Đề Ngữ văn không sử dụng văn bản trong sách giáo khoa bắt buộc ở những lớp nào?

08/09/2022 06:48
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc chỉ dừng lại ở các lớp thực hiện chương trình mới tránh được những xáo trộn lớn trong giảng dạy, học tập, cũng như kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn hiện nay.

Ngày 21/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông đã nhận được sự quan tâm đặc biệt dư luận xã hội mà đặc biệt là những thầy cô đang dạy môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Bởi lẽ, trong Công văn này, Bộ đã hướng dẫn: “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn” nên đa phần mọi người nghĩ rằng hướng dẫn này là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các khối lớp.

Tuy nhiên, ngày 22/8/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 đã có những giới hạn cụ thể, rõ ràng.

Theo đó, Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GDĐT đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12”.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Phạm Linh

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Phạm Linh

Đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong năm học 2022-2023 theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH chỉ thực hiện ở lớp 6, lớp 7 và lớp 10

Từ lâu, môn Ngữ văn luôn có một vai trò đặc biệt quan trọng ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông nên môn học này luôn có số tiết/ tuần nhiều nhất và đang là môn học duy nhất áp dụng hình thức kiểm tra, thi tự luận trong những năm học vừa qua.

Tuy nhiên, thực tế môn học này cũng đã và đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi một bộ phận học sinh ngày càng quay lưng vì cách dạy xơ cứng, áp đặt của một bộ phận thầy cô giáo và dẫn đến hiện tượng học sinh ngày càng sử dụng văn mẫu nhiều hơn vì quanh đi, quẩn lại cũng chỉ khai thác, cảm thụ chừng ấy tác phẩm đã có sẵn trong sách giáo khoa.

Vì vậy, trước thềm năm học 2022-2023, Bộ đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy và học Ngữ văn trong những năm qua.

Trong đó, Bộ đã hướng dẫn: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh”.

Từ những chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, đội ngũ thầy cô giáo dạy học môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông vẫn đinh ninh là nội dung Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH sẽ áp dụng cho tất cả các lớp kể từ năm học 2022-2023.

Thế nhưng, ngày 22/8/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH thì phạm vi thay đổi trong kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở năm học 2022-2023 chỉ dừng lại ở các lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Cụ thể, Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GDĐT đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12”.

Như vậy, năm học 2022-2023 này, những lớp đang thực hiện chương trình mới (lớp 6, lớp 7 và lớp 10) sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH và các lớp còn lại thì Bộ khuyến khích chứ không bắt buộc.

Hiểu một cách giản đơn, khi giáo viên ra đề kiểm tra môn Ngữ văn ở các lớp thực hiện chương trình mới thì yêu cầu bắt buộc là không được dùng các văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu để xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Đối với những lớp còn lại (lớp 8, 9, 11 và lớp 12) chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH nên sẽ không có những xáo trộn lớn.

Chỉ áp dụng việc thay đổi đối với những lớp thực hiện chương trình mới là phù hợp

Theo lộ trình thực hiện, đến năm học 2022-2023 này, ngành Giáo dục đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được 3 khối lớp (lớp 6, lớp 7 và lớp 10) và điều mọi người dễ dàng nhìn thấy là mục tiêu của chương trình 2018 khác xa so với chương trình 2006 đang thực hiện lâu nay.

Chương trình 2018 là chương trình mở, có 2 giai đoạn giáo dục khác nhau, đó là giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục nghề nghiệp. Hơn nữa, chương trình 2006 chủ trương “một chương trình một bộ sách giáo khoa” nhưng chương trình 2018 là “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”.

Một khi thực hiện chương trình mở cũng đồng thời sẽ kiểm tra mở bởi việc đánh giá kết quả học tập của học sinh là một hoạt động rất quan trọng trong quá trình giảng dạy và học tập. Vì thế, Bộ có chủ trương chỉ áp dụng việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đối với các lớp thực hiện chương trình 2018 là một chủ trương hợp lý.

Việc chỉ áp dụng đổi mới ở các lớp thực hiện chương trình mới tránh được những xáo trộn lớn trong giảng dạy, học tập, cũng như kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn đối với các lớp đang còn thực hiện chương trình 2006 vì học sinh đang quen với cấu trúc, hình thức kiểm tra lâu nay.

Đồng thời, việc giới hạn này cũng giúp cho đội ngũ nhà giáo bớt đi những áp lực khi cùng một lúc phải thực hiện nhiều thay đổi của ngành.

Hơn nữa, nếu áp dụng cho tất cả các khối lớp sẽ rất khiên cưỡng khi dạy chương trình cũ, phương pháp cũ mà lại kiểm tra, đánh giá theo cách thức mới.

Làm như vậy, học trò sẽ gặp áp lực, nhất là những học sinh cuối cấp đã học chương trình 2006 nhiều năm, các em chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ rất cập rập.

Đồng thời, việc này cũng tạo ra những khó khăn cho giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN