Xếp lương theo Thông tư 02, GV tiểu học có thâm niên than "thiệt đơn thiệt kép"

01/08/2022 06:36
Ngọc Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Thông tư 02, giáo viên tiểu học có bằng cử nhân ngành sư phạm sẽ được chuyển hệ số lương 1,86 lên 2,34, nhưng theo giáo viên họ đang "thiệt đơn thiệt kép"

Câu chuyện về bổ nhiệm và xếp lương giáo viên luôn là vấn đề giáo viên cả nước quan tâm.

Câu chuyện của một giáo viên tiểu học ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh là một minh chứng rất rõ cho sự bất cập của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.

Nữ giáo viên chia sẻ câu chuyện của mình với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Theo đó, vào tháng 3/2017, sau khi học xong cử nhân ngành sư phạm tiểu học và thi đậu viên chức cô nhận được quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận 7 về dạy tại một trường tiểu học ở quận 7.

Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là trung cấp vì thế khi mới được tuyển dụng thì cô được xếp lương trung cấp với hệ số lương khởi điểm là 1,86.

Lúc đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có quyết định trả lương cho giáo viên theo vị trí việc làm. Với các giáo viên tốt nghiệp cử nhân ngành sư phạm tiểu học mới đi dạy mức lương cũng như vậy. Vì yêu nghề giáo, mong được truyền nhiều kiến thức cho học sinh và đó là mức thu nhập chung của ngành giáo dục bậc tiểu học, nữ giáo viên chấp nhận.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Khi mới vào trường dạy, nữ giáo viên nhận lương bậc 1 của giáo viên tiểu học hạng IV. Đến tháng 9/2021, cô giáo nhận được quyết định nâng lương từ bậc 2 lên bậc 3 của hạng IV.

Sau khi Thông tư 02 có hiệu lực, nữ giáo viên cùng các đồng nghiệp khác tại trường đã được lấy ý kiến về việc này để nhà trường tổng hợp và gửi đi.

“Từ năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo, các giáo viên sẽ được hưởng chế độ lương mới theo Thông tư 01-04. Đến nay, thông tư mới dù đã có hiệu lực nhưng lương của tôi vẫn như cũ”, cô giáo tiểu học thông tin.

Cô chia sẻ, đầu năm học 2021-2022, một nam giáo viên thể dục đến nhận công tác tại trường nữ giáo viên.

“Nam giáo viên này có bằng đại học và được xếp lương với hệ số lương khởi điểm là 2,34. Hệ số lương của giáo viên mới này nếu tính thêm các khoản phụ cấp tính theo hệ số lương sẽ cao hơn lương tôi và các thầy cô giáo khác có bằng cử nhân sư phạm tiểu học dạy lâu năm tại trường. Khi chúng tôi thắc mắc thì được giải thích, từ năm học 2021-2022, Thành phố Hồ Chí Minh có quy định, giáo viên tiểu học có bằng đại học mới tuyển sẽ được hưởng hệ số lương khởi điểm là 2,34”, nữ giáo viên chia sẻ.

Nữ giáo viên cho biết theo Thông tư 02 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô sẽ được chuyển lương từ giáo viên tiểu học hạng IV sang giáo viên tiểu học hạng III vì có bằng cử nhân sư phạm tiểu học và đáp ứng các tiêu chuẩn của Điều 3, Thông tư 02.

Theo đó, hệ số lương của cô giáo tiểu học này sẽ được tăng từ 2,26 lên 2,34.

“Đến nay, tôi đã có hơn 5 năm dạy tại trường. Lương của tôi bây giờ tính theo hệ số lương cộng các phụ cấp và lương ngoài giờ là hơn 6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này là bậc 3 của giáo viên tiểu học hạng IV.

Theo Thông tư 02, lương của tôi chỉ được chuyển hệ số, không được chuyển bậc lương. Có nghĩa là, sau khi chuyển, mức lương tôi được nhận là bậc 1 của hệ số lương 2,34.

Nếu tính như vậy, thu nhập của tôi sẽ thấp hơn mức hiện tại và chỉ bằng giáo viên mới ra trường đi dạy. Đó là một điều bất công", cô giáo chia sẻ.

Thời gian qua, liên quan những bất cập của chùm Thông tư 01-04, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến và xem xét sửa đổi chùm Thông tư 01-04. Rất nhiều các bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tư Giáo dục Việt Nam và thu hút được nhiều ý kiến quan tâm của các giáo viên, chuyên gia.

Hy vọng câu chuyện thực tế của cô giáo ở trên sẽ góp thêm thông tin để các cơ quan liên quan nghiên cứu từ đó làm sao bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa giáo viên lâu năm và giáo viên có thời gian công tác ít hơn khi chuyển xếp lương trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

Ngọc Minh