Lương không đủ sống, áp lực bủa vây khó níu người giỏi gắn bó nghề giáo

02/09/2022 06:36
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lương không đủ sống, áp lực bủa vây nên học sinh giỏi ít mặn mà với nghề giáo, thầy cô trẻ xin nghỉ việc, giáo viên có thâm niên lại xin về hưu trước tuổi.

Năm học mới sắp bắt đầu, tuy nhiên nhiều địa phương dù đã đăng thông tin tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn không thể tuyển đủ giáo viên.

Hiện nay, việc thiếu giáo viên giảng dạy chủ yếu là các môn Nghệ thuật, Thể dục, Tin học, Tiếng Anh đã và đang làm khó nhiều trường học trong việc điều tiết chuyên môn nhà trường. Nhiều thầy cô giáo dạy quá tải và học sinh cũng bị ảnh hưởng bởi chất lượng giáo dục.

Hiện nhiều trường học trên cả nước đang thiếu giáo viên trầm trọng (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Hiện nhiều trường học trên cả nước đang thiếu giáo viên trầm trọng (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao giáo viên bỏ việc nhiều? Vì sao học sinh giỏi không mặn mà với nghề giáo? Đã có nhiều nguyên nhân chỉ ra, bài viết xin được góp thêm một cách nhìn của người trong cuộc.

Lương thấp và gánh nặng nhiều khoản đóng góp

Một đồng nghiệp của tôi có con gái tốt nghiệp sư phạm tiểu học tâm sự, để xin cho con đi dạy hợp đồng cũng không hề đơn giản nhưng để được nhận vào dạy hợp đồng rồi thì với mức lương khởi điểm cũng chỉ vài triệu đồng.

Có người nói rằng nếu dạy môn Toán, tiếng Anh thì cũng cố. Nhưng dạy những môn Nghệ thuật, môn học cho là phụ thì biết đến bao giờ mới có thu nhập tốt?

Một đồng nghiệp trẻ của tôi đi dạy với mức lương 3.700.000 đồng/tháng. Thế nhưng, số tiền này mới chỉ là trên giấy.

Ngoài những khoản trừ cố định như công đoàn phí, các loại bảo hiểm còn có nhiều khoản trừ trên danh nghĩa tự nguyện như quỹ khuyến học, chữ thập đỏ, quỹ mái ấm, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ chất độc da cam, phụ nữ nghèo, vì trẻ thơ, "sóng và máy tính"...

Có địa phương để giáo viên ủng hộ trên tinh thần tự nguyện nhưng có nơi lại ấn định trừ một ngày lương mỗi loại quỹ. Một năm, tính bình quân ra mỗi tháng giáo viên bị trừ một ngày lương.

Cuối cùng, đồng lương cũng chỉ còn gần 3 triệu đồng/tháng.

Với đồng lương như thế, nếu không làm thêm thì sẽ chẳng bao giờ đủ tiền ăn, tiền nhà trọ nói gì đến chăm lo cho gia đình.

Mà giáo viên có thể làm thêm được gì? Đi dạy cả ngày chắc chắn không thể làm thêm được việc gì khác ngoài việc tổ chức dạy thêm vào buổi tối hoặc tranh thủ bán hàng online lúc rảnh. Đời sống nhà giáo quá khó khăn cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên phải dạy thêm.

Tiền thưởng lễ Tết chỉ gọi là cho có

Có nhiều ngành nghề mức lương trần thua giáo viên nhưng họ lại có các loại tiền thưởng, tiền ngày lễ của ngành và tiền lương tháng 13. Riêng giáo viên, ngày lễ 20/11 không có một đồng tiền thưởng.

Công đoàn nhà trường thường trích quỹ hỗ trợ lại cho các thầy cô nhiều nhất cũng chỉ 200 ngàn đồng. Nói là công đoàn nhưng thực chất là tiền của công đoàn viên đóng góp, giáo viên thường nói vui là “mỡ nó rán nó”.

Dịp Tết trong khi nhiều người hồ hởi khoe được thưởng hàng chục triệu hoặc chí ít cũng năm bảy triệu đồng thì có nơi giáo viên ngậm ngùi nhận bịch hạt dưa hay cân đường, hộp sữa.

Tiền thưởng sau khi đạt các danh hiệu thi đua thì cao nhất (chiến sĩ thi đua…) cũng được hơn triệu đồng nhưng cả trường chỉ khoảng vài người. Số còn lại nhận lao động tiên tiến cũng chỉ có tiền thưởng vài trăm ngàn.

Nhận kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" 20 năm, giáo viên cũng chỉ nhận được số tiền thưởng 200 ngàn đồng. Buồn tủi nhất là làm tiệc tiễn đồng nghiệp về hưu cả trường phải góp tiền trả phần ăn.

Mỗi mùa hè tới, khi các cơ quan, xí nghiệp thưởng cho cán bộ nhân viên những chuyến du lịch hè thì ngành giáo dục muốn đi đâu cũng phải móc hầu bao chi trả. Ai không có tiền thì ở nhà.

Công việc ngập đầu, áp lực bủa vây tứ phía

Chế độ đãi ngộ, lương bổng luôn tỷ lệ nghịch với áp lực công việc. Nhà giáo ngoài cả ngày lên lớp theo quy định thì còn phải xử lý nhiều công việc không tên khác chiếm rất nhiều thời gian, sức lực như hồ sơ sổ sách, hết lên kế hoạch này lại đến giải pháp kia.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm tải khá nhiều nhưng giáo viên vẫn phải tham gia đủ các hoạt động: dự giờ thao giảng, các hội thi giáo viên giỏi, hội thi phong trào. Đến hội thi của học sinh nhưng lại áp lực thành tích lại đổ lên giáo viên.

Chương trình mới, phương pháp dạy học mới, mô hình trường học mới kéo theo tập huấn, làm bài thu hoạch. Rồi học hết chứng chỉ này đến chứng chỉ kia, tiền bỏ ra đến vài chục triệu đồng cũng chưa xong.

Giáo viên bị tước quyền cho học sinh lưu ban, bị cột chỉ tiêu cao ngất ngưởng dẫn đến áp lực trong việc giảng dạy. Nhà giáo chẳng khác gì người làm dâu trăm họ nên sơ sẩy một chút là bị lên án bởi dư luận hoặc bị cho thôi việc ngay.

Có thầy cô trong cơn nóng giận mắng trò hoặc đánh vào mông học trò nghịch ngợm cũng bị phụ huynh phản ứng, làm đơn kiện.

Khi mọi chuyện bị công khai, người thầy trở nên cô độc nhất vì ngay lãnh đạo trường cũng chiều theo dư luận để kỷ luật.

Lương không đủ sống, áp lực bủa vây nên học sinh giỏi ít mặn mà với nghề giáo, thầy cô trẻ xin nghỉ việc, giáo viên có thâm niên lại xin về hưu trước tuổi. Nếu ngành giáo dục không có những giải pháp hữu hiệu nhất thì e rằng khan hiếm nguồn nhân lực giáo dục sẽ đến mức báo động.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa