"Tích hợp" 6 phân môn ở Nội dung GD địa phương, tiết dạy ít, phức tạp lại nhiều

05/09/2022 06:38
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi cho rằng không nên gộp chung cả 6 phân môn vào một môn học như hiện nay mà cần trả về từng bộ môn như chương trình 2006 sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc có thêm nhiều môn học, nhiều hoạt động giáo dục mới khiến cho các trường học, tổ chuyên môn và giáo viên gặp một số khó khăn trong việc phân công, sắp xếp thời khóa biểu, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Một trong những môn học có phần bất cập nhất khi thực hiện là Nội dung giáo dục địa phương ở cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở vì môn học này chỉ có 35 tiết dạy/năm học nhưng có tới 6 phân môn (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân).

Dù Nội dung giáo dục địa phương là môn học bắt buộc ở các cấp học nhưng từ những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành có phần chung chung, không rõ ràng khiến cho việc thực hiện ở cơ sở có phần rối rắm, tự phát.

Nội dung giáo dục địa phương là môn học bắt buộc ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nội dung giáo dục địa phương là môn học bắt buộc ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nội dung giáo dục địa phương nhìn từ văn bản hướng dẫn của Bộ

Năm học vừa qua, Bộ đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và để chuẩn bị cho năm học 2022-2023 tới đây, Bộ ban hành Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình.

Đọc cả 2 Công văn này, chúng tôi thấy Bộ đều hướng dẫn việc thực hiện Nội dung giáo dục địa phương như sau:

Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của giáo viên.

Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá”.

Như vậy, Nội dung giáo dục địa phương được xác định là môn học quan trọng, bao hàm nhiều lĩnh vực ở địa phương và thực tế nó đã trở thành một môn học bắt buộc như nhiều môn học quan trọng khác.

Các nhà trường giao cho các tổ chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch và bàn bạc, thống nhất thời gian thực hiện. Nhưng, gần như giáo viên không được tập huấn, không được hướng dẫn cách dạy, cách kiểm tra, đánh giá như thế nào nên cũng chỉ làm theo cách hiểu của mình chứ không dám chắc có đúng ý định của Bộ, của Sở hay không.

Bởi lẽ, một số văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học với văn bản hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá học sinh có phần mâu thuẫn với nhau.

Cụ thể, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông quy định số lần kiểm tra thường xuyên đối với các môn học như sau: môn học có 35 tiết/năm học: 02 ĐĐGtx (điểm đánh giá thường xuyên); môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học: 03 ĐĐGtx; môn học có trên 70 tiết/năm học: 04 ĐĐGtx.

Thế nhưng, cả Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ đều hướng dẫn việc kiểm tra Nội dung giáo dục địa phương như sau: “Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch”.

Vậy, Nội dung giáo dục địa phương có 6 phân môn (mỗi học kỳ 3 phân môn, mỗi phân môn được hiểu là 1 chủ đề) và cả năm có 35 tiết học nên thực hiện số lần kiểm tra thường xuyên như hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thì sai với hướng dẫn của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 1496/BGDĐT.

Nhưng, nếu làm theo hướng dẫn của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 1496/BGDĐT sẽ không đúng theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.

Điều tréo ngoe ở chỗ là môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đang thực hiện việc kiểm tra, đánh giá bằng hình thức điểm số và nhận xét, còn môn Âm nhạc, Mĩ thuật thực hiện hình bằng đánh giá (Đạt; Chưa đạt) và nhận xét.

Nhưng, kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ), Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 1496/BGDĐT hướng dẫn như sau: “Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá”.

Như vậy, khi xây dựng đề kiểm tra định kỳ bắt buộc phải gộp chung nội dung kiến thức của nhiều phân môn khác nhau mà theo cách hướng dẫn hiện hành thì hình thức đánh giá của các phân môn khác nhau. Phân môn thì cho điểm, phân môn thì nhận xét sao ra kết quả chung được?

Số bài kiểm tra Nội dung giáo dục địa phương lại rất nhiều bởi vì chỉ có 35 tiết học/ năm (học kỳ I có 18 tiết, học kỳ II có 17 tiết) nhưng có 6 phân môn nên mỗi kỳ có 3 bài kiểm tra thường xuyên, 2 bài kiểm tra định kỳ. Thành ra, 35 tiết học mà có tới 10 bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ khác nhau.

Đó là chưa kể nhiều trường trung học phổ thông trên cả nước không tuyển được giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật thì không biết sẽ triển khai Nội dung giáo dục địa phương ra sao?

Áp lực trong việc sắp xếp thời khóa biểu và áp lực cho người dạy

Việc sắp xếp thời khóa biểu những môn học mới mà đặc biệt là Nội dung giáo dục địa phương gặp nhiều khó khăn cho Ban giám hiệu và giáo viên được phân công giảng dạy bởi vì môn học này có nhiều phân môn và được thực hiện cuốn chiếu trong từng học kỳ nên phải sắp xếp dạy xong phân môn này mới có thể sắp xếp dạy phân môn khác.

Chính vì thế, có nhiều thời điểm giáo viên sẽ phải dạy gần gấp đôi định mức giảng dạy vì giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật hay Giáo dục công dân mỗi tuần chỉ có 1 tiết chính khóa/ lớp nên mỗi trường chỉ có 1-2 giáo viên cho môn học này.

Khi triển khai phân môn ở Nội dung giáo dục địa phương thì giáo viên phải dạy song song cả chính khóa, cả bên Nội dung giáo dục địa phương. Như vậy, các thầy cô có thể phải gánh cả 2 vai mấy chục tiết học/tuần.

Việc giáo viên dạy cùng thời điểm với nhiều tiết như vậy khiến cho Ban giám hiệu khó khăn sắp xếp thời khóa biểu mà bản thân giáo viên giảng dạy cũng quá tải khi có nhiều tuần kín lịch dạy cả sáng, chiều.

Khi kiểm tra, vào điểm định kỳ cũng rất mệt mỏi vì phần này thường phân công cho giáo viên dạy phân môn tương ứng với thời điểm kiểm tra sẽ vào điểm, nhận xét nên tạo ra những áp lực rất lớn cho các thầy cô giáo.

Thiết nghĩ, đối với môn Nội dung giáo dục địa phương thì bộ phận chuyên môn của Bộ cần có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để dưới cơ sở thực hiện để môn học này hiệu quả hơn. Chúng tôi cho rằng không nên gộp chung cả 6 phân môn vào một môn học như hiện nay mà cần trả về từng bộ môn như chương trình 2006 sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Nếu vẫn gộp lại như vậy chỉ làm khó khăn cho các nhà trường vì một môn học liên quan đến nhiều giáo viên, nhiều tổ chuyên môn khác nhau nhưng cuối cùng thì phân môn của môn học nào vẫn là giáo viên môn đó dạy nhưng khi kiểm tra định kỳ, vào điểm, nhận xét lại thực hiện chung. Rõ ràng, việc “tích hợp” 6 phân môn vào thành Nội dung giáo dục địa phương đã xuất hiện nhiều rắc rối cần phải gỡ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN