Nửa chặng đường quy hoạch báo chí và vấn đề “Tôn chỉ mục đích” (2)

20/06/2022 06:48
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Làm thế nào để báo chí không cần, không muốn và không thể xa rời tôn chỉ mục đích?

(Tiếp theo phần 1)

Hai là về “tôn chỉ mục đích” của cơ quan báo chí.

Mỗi cá nhân (hoặc tổ chức) đều phải có mục đích sống và phương châm hành động nhằm đạt mục đích đó. Không ít trường hợp sống không có mục đích, không biết mình cần làm gì sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và mối nguy hại cho xã hội.

Nói thế để thấy gắn cơ quan báo chí với tôn chỉ mục đích không có gì không bình thường.

Vấn đề là vì sao phải gắn cơ quan báo chí với tôn chỉ mục đích của tờ báo/tạp chí?

Thứ nhất, giúp cơ quan báo chí định hướng hoạt động, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí đặc biệt là bài viết, công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí.

Có sự phân biệt khá rõ giữa báo và tạp chí, trừ báo giấy, các báo điện tử cập nhật thông tin theo thời gian thực, kèm theo các đánh giá hoặc bàn luận, chủ đề trên báo đa dạng vì thế khó tránh trường hợp bị gọi là “lá cải”.

Tạp chí có vai trò của cơ quan học thuật, nghiên cứu chuyên sâu, có hàm lượng khoa học cao. Đối tượng của tạp chí không rộng như báo và thường hướng đến nhóm người có sự hiểu biết về lĩnh vực mà tạp chí theo đuổi, các tạp chí chuyên nghiệp ít khi sử dụng trò giật gân, câu view.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy có trên 700 tạp chí đang xuất bản tại Việt Nam nhưng số tạp chí khoa học được xếp vào hàng tạp chí uy tín quốc tế trong danh mục ISI, Scopus lại rất khiêm tốn.

Ảnh minh họa: VTV

Ảnh minh họa: VTV

Nếu chỉ tính cơ sở dữ liệu Scopus thì năm 2011, Việt Nam có tạp chí Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán học và năm 2014 thêm Vietnam Journal of Mathematics (Hội Toán học Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Thông tin từ Hội đồng giáo sư Nhà nước cho biết tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam được xếp vào hạng ISI vào năm 2016 sau khi được đưa vào cơ sở dữ liệu Scopus từ năm 2014 là tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với IOP Publishing tại Vương quốc Anh xuất bản.

Năm 2019 Việt Nam có thêm 03 tạp chí được đưa vào danh mục Scopus.

Mới đây nhất, tháng 3/2022, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á (Journal of Asian Business and Economic Studies - JABES) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, JABES chính thức được công nhận đạt chuẩn quốc tế Scopus.

Một đất nước gần 100 triệu dân với đội ngũ giáo sư, tiến sĩ hùng hậu bậc nhất Đông Nam Á nhưng số tạp chí uy tín không nhiều có đồng nghĩa với nền khoa học của Việt Nam vẫn thuộc nhóm chưa phát triển hay ngược lại, do khoa học kỹ thuật yếu nên không hình thành được các tạp chí chất lượng, uy tín quốc tế?

Bên cạnh tạp chí khoa học là các tạp chí điện tử. Theo Luật Báo chí 2016, Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng. Về việc xuất bản, tạp chí điện tử hoạt động giống báo điện tử. Không ít trong số đó rất khó để nói là tạp chí chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó.

Điều này lại không thể trách đội ngũ làm tạp chí bởi Nhà nước không cấp kinh phí và người đọc cũng không phải trả phí trong khi tạp chí cần phải sống thì mới có tác phẩm ra đời.

Trên kênh truyền hình quốc gia phát vào giờ vàng (6 giờ sáng), người xem không khỏi bức xúc nhưng đành phải chấp nhận khi chương trình luôn bị ngắt quãng để phát xen kẽ quảng cáo.

Phải chăng duy trì sự tồn tại là một trong những nguyên nhân khiến không ít cơ quan báo chí đôi khi phải vượt rào, xé rào, xa rời tôn chỉ mục đích?

Vậy làm thế nào để báo chí không cần, không muốn và không thể xa rời tôn chỉ mục đích?

Thứ hai là uốn nắn lệch lạc, chạy theo thị hiếu rẻ tiền, không mang tính giáo dục.

Báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu của con người, thế nhưng nếu họ ăn phải món “báo lá cải” quá nhiều thì điều đó thực sự nguy hiểm cho đạo đức xã hội và sự tồn vong của hệ thống.

Có một dạo chủ đề “cướp, hiếp, sốc, sex” xuất hiện trên không ít trang báo. Năm 2013, trong bài “Còi xương sao thành quyền lực được?” đăng trong chuyên mục Tuần Việt Nam của báo Vietnamnet.vn người viết đã lên tiếng về chuyện này. [5]

Trước khi Quyết định 362/QĐ-TTg ra đời, năm 2014, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trong bài “Án tử hình – truyền thông và tư pháp” đã nêu quan điểm:

“Uốn nắn các biểu hiện lệch lạc của truyền thông là không sai nhưng làm sao để phát huy sức mạnh của báo chí trong công cuộc phòng chống tội phạm mới là điều có ý nghĩa.

Vượt quá giới hạn cần thiết có thể sẽ khiến một bộ phận truyền thông tránh né các chủ đề nhạy cảm, chuyển sang lĩnh vực “cướp, hiếp, sốc, sex” để câu view, để có tiền nuôi sống tờ báo và người viết báo”. [6]

Gần chục năm sau khi các bài báo trên được đăng, tiếc rằng gần đây, các bài viết vô bổ như “biểu hiện của quý tử 2 tuổi nhà kia”, “váy của cô nọ trị giá tiền tỷ”, hay “khoe chân dài miên man”,… vẫn không ngừng tra tấn người đọc.

Thậm chí một vài tờ báo có uy tín (trực thuộc cơ quan trung ương) vẫn thoải mái đăng bài với nội dung “đốt mắt vì nội y nhỏ xíu”, “cách thay đổi kích thước cậu nhỏ”, “khoe thân hình nóng bỏng với mốt không nội y táo bạo” hoặc “khoe thân hình nóng bỏng khó cưỡng”,…

Những chủ đề nêu trên có thuộc về “tôn chỉ mục đích” của cơ quan báo chí đăng nó?

Câu trả lời chắc chắn là không.

Nhưng vì sao vẫn được xuất bản lại không bị nhắc hoặc phạt vì vi phạm?

Thứ ba, “xé rào” có phải luôn sai và cần xử lý?

Khi một cơ quan báo chí ra “tuyên ngôn” về tôn chỉ mục đích nhưng lại “xé rào” thực hiện những chuyên đề nằm ngoài tôn chỉ mục đích có phải luôn luôn sai và cần phải xử phạt?

Để trả lời câu hỏi này xin nhắc lại một vụ việc.

Ngày 01/10/2018, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng” dựa trên phản ánh của Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Tập đoàn Hòa Bình) với báo về chuyện Tập đoàn FLC dây dưa việc thanh toán hợp đồng giữa hai đơn vị.

Tháng 9 năm 2019, Tập đoàn FLC kiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ra Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy - Hà Nội với lý do thông tin đăng trên báo về việc tập đoàn “vẫn tìm các lý do chưa chịu trả tiền” cho 2 hợp đồng với Tập đoàn Hòa Bình là sai sự thật.

Hội đồng xét xử Tòa án quận Cầu Giấy kết luận: “Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ ngay bài viết không chính xác, không đúng tôn chỉ mục đích hoạt động của báo…”. [7]

Ngay lập tức khá nhiều tờ báo sốt sắng đưa tin FLC thắng kiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vì một trong các lý do được Tòa viện dẫn là bài đã đăng “không đúng tôn chỉ mục đích của báo”!

Gần đây, sau khi doanh nhân Trịnh Văn Quyết và một số nhân vật lãnh đạo FLC bị bắt tạm giam vì tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, báo chí đưa tin:

“Nhiều người mua đất các dự án của FLC ở Quảng Ngãi kêu cứu”. [8]

“Những dự án nghìn tỷ của FLC ở miền Trung đang “đắp chiếu”. [9]

“FLC vẫn “treo” lời hứa cả 6 dự án lớn ở tỉnh Đắk Lắk”. [10]

Bài báo [8] viết: “Sau gần 3 năm bỏ tiền mua đất các dự án của Công ty CP Tập đoàn FLC ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) nhưng không nhận được đất, nhiều người đâm đơn khởi kiện đơn vị làm môi giới là Công ty CP đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES (gọi tắt FLC HOMES) có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội”.

Nếu tiếng chuông cảnh báo mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gióng lên từ năm 2018 về việc làm ăn khuất tất, chụp giật của FLC được các cơ quan chức năng lưu ý, nếu “không đúng tôn chỉ mục đích hoạt động của báo” không được Tòa án Cầu Giấy viện dẫn như một trong các lý do khiến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thua kiện thì liệu tình trạng “nhiều người mua đất các dự án của FLC ở Quảng Ngãi kêu cứu” có xảy ra?

Nêu câu hỏi này bởi việc FLC chây ì không thanh toán tiền cho đơn vị thi công công trình (Tập đoàn Hòa Bình) về bản chất không khác gì việc FLC thu tiền của dân sau ba năm vẫn chây ì không giao đất ở Quảng Ngãi.

Tài liệu tham khảo:

[5] https://vietnamnet.vn/coi-xuong-sao-thanh-quyen-luc-duoc-127727.html

[6] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/an-tu-hinh-truyen-thong-va-tu-phap-post153229.gd

[7] https://www.nguoiduatin.vn/bao-dien-tu-giao-duc-viet-nam-thua-kien-phai-xin-loi-va-boi-thuong-cho-tap-doan-flc-a451001.html

[8] https://cand.com.vn/Ban-doc-cand/nhieu-nguoi-mua-dat-cac-du-an-cua-flc-o-quang-ngai-keu-cuu-i654179/

[9] https://cand.com.vn/doanh-nghiep/nhung-du-an-nghin-ty-cua-flc-o-mien-trung-dang-dap-chieu-i649091/

[10] https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/flc-van-treo-loi-hua-ca-6-du-an-lon-o-tinh-dak-lak-1028858.ldo

(Còn nữa)

Xuân Dương