Lương thấp, nhiều áp lực, giáo viên bỏ việc là chuyện bình thường

28/08/2022 06:36
Lê Văn Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tình trạng giáo viên bỏ việc ở một số địa phương và nguyên nhân chủ yếu được nhiều người chỉ ra là do thu nhập quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về tình trạng giáo viên bỏ việc ở một số địa phương và nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp, áp lực nhiều. Tuy nhiên, chúng ta hãy xem đây là chuyện rất bình thường trong nền kinh tế thị trường.

Dù xã hội dành cho đội ngũ nhà giáo nhiều mĩ từ cao quý nhưng suy cho cùng giáo viên cũng chỉ là một nghề nghiệp đơn thuần như bao ngành nghề khác mà thôi.

Các nghề nghiệp luôn có sự cộng hưởng, tác động qua lại với nhau và giáo viên cũng là một viên chức bình thường như bao viên chức khác. Điều này thể hiện rõ trong Luật Viên chức, Luật Lao động hiện hành.

Vì thế, giáo viên này bỏ việc vì chán nghề, vì thấy thu nhập thấp nhưng cũng có nhiều người muốn được công tác lâu dài với nghề, nhiều người vẫn đang đi dạy hợp đồng hàng chục năm trời để mong muốn có cơ hội được ký hợp đồng không xác định thời hạn để yên tâm công tác.

Nhiều sinh viên sư phạm ra trường từ nhiều năm trước vẫn mong muốn được đứng trên bục giảng.

Hàng triệu giáo viên vẫn đang gắn bó với nghề nghiệp mà bản thân đã lựa chọn (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Hàng triệu giáo viên vẫn đang gắn bó với nghề nghiệp mà bản thân đã lựa chọn

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Lương nhà giáo có thấp không?

Vấn đề lương giáo viên thì hàng chục năm qua đã được đưa ra bàn luận nhiều lần. Quốc hội cũng đã từng bàn bạc, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề cập về lương giáo viên. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo cũng đã nhiều lần lên tiếng nhưng lương giáo viên cũng đang khá thấp, nhất là giáo viên có thâm niên dưới 15 năm công tác.

Một giáo viên có trình độ đại học, đi dạy ở một trường công lập hiện nay hưởng lương bậc 1 sẽ có mức lương dao động mỗi tháng khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng bởi vì 5 năm đầu không có phụ cấp thâm niên nhà giáo nên khi giáo viên đang hưởng lương bậc 1 sẽ có hệ số lương 2,34 của lương cơ sở là 1.490.000 đồng, nhân với 30-35% phụ cấp đứng lớp.

Tuy nhiên, tổng lương của giáo viên sẽ bị trừ bắt buộc khoảng trên 10% cho các loại bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) và Công đoàn phí, Đoàn phí, Đảng phí. Ngoài ra, còn có thêm nhiều loại quỹ mà giáo viên phải đóng hàng tháng.

Vì vậy, nhìn chung giáo viên công lập khi đang hưởng lương bậc 1 (4 năm đầu) được nhận hàng tháng khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng. Sau đó, cứ 3 năm mà không bị kỷ luật sẽ được tăng 1 bậc lương, tương ứng hệ số 0,33 - khoảng 500 ngàn đồng cho 1 lần tăng lương.

Chính vì thế, hiện nay những thầy cô giáo có thâm niên 15 năm công tác (lương bậc 5) sẽ có tổng thu nhập hàng tháng, sau khi trừ đi các khoản bảo hiểm, phí bắt buộc là gần 7 triệu đồng. Nhưng, số tiền lương này nhiều khi cũng không được lĩnh trọn vẹn vì giáo viên thường xuyên phải đóng các loại quỹ “tự nguyện” do một số đoàn thể phát động.

Với mức thu nhập như thế này đem so với các ngành nghề kinh doanh, lao động tự do có trình độ tương đương rõ ràng rất thấp nhưng đem so với các công chức, viên chức ngành nghề khác thì lương nhà giáo không thấp hơn vì cùng đang hưởng bảng lương như nhau mà nhà giáo còn có thêm một số loại phụ cấp khác.

Trước tình trạng giáo viên bỏ việc ở một số địa phương và nguyên nhân chủ yếu được nhiều người chỉ ra là do thu nhập hàng tháng quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày - điều này không sai.

Nhưng, ngân sách nhà nước có chừng đó, đội ngũ công chức, viên chức và những người hưởng lương, chế độ từ ngân sách lại quá nhiều.

Đặc biệt, một điều mà ai cũng nhìn thấy là 3 năm nay đất nước đã trải qua những tháng năm khó khăn của dịch bệnh Covid-19 nên mọi kế hoạch về chính sách tiền lương phải hoãn lại, lương cơ sở cũng không thể nào tăng được khiến cho đội ngũ nhà giáo nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung ảnh hưởng khi thu nhập hàng tháng đứng yên.

Vì thế, ai cũng muốn lương ngành mình cao, đủ sống thì ngành khác, người khác sẽ ra sao? Bởi thực tế, tất cả các ngành nghề trong xã hội có ngành nào không quan trọng đâu, ngành nào cũng có một vai trò, vị trí riêng và chắc gì các công chức, viên chức ngành nghề khác ít áp lực hơn ngành Giáo dục.

Hãy xem chuyện giáo viên bỏ nghề là chuyện rất bình thường trong xã hội hiện đại

Ngày 7/8/2022 vừa qua, Báo Thanh niên có bài viết: “Giáo viên hợp đồng khổ vì lương bèo bọt” phản ánh tình trạng những giáo viên hợp đồng ở Nghệ An. Theo thống kê, tỉnh Nghệ An đang có 1.922 giáo viên hợp đồng và ở thời điểm hiện tại chỉ riêng huyện Yên Thành có 415 giáo viên hợp đồng - đây là địa phương có số giáo viên hợp đồng đông nhất của tỉnh Nghệ An.

Trong số này, có những giáo viên đã 51 tuổi. Như vậy, nhiều thầy cô giáo dạy hợp đồng vẫn khát khao được tuyển dụng chính thức vào ngành Giáo dục nên hàng chục năm trời vẫn đang cố níu nghề để làm giáo viên hợp đồng và hưởng những đồng lương bèo bọt mỗi tháng hơn 2 triệu đồng. [1]

Như vậy, chúng ta dễ dàng nhìn thấy cùng một ngành nghề, cùng một công việc như nhau nhưng có người chán nghề, có người vẫn thiết tha để được đứng trên bục giảng và họ đang dành trọn tuổi thanh xuân để đi dạy hợp đồng.

Nếu như một số thầy cô ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số địa phương khác bỏ nghề thì vẫn có rất nhiều người đang nuôi ước mơ “vào biên chế”.

Nhiều thầy cô giáo dạy hợp đồng ở Nghệ An đã trên 40 tuổi, thậm chí có người đến 51 tuổi mà vẫn chưa được các cơ quan chức năng tuyển dụng vào ngành mà họ vẫn có một tình yêu cho nghề để thấy một nghị lực phi thường và một tình yêu mãnh liệt đối với nghề dạy học.

Bởi lẽ, với mức lương 2 triệu đồng trong bối cảnh hiện nay làm sao có thể lo lắng cho bản thân, gia đình? Nhưng, có lẽ vì tình yêu nghề nên nhiều thầy cô giáo hợp đồng hiện nay đang phải làm thêm rất nhiều nghề “tay trái” khác để nuôi dưỡng ước mơ “tay phải” là dạy học.

Chính vì thế, tình trạng giáo viên bỏ nghề ở một số thành phố lớn, những nơi có điều kiện kinh tế phát triển, công việc nhiều là chuyện rất bình thường bởi mỗi người đều có những lựa chọn cho riêng mình và không ai có thể ép buộc được.

Cả nước hiện có trên 1,3 triệu giáo viên ở các cấp học thì tình trạng giáo viên bỏ việc nhỏ lẻ ở một vài địa phương chẳng đáng bao nhiêu. Chúng ta không lo thiếu giáo viên bởi hiện nay còn rất nhiều thầy cô giáo đang dạy hợp đồng, còn rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm và hàng năm được bổ sung thêm hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Hy vọng, một vài năm tới đây, khi mà dịch bệnh đi qua, kinh tế đất nước ổn định trở lại, các chính sách về chế độ tiền lương mới sẽ được thực hiện để “những người ở lại” với ngành, với bục giảng, với học trò sẽ có một tương lai khác, khởi sắc hơn bây giờ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/giao-vien-hop-dong-kho-vi-luong-beo-bot-post1485689.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Văn Minh