GS.Lê Quân: Tự chủ đại học tạo ra sự khác biệt trong các lĩnh vực có thế mạnh

05/06/2022 08:50
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Lê Quân cho rằng, tự chủ đại học cho phép các đơn vị phát huy thế mạnh, tự quyết được các vấn đề của mình phục vụ mục tiêu phát triển.

Ngày 04/6/2022, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Về mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học ở Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Giáo sư Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo “Về mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học ở Việt Nam”. (Ảnh: VNU)

Hội thảo “Về mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học ở Việt Nam”. (Ảnh: VNU)

Hội thảo là một hoạt động cụ thể nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nghiên cứu, rà soát nội dung để xem xét, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học.

Mục đích của Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận và đánh giá thực tiễn việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của mô hình đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân để từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học nói chung, về mô hình tổ chức và hoạt động của các đại học nói riêng.

Khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, việc xây dựng và phát triển mô hình cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế vận động chung của giáo dục đại học thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nhân lực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) đã khẳng định rõ, cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam bao gồm chủ yếu 02 mô hình: các Trường đại học, Học viện (gọi chung là Trường đại học) và các đại học – là cơ sở giáo dục đại học gồm nhiều đơn vị cấu thành hoạt động ở nhiều lĩnh vực chuyên môn cùng thống nhất thực hiện mục tiêu sứ mạng, nhiệm vụ chung về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Theo quy định của Luật, thuật ngữ “đại học” không chỉ được dùng để chỉ các đại học với tư cách là “tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp” như quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (Luật số 08/2012/QH13), bao gồm các đại học quốc gia và đại học vùng hiện nay mà còn mở ra hành lang pháp lý cho việc hình thành các đại học đa ngành, đa lĩnh vực được phát triển lên từ các trường đại học truyền thống.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thi hành Luật, việc tổ chức và hoạt động của mô hình đại học cũng nảy sinh một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ, nhiều nội dung cần được quan tâm, làm rõ để tạo sự thống nhất từ nhận thức tới thực tiễn triển khai thực hiện Luật.

Hội thảo sẽ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học, cùng phân tích, đánh giá kết quả thực tiễn triển khai các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của mô hình các đại học ở Việt Nam hiện nay.

Tại buổi hội thảo, Giáo sư Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, kể từ năm 2013 đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong các lĩnh vực tổ chức, hoạt động và đã thực hiện tốt các quyền này.

Sau gần 30 năm thành lập, mô hình tổ chức của Đại học Quốc gia Hà Nội cơ bản đi vào hoạt động ổn định. Các quy định, quy chế, vấn đề quản trị nội bộ đang được phát huy tốt. Trong những năm gần đây, các chỉ số phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội luôn được đảm bảo và ổn định.

Giáo sư Lê Quân cho rằng, tự chủ đại học là sự tôn trọng, tự quyết được các vấn đề của mình phục vụ mục tiêu phát triển. (Ảnh: VNU)

Giáo sư Lê Quân cho rằng, tự chủ đại học là sự tôn trọng, tự quyết được các vấn đề của mình phục vụ mục tiêu phát triển. (Ảnh: VNU)

Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung ưu tiên đổi mới quản trị nội bộ để phân vai, trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, nguồn lực để đáp ứng mục tiêu phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội đúng với nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao.

Đại học Quốc gia Hà Nội luôn cố gắng dựa bối cảnh điều kiện nguồn lực và cơ chế sẵn có để phát huy tốt nhất sự năng động, sáng tạo của hệ thống, đảm bảo tạo ra những sản phẩm, kết quả đáp ứng yêu cầu.

Các đơn vị thành viên, trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao, mở và liên thông, liên kết, phát huy lợi thế chuyên môn hóa và tự chủ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đảm bảo trong khuôn khổ quản lý và điều phối thống nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Do đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép các đơn vị chủ động tập trung các nguồn lực cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất… liên quan đến chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu đặc thù.

Quản trị trong Đại học Quốc gia Hà Nội được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý sản phẩm đầu ra. Chất lượng các đơn vị đào tạo và chương trình giáo dục trong Đại học Quốc gia Hà Nội được giám sát chặt chẽ thông qua hoạt động kiểm định chất lượng, đồng thời, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến khích các trường thành viên tham gia kiểm định của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và quá trình hội nhập.

Giáo sư Lê Quân nhấn mạnh: "Tự chủ đại học cho phép các đơn vị phát huy thế mạnh, tạo ra sự khác biệt trong các lĩnh vực có thế mạnh; tự chủ đại học là sự tôn trọng, tự quyết được các vấn đề của mình phục vụ mục tiêu phát triển”.

Hội thảo đã thảo luận 4 vấn đề trọng tâm về mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học ở Việt Nam.

Thứ nhất, về cơ cấu tổ chức của đại học; mối quan hệ, liên kết giữa các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc trong đại học; trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị.

Thứ hai, cơ chế quản lý và quản trị đại học; mức độ thực hiện tự chủ đại học và mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực trong nhà trường giữa cấp đại học (Hội đồng đại học - Ban Giám đốc - Đảng ủy đại học) với cấp đơn vị thành viên, đơn vị thuộc, trực thuộc đại học (Hội đồng trường - Ban Giám hiệu - Đảng ủy Trường) trên cơ sở tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, văn bản pháp luật, văn bản quản lý của Nhà nước.

Thứ ba, những vướng mắc, bất cập trong thực thi quy định pháp luật về tự chủ đại học liên quan đến các hoạt động chuyên môn, học thuật trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như trong thực thi quyền tự chủ về tài chính, tài sản.

Thứ tư, kiến nghị, đề xuất cơ chế, giải pháp nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy các đại học phát triển xứng tầm nhiệm vụ được giao, giúp từng bước khẳng định vị thế và uy tín của các đại học hàng đầu Việt Nam cũng như tiếp cận với trình độ khu vực và trên thế giới.

Linh Trang