SV diện cử tuyển tốt nghiệp không có chỉ tiêu tuyển dụng đi làm bưng bê mưu sinh

01/08/2022 06:38
Lê An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau 7 năm ra trường, không xin được việc, giờ chị S. mở quán ăn. Chị nói chỉ có phần học về kiến thức marketing giúp chị trong công việc hiện tại được chút xíu.

Việc thực hiện chính sách cử tuyển tại một số tỉnh, khu vực miền núi nhằm tuyển dụng học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông (dưới 22 tuổi) là dân tộc thiểu số, ở vùng có điều kiện khó khăn, tạo điều kiện cho các em đi học đại học, cao đẳng và sau được phân công công tác tại địa phương.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều sinh viên diện cử tuyển khi ra trường không được phân công công tác, khiến họ phải xoay sở đủ nghề lao động không liên quan đến chuyên môn được đào tạo, đã làm lãng phí ngân sách nhà nước chi cho đối tượng cử tuyển cùng với đó là công sức, thời gian, tiền bạc của người được cử đi học.

Là đối tượng cử tuyển tốt nghiệp chuyên ngành Khuyến nông (trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) đến nay đã được 7 năm, chị H.T.S (dân tộc Mông, sinh năm 1992, ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) đã phải bươn chải cuộc sống với đủ nghề lao động, từ bưng bê trong nhà hàng đến hướng dẫn viên du lịch...

Giờ đây, sau nhiều năm bôn ba, lam lũ, chị cùng chồng quyết định mở quán bán đồ ăn uống. Chồng chị S. cũng từng học cao đẳng y nhưng không xin được việc.

"Tại thị trấn Mù Cang Chải phát triển du lịch theo mùa nên tôi quyết định bán đồ ăn và đồ uống. Tôi mới mở quán được một tháng, vay mượn cũng nhiều, mong là sớm trả hết nợ", chị S. trải lòng.

Chia sẻ về việc trúng tuyển diện cử tuyển, chị S. cho biết, sau khi có thông báo tuyển đối tượng cử tuyển gửi về địa phương, chị nộp hồ sơ và lựa chọn hai trường đại học nhưng không trúng tuyển. Lúc đó chỉ còn chỉ tiêu học tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

"Một cán bộ ở Phòng Giáo dục và Đào tạo gọi điện hỏi tôi có đăng kí học tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên hay không, nếu không chỉ tiêu sẽ dành cho người khác. Tôi quyết định chọn trường này", chị S. nhớ lại.

Chị S. cho biết, sau 7 năm ra trường, kiến thức môn marketing là kiến thức duy nhất khi đi học được chị áp dụng vào hoạt động kinh doanh. (Ảnh: NVCC)

Chị S. cho biết, sau 7 năm ra trường, kiến thức môn marketing là kiến thức duy nhất khi đi học được chị áp dụng vào hoạt động kinh doanh. (Ảnh: NVCC)

Chị S. chia sẻ thêm, năm đó tỉnh Yên Bái có 5 chỉ tiêu vào trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Chị không hề được đơn vị cử tuyển chia sẻ việc cần cán bộ chuyên môn như nào, để sau này về công tác tại địa phương.

Sau khi vào trường, chị S. phải học dự bị mất một năm, đồng thời phải thi đỗ để được vào học. Nếu không đỗ, thí sinh sẽ phải học lại một năm dự bị.

Lúc tốt nghiệp, bằng cấp của chị được Phòng Nội vụ huyện giữ lại 6 tháng để sắp xếp công việc, nhưng không có chỉ tiêu cho chuyên ngành học của chị. Do không tìm được việc làm, chị đã quyết định đi làm các công việc lao động phổ thông không liên quan đến ngành học để mưu sinh.

"Huyện cũng có chỉ tiêu tuyển công chức, viên chức nhưng họ bảo chuyên ngành của tôi không phù hợp", chị S. chia sẻ.

Cũng giống như chị S., chị L.T.Q (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) từng là đối tượng cử tuyển nhưng học chuyên ngành sư phạm văn học ngôn ngữ Lào, Đại học Souphanouvong. Học xong, chị Q. cũng thất nghiệp.

“Việc xét tuyển dựa trên học bạ phải đạt học lực khá mới được xét cử tuyển. Năm đó danh sách thí sinh đăng kí dự tuyển cũng nhiều, có người đang học trường đại học, cao đẳng khác cũng dừng lại để đăng kí", chị Q. cho hay.

Chị Q. cho biết thêm, sau khi biết tin trúng tuyển, chị đi làm hộ chiếu và khoảng 1 tháng sau thì nhập học. Trên chặng đường khoảng 400 cây số, mất hơn 10 tiếng đồng hồ mang theo bao kỉ niệm về quê nhà, người thân. Rồi chị nghĩ về tương lai khi về nước sẽ làm giảng dạy hoặc phiên dịch, công tác trong nhà nước, đó là một niềm vinh dự tự hào.

Đến đất nước Lào, hàng tháng chị Q. được trợ cấp tính ra đương 2,6 triệu đồng.

"Nếu biết tiết kiệm chi tiêu sẽ đủ, nếu không thì gia đình phải chu cấp thêm. Tôi cũng đi ra ngoài để làm thêm công việc gia sư cho người Lào muốn học tiếng Việt", chị Q. trải lòng.

Thấm thoắt thời gian 5 năm cũng trôi qua, chị Q. tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, chị trở về quê hương vào tháng 8/2018 trong niềm vinh dự và tự hào nhưng sau đó chị Q. không được thông báo phân công công tác vào vị trí nào.

Thất vọng khi không có việc làm sau khi ra trường, chị Q. xin vào một công ty du lịch nhưng làm việc được một thời gian Covid-19 ập đến, khiến chị phải chuyển đổi sang nghề khác.

Hiện, chị Q. xin vào một công ty vận chuyển hàng hóa ở cách nhà khoảng 70km. Về hoàn cảnh gia đình chị Q. cũng thuộc diện khó khăn, khi bố mẹ làm nông nghiệp, em trai của Q. học xong không có điều kiện để học tiếp buộc phải đi làm công ty ở Vĩnh Phúc.

Lê An