Thiếu giáo viên, sĩ số đông vẫn là 2 thách thức lớn với giáo dục Thủ đô

04/09/2022 06:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để giải “bài toán” thiếu giáo viên, nhiều trường học tại Hà Nội phải tận dụng giáo viên đã nghỉ hưu và hợp đồng thêm với sinh viên mới tốt nghiệp.

“Nỗi lo” thiếu giáo viên, sĩ số đông

Chỉ còn vài ngày nữa, năm học mới 2022-2023 sẽ chính thức bắt đầu. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị khai giảng và triển khai năm học mới tại các địa phương đã sẵn sàng, song còn một “nỗi lo” chung về đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tại Hà Nội, nhiều trường học vẫn đứng trước thách thức sĩ số và thiếu giáo viên trước thềm năm học mới.

Tại Trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Đông, Hà Nội), sĩ số các lớp chủ yếu là khoảng hơn 40 học sinh/lớp, song do điều kiện giáo viên, không đủ đáp ứng nên học sinh khối lớp 1 phải gom lớp, dẫn đến sĩ số hơn 50 học sinh/lớp.

Cô Vũ Kim Loan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết thông tin: “Sĩ số các khối lớp hầu hết là hơn 40 học sinh, riêng khối lớp 5, do lịch sử để lại khi tách trường, phải dồn lớp dẫn đến có lớp sĩ số đông nhất lên đến 60 học sinh.

“Nỗi lo” chung của các trường Tiểu học tại Hà Nội là thiếu giáo viên, sĩ số đông. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

“Nỗi lo” chung của các trường Tiểu học tại Hà Nội là thiếu giáo viên, sĩ số đông. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Năm nay, trường có tổng số 313 học sinh lớp 1, chia 6 lớp, sĩ số khoảng 52 học sinh/lớp. Năm học 2021-2022, số học sinh lớp 1 cũng tương đương, nhưng được chia 7 lớp nên sĩ số ít hơn. Năm học này, một phần do hết phòng học, và một phần do đội ngũ giáo viên, định biên thì đã đủ, song lại có giáo viên nghỉ chế độ, nên tạm thời không thể đáp ứng. Dự định, sang năm, khi các cô đã quay trở lại làm việc, thì nhà trường sẽ tách lớp để đảm bảo sĩ số dưới 50 học sinh/lớp”.

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Năm học 2022-2023, toàn trường có tổng số 47 cán bộ, giáo viên, với 1.052 học sinh, chia 25 lớp. Sĩ số hơn 40 học sinh/lớp, nhưng nhà trường vẫn đang phấn đấu giảm sĩ số trong các năm học tới.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện tại, biên chế đáp ứng đủ theo định biên của Ủy ban nhân dân quận. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu 2 giáo viên Ngoại ngữ”.

Cũng đứng trước “bài toán” thiếu giáo viên, cô Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Năm học 2022-2023, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và phòng học chức năng.

Đội ngũ giáo viên của nhà trường cơ bản đáp ứng tốt với chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, cũng giống như tình trạng chung hiện nay trong các nhà trường trên cả nước, vẫn còn thiếu giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ theo định mức chương trình giáo dục phổ thông, Trường Tiểu học Kim Đồng, hiện đang thiếu cả giáo viên Tin học và Ngoại ngữ.

Cô Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh: Ngân Chi).

Cô Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh: Ngân Chi).

Để đáp ứng nhu cầu người học, trước mắt, nhà trường chủ động sử dụng giáo viên hợp đồng, rồi sẽ bổ sung đội ngũ này sau”.

Tận dụng giáo viên đã nghỉ hưu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Năm học 2022-2023, quận Hà Đông có 137 trường với 113.000 học sinh. Toàn quận có gần 3.800 giáo viên, nếu so với nhu cầu, phòng Giáo dục và Đào tạo hiện thiếu hơn 700 giáo viên và hơn 100 nhân viên. Riêng đối với bộ môn Tin học và Ngoại ngữ, Hà Đông đang thiếu 60 giáo viên.

Đây cũng là một khó khăn rất lớn, đặc biệt, đến thời điểm này, giáo viên Tin học, Ngoại ngữ vẫn đang theo định biên cũ, trong khi năm nay, môn Tin học trong chương trình lớp 3 đã là môn bắt buộc. Chúng tôi chưa được bổ sung định biên.

Cô Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông. (Ảnh: Ngân Chi).

Cô Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông. (Ảnh: Ngân Chi).

Trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi cũng phải tận dụng toàn bộ các nguồn giáo viên về hưu cũng như giáo viên mới ra trường ký hợp đồng với các nhà trường.

Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên trong suốt khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 về chương trình sách giáo khoa mới đối với lớp 3 và lớp 7.

Đặc biệt đối với những giáo viên dạy liên môn cho khối 6, khối 7, chúng tôi cũng đã đưa gần 200 giáo viên đi đào tạo để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời, vào năm học, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các chuyên đề, bồi dưỡng, thảo luận về những vướng mắc trong giảng dạy, mời các chuyên gia để hội ý và kịp thời tháo gỡ”.

“Về cơ sở vật chất, hiện tại, còn có một vài trường do có số học sinh quá lớn, phải sửa chữa phòng học và xây thêm đơn nguyên để đáp ứng. Sĩ số chủ yếu khoảng 45-50 học sinh/lớp. Năm nay, có riêng Trường Tiểu học Kiến Hưng, hiện đang sửa chữa phòng học, phải cho học sinh sang học nhờ một học kỳ tại trường trung học cơ sở gần đó.

Tuy nhiên, cũng có những khu vực không còn đất để xây thêm đơn nguyên, chính vì vậy, quận Hà Đông cũng đang hướng đến mở rộng ở những vùng còn quỹ đất, có thể tách tuyến để điều chỉnh sĩ số học sinh ở mức tốt nhất”, cô Phạm Thị Lệ Hằng thông tin thêm.

Công tác chuẩn bị khai giảng và triển khai năm học mới tại các nhà trường đã sẵn sàng. (Ảnh: Ngân Chi).

Công tác chuẩn bị khai giảng và triển khai năm học mới tại các nhà trường đã sẵn sàng. (Ảnh: Ngân Chi).

Đối với trang bị sách giáo khoa, vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cũng cho biết: “Vừa qua, ngành giáo dục quận Hà Đông đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mỗi nhà trường đều chuẩn bị những bộ sách dùng chung cho các em học sinh chưa đủ điều kiện mua, đồng thời, vận động, tuyên truyền nhà trường, phụ huynh tặng sách cho học sinh khó khăn. Phụ huynh nào còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, mua sách giáo khoa thì đăng ký với nhà trường để kịp thời cung ứng”.

“Tôi tin rằng, với những khó khăn như trong năm học trước, chúng ta đã vượt qua, thì năm học này, sẽ có một năm học thành công và tự tin, có thể vượt qua mọi khó khăn, thách thức”, cô Phạm Thị Lệ Hằng nhấn mạnh.

Sẵn sàng khai giảng, đón năm học mới

Về công tác chuẩn bị khai giảng, cô Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Để chuẩn bị cho lễ khai giảng ngày 5/9, nhà trường cho học sinh tập trung sớm, làm quen nền nếp, đồng thời, tổ chức lồng ghép nội dung ôn tập Hè cho học sinh.

Năm học trước, các nhà trường tổ chức khai giảng trực tuyến, rất thương các con, mà lại thương nhất là học sinh lớp 1 không được đón cũng không biết mặt cô giáo, bạn bè. Vì vậy, năm nay, cả phụ huynh lẫn học sinh đều tham gia tích cực, cán bộ giáo viên cũng hào hứng tham gia tập huấn và chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Ngân Chi