Đại học quốc gia là thương hiệu, không thể xây dựng nhiều

04/06/2022 08:43
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 3/6, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có cuộc làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc nhiều cán bộ, giảng viên đưa ra các ý kiến để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tài chính cho giáo dục đại học.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: “Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng xác định cần "có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới". Chính vì vậy, hai đại học quốc gia đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị/Ban Bí thư tiếp tục ủng hộ chủ trương về mô hình đại học quốc gia; Sớm ban hành văn bản chỉ đạo để hai đại học quốc gia được ưu tiên đầu tư, được quyền tự chủ cao và có cơ chế đặc thù riêng nhằm hoàn thành nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước đã được Đảng và Nhà nước giao phó như cách đây 22 năm”.

Cũng phát biểu tại buổi làm việc, Phó giáo sư Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị rằng cần xác định lại vị trí của đại học quốc gia đó là thương hiệu của quốc gia. Không thể xây dựng nhiều mà chỉ tập trung vào những thương hiệu đại học, điều này không làm riêng mà nằm trong khuynh hướng chung của thế giới.

Phó giáo sư Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến tại buổi làm việc với Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh(ảnh: Lê Phương)

Phó giáo sư Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến tại buổi làm việc với Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh(ảnh: Lê Phương)

“Đại học quốc gia không phải chỉ đơn thuần chỉ tuyển sinh, đào tạo, nuôi thầy cô mà đó là mô hình gắn kết đổi mới sáng tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Nó là thương hiệu quốc gia và có trách nhiệm cao cả. Do đó đại học quốc gia cần phải được nhìn nhận một cách đúng nghĩa và tập trung vào đó”, Phó giáo sư Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Điều thứ hai ông Bình kiến nghị chính là phải đẩy mạnh tự chủ đại học để tạo sự chuyển biến lớn trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. “Sự chuyển đổi trong quản trị đại học, không còn là trên nói dưới nghe mà đại diện các thành phần cùng bàn bạc chịu trách nhiệm trước xã hội để giải quyết bài toán về vị trí của một đại học, một trường đại học. Do đó, bản thân đại học và trường đại học được quyền tự chủ để thực hiện điều đó”, phó giáo sư Bình nói.

Theo ông Bình, để làm được điều đó, trước tiên phải đồng bộ các luật khác có liên quan cho phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14). Tự chủ đại học không phải chỉ là vấn đề của riêng một trường, một đại học mà nó là sự phát triển chung của giáo dục đại học. “Trên tinh thần đó phải giao tự chủ đúng nghĩa cho đại học quốc gia. Thời gian qua những thành tích đạt được cho thấy được năng lực của hai đại học quốc gia, vậy thì sao không thể giao quyền tự chủ mạnh hơn”, phó giáo sư Bình kiến nghị.

Đồng thời, ông Bình cho rằng hiện nay vấn đề tài chính đại học đang triển khai không đúng tinh thần tự chủ đại học. Theo ông, tự chủ đại học sẽ bao gồm tự chủ về tổ chức nhân sự, tự chủ về học thuật, tự chủ tài chính và cơ sở vật chất. “Tài chính chỉ là yếu tố thứ ba nhưng trong quản lý của chúng ta lại đặt lên vị trí hàng đầu. Điều này làm giới hạn lại quyền tự chủ thật sự của các cơ sở giáo dục đại học. Tài chính chỉ là điều kiện phát triển tự chủ chứ không phải là điều kiện để có tự chủ đại học”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương phát biểu tại buổi làm việc ngày 3/6 (ảnh: Lê Phương)

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương phát biểu tại buổi làm việc ngày 3/6 (ảnh: Lê Phương)

Trở lại vấn đề học phí của trường công, phó giáo sư Phan Thanh Bình cho rằng phải tính đúng chi phí đào tạo kèm theo đó phải có trách nhiệm của nhà nước ở đây. “Một trường đại học muốn dạy tốt chi phí 10 đồng thì phải tính đúng như thế, trong đó nhà nước cho 5 đồng còn trường được lấy thêm 5 đồng để đảm bảo tổng chi phí đào tạo. Còn hiện nay lại hiểu để lấy 10 đồng thì trường không cầm 5 đồng của nhà nước. Hiểu như thế là chúng ta đang đẩy các trường công lập đi ra tư thục, đẩy những người nghèo học giỏi cũng phải trả tiền nếu muốn học trường tốt. Không thể hiểu là không cầm ngân sách nhà nước thì muốn thu bao nhiêu cũng được, còn nếu nhận ngân sách sẽ bị khống chế nhiều thứ về tài chính. Điều này làm cho những trường, đơn vị có năng lực đào tạo bị giới hạn”, ông Bình nêu ý kiến.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá đại học quốc gia có nhiều trường đại học thành viên có truyền thống, có vị thế cao. Tuy nhiên, cần phải phát triển hơn nữa để đáp ứng yêu cầu mới. Ông cho rằng để hiện thực hoá khát vọng hùng cường thì phải phát triển giáo dục đào tạo; phải xây dựng công dân trong thời đại mới có tri thức, trí tuệ, chuyên môn cao… đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trước đó mở đầu buổi làm việc, Phó giáo sư Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những thông tin về tình hình hoạt động của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 10 năm qua. Ở hệ chính quy đã đào tạo được khoảng 110.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, bác sĩ, tiến sĩ cung cấp nhiều nhân lực chất lượng cao cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Nam bộ nói chung.

Cũng trong thời gian đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố khoảng 10.000 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và có nhiều bằng sở hữu về phát minh sáng chế ở nước ngoài cũng như chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng. Tất cả các cơ sở giáo dục đại học thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã được kiểm định cấp cơ sở đào tạo hoặc tiêu chuẩn quốc tế, hoặc tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Lê Phương