Trước thềm năm học mới, nhiều trường học ở Yên Bái trong tình trạng "3 thiếu"

01/08/2022 06:40
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước thềm năm học mới, nhiều trường trung học phổ thông ở miền núi của tỉnh Yên Bái vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên và chưa đủ thiết bị dạy học.

Để sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023, nhiều lãnh đạo các trường trung học phổ thông của tỉnh Yên Bái bày tỏ mong muốn sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, bổ sung đội ngũ nhân viên phục vụ trong trường và sớm được cấp thiết bị dạy học Chương trình giáo dục phổ thông mới để triển khai tập huấn cho đội ngũ giáo viên.

Trường học thiếu giáo viên, nhân viên y tế, thư viện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lưu Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Nhân (huyện Yên Bình, Yên Bái) cho biết, chỉ còn ít tuần nữa là năm học mới bắt đầu, bên cạnh chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nhà trường hết sức lo ngại khi thiếu giáo viên đứng lớp, cũng như thiếu hụt lực lượng nhân viên làm việc tại các vị trí trong trường.

“Quy định một lớp học cấp trung học phổ thông có 2,25 giáo viên, tuy nhiên, nhà trường không đủ điều kiện để đạt định mức do thiếu giáo viên. Cụ thể, hiện trường có tổng 40 giáo viên ở các môn học, thiếu 1 giáo viên dạy Toán và 1 giáo viên dạy tiếng Anh.

Mọi năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cắt cử giáo viên của trường khác về trường để bổ sung nguồn lực giảng dạy. Tuy nhiên, do vị trí địa lý trường ở vùng cao, điều kiện kinh tế hạn chế nên khó thu hút giáo viên.

Ảnh minh hoạ: Lại Cường

Ảnh minh hoạ: Lại Cường

Năm học tới, Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đối với lớp 10 nên nhà trường đã họp, lên kế hoạch bố trí giáo viên tăng số tiết dạy ở hai môn học Toán và tiếng Anh. Điều này sẽ khiến thầy cô có phần quá tải vì đây đều là những môn học bắt buộc.

Toàn bộ thầy, cô hoàn thành công tác tập huấn với tâm thế tích cực, chủ động và sắp tới tiếp tục tham gia những đợt tập huấn để củng cố và hoàn thiện hơn theo đúng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh “bài toán” thiếu giáo viên môn Toán và tiếng Anh, vấn đề thiếu trang thiết bị dạy học cũng khiến nhà trường lo lắng. Những thiết bị dạy học trước đó không đáp ứng đủ khi áp dụng chương trình mới. Do đó, nhà trường mong muốn sớm được cấp trang thiết bị để thầy cô kịp tập huấn, làm quen, không bỡ ngỡ khi vào năm học”, thầy Lưu Trung Kiên chia sẻ.

Một thực trạng lo ngại nhiều năm qua đó là nhà trường thiếu trầm trọng đội ngũ nhân viên thư viện và y tế học đường.

"Đây là những phòng, ban không thể thiếu trong trường học. Thế nhưng, nhiều năm nay, Trường Trung học phổ thông Cẩm Nhân không có nhân viên ý tế, không có nhân viên thư viện do không có nguồn tuyển.

Việc thiếu hụt đội ngũ nhân viên quản lý thiết bị, nhân viên y tế và quản lý thư viện khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn. Do không có nhân viên y tế nên những trường hợp học sinh ốm đau, không may xảy ra tai nạn thương tích trong trường sẽ không có đủ cơ số thuốc, nhân viên chuyên môn để kịp thời sơ cấp cứu mà phải đưa ra các bệnh viện lân cận.

Nhiều năm qua, giáo viên bộ môn của trường được “huy động” vừa hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy vừa kiêm thêm vị trí “bảo vệ” thư viện, bảo quản trang thiết bị dạy học. Do không có chuyên môn nên trong quá trình công tác gặp nhiều khó khăn, cản trở việc dạy học.

Bên cạnh đó, số lượng đầu sách trong thư viện của nhà trường những năm gần đây không được cấp mà phải tự bỏ kinh phí để bổ sung. Do điều kiện hạn chế nên các đầu sách trong thư viện rất ít. Mong muốn chung của trường là sớm được ngành giáo dục tỉnh quan tâm để bổ sung sách, “làm giàu” thư viện trường, nhất là sách lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Thừa giáo viên Toán nên phân công kiêm thêm nhiệm vụ công tác Đoàn

Thiếu trang thiết bị dạy học cho năm học mới cũng là khó khăn đang xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên, Yên Bái).

Chia sẻ với phóng viên, thầy Bùi Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho biết, nhà trường đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ điều kiện để triển khai năm học mới. Tuy nhiên, trường còn gặp vướng mắc vì thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập.

“Về cơ bản, trang thiết bị dạy học đã được nhà trường bố trí. Tuy nhiên, các thiết bị phục vụ cho năm học mới thì gặp nhiều vướng mắc do không đủ đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về vấn đề này, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã làm khảo sát, lập hồ sơ đăng ký nhu cầu được cấp thiết bị để đảm bảo giảng dạy cho chương trình mới. Do đó, khó khăn về thiết bị dạy học sẽ dần được tháo gỡ.

Hiện tại, với hệ thống phòng học, trang thiết bị như máy tính phục vụ môn Tin học, thiết bị thí nghiệm trong môn Vật lý, Hoá học chỉ dừng lại ở mức “tạm ổn” chứ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học của thầy trò nhà trường”, thầy Bùi Văn Xuân chia sẻ.

Cũng theo vị Hiệu trưởng này, năm học 2022-2023, trường thừa 1 giáo viên dạy Toán. Do đó, trường bố trí giáo viên này kiêm thêm nhiệm vụ công tác Đoàn.

Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên này, nhà trường cắt giảm xuống còn 3,5 tiết/tuần và yêu cầu chỉ dạy 1 lớp để tạo thời gian, không gian cho giáo viên làm tốt công tác Đoàn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục đào tạo của nhà trường. Như vậy sẽ đảm bảo được cơ cấu giáo viên, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo trong năm học mới”, thầy Bùi Văn Xuân nhận định.

Chia sẻ thêm về vấn đề thiếu giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều lãnh đạo các trường trung học phổ thông ở tỉnh Yên Bái cho biết, đây là vấn đề rất khó khăn khi hiện tại các trường không có nguồn tuyển giáo viên cho môn học này.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh kịp thời khắc phục khó khăn trong câu chuyện thừa, thiếu giáo viên, mong muốn chung của nhiều lãnh đạo trường trung học phổ thông của tỉnh Yên Bái là những học sinh lớp 10 đối tượng người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ được hỗ trợ về kinh phí để mua sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường lập danh sách 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn để nhận sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng thực tế, số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn rất nhiều do đặc thù nhà trường ở miền núi. Mong muốn của trường là ngành giáo dục của tỉnh có thêm những chỉ tiêu tặng sách giáo khoa để chung tay chia sẻ, giúp học sinh khó khăn có đầy đủ sách để học trước thềm năm học mới", thầy Lưu Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Nhân chia sẻ thêm.

Ngọc Mai