Nhiều tình huống dở khóc dở cười khi đào tạo GV theo đặt hàng Nghị định 116

18/08/2022 06:43
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng: Dù thiếu giáo viên nhưng thực tế việc đặt hàng đào tạo giáo viên của các địa phương theo Nghị định 116 còn chậm.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo nhiều trường đại học đã đề nghị sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đặt hàng đào tạo giáo viên. Trong bối cảnh thừa, thiếu giáo viên cục bộ thì việc "đặt hàng đào tạo" là giải pháp cung cấp nguồn tuyển phù hợp. Nhưng, trong khi nhiều trường sư phạm sẵn sàng đón nhận, chờ "đơn đặt hàng" thì nhiều địa phương chưa thực sự mặn mà với việc đặt hàng đào tạo giáo viên.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 còn chậm

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng đánh giá, Nghị định 116 tác động mạnh tới ngành giáo dục nói chung và các trường sư phạm nói riêng.

“Thứ nhất, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm nhiều hơn. Riêng đối với Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương vốn là trường đặc thù đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật, năm 2021 mặc dù tuyển sinh trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng số lượng thí sinh đến đăng ký thi năng khiếu nhiều hơn, thậm chí gấp đôi so với năm 2020. Cùng với đó, số lượng thí sinh nhập học tăng, tỷ lệ từ 90 - 100% các em đăng ký nhập học.

Thứ hai, chất lượng tuyển sinh cao hơn, nhiều thí sinh có học lực khá, giỏi đăng ký theo học ngành sư phạm.

Đặc biệt, mới đây, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022 - 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Đây như một cú “hích” cho việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 và tăng cơ sở, mục tiêu cho các địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên đối với trường sư phạm. Đồng thời, các sinh viên đã ra trường nhưng chưa có việc làm sẽ thêm cơ hội được tuyển dụng vào biên chế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Trần Lý

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Trần Lý

Năm nay, Âm nhạc và Mỹ thuật bắt đầu được triển khai dạy ở bậc trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, nhiều trường trung học phổ thông đang thiếu giáo viên hai môn này. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên lĩnh vực này, các trường sư phạm cũng phải cấp tốc đào tạo theo.

Năm học 2022-2023, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương thay vì đào tạo 400 chỉ tiêu cho cả 2 ngành Sư phạm Mỹ thuật và Sư phạm Âm nhạc như những năm trước thì đã tăng chỉ tiêu lên 900.

“Thiếu giáo viên nhưng thực tế việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 còn chậm. Một mặt, do các địa phương chưa nhận thức được tính nghiêm trọng của tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn của tỉnh, thứ hai, kinh phí còn hạn hẹp nên các tỉnh chưa chủ động trong việc đặt hàng, cấp kinh phí cho sinh viên.

Mới đây, theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 40/63 tỉnh, thành phố chưa triển khai việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, như vậy mới được 1/3 tỉnh, thành phố trên cả nước đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên.

Việc các địa phương chậm trễ đặt hàng đào tạo giáo viên sẽ ảnh hướng tới quá trình triển khai Nghị định 116, khó có thể giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên trong những năm tới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng nhấn mạnh.

Năm học vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng đã nhận được đặt hàng đấu thầu của tỉnh Yên Bái đối với 100 sinh viên của nhà trường, bao gồm cả sinh viên Âm nhạc và Mỹ thuật. Năm nay, vì chưa hoàn thành quá trình tuyển sinh nên chưa thể triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên đối với năm học này.

Rà soát sinh viên liên tục để tránh thất thoát kinh phí

Sau một thời gian triển khai Nghị định 116, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng cho hay, khi triển khai, khoảng 70 - 80% sinh viên của trường có đơn tự nguyện đăng ký học theo diện thuộc Nghị định 116 (các em nhận hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt, cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ công tác trong ngành giáo dục - PV), điều này chứng tỏ sức hút và tác động tích cực của Nghị định.

Tuy nhiên, cũng có nhiều tình huống phát sinh như: một số sinh viên năm nhất đăng ký học theo Nghị định 116 nhưng một thời gian sau xin nghỉ học, bên cạnh đó cũng có trường hợp năm nhất không đăng ký học theo diện của Nghị định nhưng sang năm 2, năm 3 mới đăng ký.

Đây là những bất cập, khó khăn đối với trường đào tạo sư phạm theo Nghị định 116 nói chung và Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nói riêng.

Để tránh thất thoát kinh phí, nhà trường phải rà soát kỹ, thường xuyên. Không để xảy ra hiện tượng có sinh viên học một thời gian thấy không phù hợp, nghỉ học nhưng vẫn nhận trợ cấp kinh phí.

“Hàng tháng, sinh viên phải có xác nhận của khoa, phòng quản lý sinh viên là vẫn theo học tại trường, có chữ ký của các bên quản lý và chữ ký của các em. Sau đó, bộ phận tài chính mới chuyển khoản trợ cấp.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng có cam kết riêng với sinh viên đi học theo Nghị định 116. Sinh viên phải viết cam kết đào tạo ra sẽ làm việc theo sự phân công, làm đúng ngành, nếu không sẽ phải hoàn bù học phí đã cấp trước đó”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng cho hay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm văn bản hướng dẫn cụ thể

Để thực hiện Nghị định 116 hiệu quả, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có một số kiến nghị, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các địa phương chủ động, rà soát lại đội ngũ, nhu cầu giáo viên các bộ môn, chủ động đề xuất, đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm nhằm giải quyết triệt để tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh.

Thứ hai, năm học 2022-2023, Bộ Chính trị giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập, địa phương có thể đặt hàng chỉ tiêu tuyển biên chế đối với các trường sư phạm để các khóa trước đó - dù chưa thực hiện theo Nghị định 116 nhưng 1, 2 năm nữa các em tốt nghiệp thì nhà trường có thể giới thiệu về làm việc tại địa phương.

“Tổng thể thì việc đặt hàng đào tạo giáo viên còn chậm, tuy nhiên cũng có địa phương đã chủ động tìm nguồn để tuyển biên chế. Ví dụ như Điện Biên, Lai Châu đã có những văn bản đề xuất Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương giới thiệu những người học tốt nghiệp ra trường để tuyển dụng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng cho biết.

Thứ ba, các trường sư phạm tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên để có thể đào tạo được số lượng sinh viên lớn với chất lượng cao.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm văn bản hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện Nghị định 116 được rõ ràng, hiệu quả, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa các địa phương và trường sư phạm.

Anh Trang