bộ sách phù hợp nhất, với mức giá hợp lý nhất, mà đứng trên lợi ích của học sinh và phụ huynh học sinh.

Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phải tạo ra cơ chế để bản thân các nhà xuất bản phải cạnh tranh về giá. Lúc đó, các nhà sản xuất phải chạy đua theo, làm sao để hạ được giá thành và sinh ra được lợi nhuận, chứ không phải là chạy theo lợi nhuận là tăng giá lên cao giống như bây giờ”.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cần phải tạo ra cơ chế để bản thân các nhà xuất bản phải cạnh tranh về giá, chứ không phải đua nhau tăng giá để hưởng lợi ích. (Ảnh: Báo Công thương).

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cần phải tạo ra cơ chế để bản thân các nhà xuất bản phải cạnh tranh về giá, chứ không phải đua nhau tăng giá để hưởng lợi ích. (Ảnh: Báo Công thương).

Cũng theo quan điểm riêng của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, sách giáo khoa là mặt hàng vô cùng thiết yếu, cần được đưa vào danh mục Nhà nước định giá. “Khi đưa được sách giáo khoa vào danh mục định giá, thì mới được phép quản lý, bởi vì “giá trần” hay “giá sàn” cũng là một công cụ để quản lý giá” - vị chuyên gia kinh tế cho biết.

Được biết, từ năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kiến nghị nên đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý về giá.

Theo ông Lê Như Tiến (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), vấn đề giá sách giáo khoa tăng 2-3 lần như hiện nay cũng có một phần trách nhiệm của Nhà nước: “Phải có một phần hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất sách giáo khoa, chứ không thể để cho các nhà xuất bản “tính đúng, tính đủ” theo kiểu kinh doanh.

Chúng ta có thể kinh doanh gì cũng được nhưng không thể kinh doanh trong giáo dục, không thể kinh doanh trên sách giáo khoa. Chúng ta đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí, không thể quy ra giá trị thặng dư”.

Kê khai giá nhưng không đấu giá, không giải trình?!

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Việc các nhà xuất bản báo cáo và kê khai giá với Bộ Tài chính hiện nay chỉ là kê khai đơn thuần, Bộ Tài chính chỉ ghi nhận là có đăng ký kê khai giá, còn chuyện duyệt giá hay không, hay duyệt trên căn cứ nào, cơ sở nào… thì không nói đến. Tức là Bộ không có trách nhiệm giải trình mình đã duyệt đến đâu và các cơ cấu bao giờ đã được thẩm định hay chưa. Đó cũng là một vấn đề rất “mù mờ”, cần phải được công khai, minh bạch”.

Ngân Chi