Thanh tra của chúng ta là thanh tra nội bộ, vậy có nể nang, ngại va chạm không?

10/09/2022 06:28
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Lý tưởng nhất là Thanh tra phải độc lập như một bác sĩ khám chữa bệnh, chứ đừng vì cái này là của mầm non, cái này là của tiểu học mà không nói được.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại hội nghị “Tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm học 2022-2023 khối sở Giáo dục và Đào tạo” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng ngày 9/9.

Thanh tra phải như bác sĩ đang khám cho bệnh nhân

Phát biểu tại hội nghị,Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những kết quả đạt được của lực lượng thanh tra ngành giáo dục thời gian qua dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, mô hình lý tưởng nhất là thanh tra được độc lập như bác sĩ khám chữa bệnh. Ảnh: AN

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, mô hình lý tưởng nhất là thanh tra được độc lập như bác sĩ khám chữa bệnh. Ảnh: AN

Tuy nhiên, ông Thưởng đề nghị các thanh tra sở Giáo dục và Đào tạo nêu lên những khó khăn, vướng mắc khi triển khai công tác thanh tra tại địa phương là gì? Từ đó có những giải pháp, kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi, điều chỉnh.

“Đây là hội nghị của những người làm công tác thanh tra mà những người làm thanh tra là độc lập, khách quan, trung thực, nghĩ thật – nói thật. Mong muốn của cá nhân tôi là ngoài nội dung đã tham luận thì các đồng chí phát biểu thêm những khó khăn, vướng mắc nhất ở cơ sở là gì?

Điều chúng ta mong muốn không phải chỉ là số lượng có bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra hàng năm, nhiều cuộc hay ít cuộc. Cái cần rút ra là sau mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra đó thì chúng ta rút ra bài học gì?

Cái gì giúp cho người lãnh đạo quản lý, cái gì giúp cho thanh tra, cái gì giúp cho cơ sở giáo dục, giúp cho đối tượng thanh tra thì đấy là những ý kiến quan trọng”.

Thứ trưởng Thưởng cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác phối hợp khi đối tượng của thanh tra là Sở Giáo dục các địa phương. Ở đó, cũng có các phòng chuyên môn, nghiệp vụ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước nhiều bậc học.

“Vậy trong quá trình thanh tra, các phòng chuyên môn đó có chuyển thông tin, các nội dung cần để ý để thanh tra, kiểm tra hay không?

Hay có khi lại ngại vì những vấn đề bất cập, quản lý chưa tốt của mầm non, tiểu học mà nói với thanh tra để phát hiện, rồi khi phát hiện thì hình thức xử lý sẽ ra sao?

Trong quản lý có khi là một Phó Giám đốc hay có thể là Giám đốc phụ trách công tác thanh tra. Nhưng Phó Giám đốc khác lại phụ trách mầm non, tiểu học thì mối quan hệ và tổ chức công tác như thế nào?

Đương nhiên, một mô hình lý tưởng nhất là Thanh tra phải độc lập, phải được như một bác sĩ khám chữa bệnh. Chứ đừng vì cái này là của mầm non, cái này là của tiểu học mà chúng ta không nói được. Bởi vì, thực tế là xảy ra như vậy và chúng ta cần phải có giải pháp gì?”.

Thứ trưởng Thưởng cũng thừa nhận đội ngũ Thanh tra các Sở Giáo dục hiện nay chủ yếu là đội ngũ giáo viên chuyển sang. Trong khi đó, các chuyên đề thanh tra, kiểm tra không chỉ có chuyên môn mà còn có nhiều vấn đề khác như: tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất…

Mà nền tảng nhất là thanh tra phải tăng cường am hiểu pháp luật, trong khi pháp luật của chúng ta là một hệ thống đồ sộ thậm chí là chồng chéo, vậy nâng cao năng lực và xử lý mâu thuẫn đó như thế nào?

“Thanh tra của chúng ta là thanh tra chuyên ngành, thanh tra nội bộ thì những chuyện nể nang, né tránh, ngại va chạm có hay không? Giải quyết ra sao?

Có những nội dung Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra phát hiện ra vấn đề nổi cộm cần thanh tra, đề xuất lên lãnh đạo thì Phó Giám đốc phụ trách có đồng ý với nội dung thanh tra không hay là lĩnh vực đấy trước đây mình đang chỉ đạo, đã chỉ đạo nên là thôi. Hoặc Giám đốc có đồng ý để anh em "tự khám, chữa bệnh" hay không?”.

Từ những phân tích nói trên, Thứ trưởng Thưởng cho rằng: “Chúng ta giải quyết tốt những mâu thuẫn như vậy thì vai trò, vị trí của lực lượng thanh tra ngày càng lớn, càng ý nghĩa.

Ai cũng hiểu được chức năng của thanh tra là giúp cho lãnh đạo thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành. Không kiểm tra, không thanh tra là buông lỏng chức năng quản lý.

Để thực hiện đúng như vậy thì phải đổi mới dứt điểm, đổi mới ngay trong đội ngũ thanh tra và đổi mới trong những người phụ trách và chỉ đạo công tác thanh tra”.

Công tác thanh tra còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong năm học 2021-2022, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 807 cuộc thanh tra và 375 cuộc kiểm tra. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, hoạt động dạy thêm, học thêm, thu chi tài chính…

“Năm học này, có 17 Sở tổ chức 40 cuộc thanh tra đột xuất (giảm 58 cuộc so với năm học 2020-2021) và tổ chức 199 cuộc kiểm tra đột xuất. Nội dung thanh tra, kiểm tra đột xuất tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc qua đơn thư, báo chí phản ánh hoặc theo yêu cầu quản lý”.

Về công tác thanh, kiểm tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, ông Cường cho hay, Bộ đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 với một số điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế được các địa phương và các cơ sở giáo dục Đại học phối hợp, đánh giá cao.

“Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các Đoàn đã kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị khắc phục các thiếu sót trong việc chuẩn bị hồ sơ thí sinh, cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị cho kỳ thi, công tác coi thi, chấm thi góp phần bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc và đúng quy chế”, ông Cường nói.

Tại hội nghị, ông Cường cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra đó là có đến 34/63 sở giáo dục chưa bố trí đủ 5 công chức làm công tác thanh tra Sở theo quy định của Chính phủ.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của một số Sở Giáo dục và Đào tạo chưa tập trung đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn những vấn đề bức xúc trong dư luận mà xã hội quan tâm.

Chưa tập trung thanh tra, kiểm tra liên kết đào tạo, chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra năm học khi có dịch Covid-19.

Trong năm học 2021-2022, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có dịch bệnh phức tạp nên một số Sở Giáo dục chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề trách nhiệm của các đơn vị quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn sách giáo khoa và quy trình lựa chọn sách giáo khoa.

Một số nội dung kết luận thanh tra chưa nêu rõ được hạn chế, thiếu sót, sai phạm của đối tượng và nguyên nhân. Kiến nghị còn có nội dung chưa phù hợp, chưa khả thi, khó khăn trong việc thực hiện và theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra.

Một số Sở Giáo dục chưa kịp thời xử lý, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm sai phạm đối với các vụ việc báo chí đã phản ánh về một số nội dung như: dạy thêm, học thêm trái quy đinh, thu chi tài chính, bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo… Còn 25 Sở giáo dục chưa thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, xử lý sau thanh tra theo quy định.

Trong năm học mới, ông Cường cho biết, sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin phản ánh của dư luận, phương tiện thông tin đại chúng về các tiêu cực, sai phạm trong giáo dục và đào tạo. Kịp thời tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý sai phạm nếu có theo quy định.

“Thanh tra sẽ tập trung vào việc thanh, kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trong đó tập trung vào việc chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, biên soạn phát hành, mua và sử dụng sách giáo khoa, các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Ngoài ra, còn thanh, kiểm tra việc dạy thêm học thêm, thu chi đầu năm học, tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa giáo dục, các khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh…”, ông Cường cho hay.

AN NGUYÊN