Kiến nghị miễn học phí THCS năm 2022-2023, cảm ơn Bộ trưởng hết lòng vì dân

06/07/2022 06:44
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự kiến, sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng các Bộ, ban ngành liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Ngày 27 tháng 8 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2021.

Theo đó, nếu không có gì thay đổi, học phí từ bậc mầm non đến đại học sẽ có những điều chỉnh theo hướng tăng lên đáng kể từ năm học 2022 - 2023, có địa phương dự kiến tăng cao gấp 5 lần hiện tại.

Thời gian vừa qua, thông tin dự thảo về tăng học phí của một số địa phương khiến giáo viên, phụ huynh,… băn khoăn, lo lắng giữa bối cảnh lo lạm phát tăng cao, kinh tế khó khăn do thời gian qua chống chọi với dịch Covid, vật giá leo thang.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Có phụ huynh gia đình đông con còn có dự định cho con em họ nghỉ học, do không kham nổi chi phí tăng cao trong đó có học phí.

Vui mừng, biết ơn với kiến nghị miễn học phí bậc THCS từ năm 2022-2023

Nếu không sửa đổi Nghị định 81/2021/NĐ-CP về học phí thì mức tăng học phí ở các cấp học, bậc học mầm non, phổ thông sẽ tăng khá cao. Cụ thể:

Vùng

Học phí (nghìn đồng/tháng) từ năm 2022-2023

Mầm non

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Thành thị

Từ 300 đến 540

Từ 300 đến 540

Từ 300 đến 650

Từ 300 đến 650

Nông thôn

Từ 100 đến 220

Từ 100 đến 220

Từ 100 đến 270

Từ 200 đến 330

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Từ 50 đến 110

Từ 50 đến 110

Từ 50 đến 170

Từ 100 đến 220

Sau một số kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, nhân dân liên quan miễn giảm học phí trong năm học 2022-2023, ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo cụ thể về học phí:

"Cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh."

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nhân dân hoan nghênh và hồi hộp chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có phương án như thế nào sau chỉ đạo trên.

Sau một thời gian chờ đợi, người dân vui mừng sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023 tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7.[1]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành đang tập trung chuẩn bị tốt nhất để tổ chức kỳ thi trung học phổ thông những ngày tới bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, công bằng, khách quan; nghiên cứu, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023; đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa.

Về nội dung này, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.[1]

Cũng tại buổi họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023, trong đó đề xuất lùi việc thực hiện khung học phí mới 1 năm với giáo dục đại học.[2]

Các nội dung kiến nghị này bao gồm cả kiến nghị liên quan tới học phí đại học, cụ thể như sau:

“Đối với giáo dục đại học công lập: lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 1 năm. Năm học 2022 - 2023, mức học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021 - 2022.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: được xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81)”.[2]

Với những kiến nghị, đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc miễn học phí bậc trung học cơ sở, lùi lộ trình tăng học phí bậc đại học,… được nhân dân vô cùng tán dương, hoan nghênh.

Đội ngũ giáo viên trung học cơ sở rất biết ơn Bộ trưởng vì có thể không quá vất vả với việc “đòi” tiền học phí trong thời gian tới, tập trung vào chuyên môn giảng dạy, giáo dục.

Chắc hẳn các phụ huynh nhận được tin Bộ trưởng kiến nghị miễn học phí đối với bậc trung học cơ sở từ năm 2022-2023 đều vui mừng khôn xiết, có thể giảm được một phần kinh phí về học phí trong năm học này.

Cá nhân người viết vô cùng biết ơn sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cảm ơn đề xuất, kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về học phí, một Bộ trưởng luôn hết lòng vì nhân dân.

Dự kiến, sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng các Bộ, ban ngành liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Cảm ơn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và rất mong kiến nghị của Bộ trưởng sẽ sớm thành hiện thực, chia sẻ khó khăn với người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/de-xuat-mien-toan-bo-hoc-phi-cho-hoc-sinh-thcs-tu-nam-hoc-2022-2023-post227736.gd

[2] https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-de-xuat-chua-ap-dung-khung-hoc-phi-moi-voi-dai-hoc-post1474795.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam