Giáo viên dạy Hoạt động trải nghiệm, mỗi nơi giảm trừ tiết nghĩa vụ một kiểu

16/09/2022 06:42
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc giảm trừ tiết dạy cho giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa được Bộ Giáo dục hướng dẫn cụ thể.

Vào đầu năm học mới 2022-2023, nhiều giáo viên phản ánh, việc giảm trừ tiết dạy cho giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa được Bộ Giáo dục hướng dẫn cụ thể, mỗi địa phương tính một kiểu.

Có tỉnh chỉ giảm 1 tiết dạy cho giáo viên chủ nhiệm, nhưng cũng có tỉnh giảm đến 2, 3 tiết. Có tỉnh linh hoạt hơn thì ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tạm thời giảm định mức tiết dạy cho giáo viên kiêm nhiệm nội dung này, chờ hướng dẫn chính thức của Bộ Giáo dục.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn, nguồn: Việt Dũng

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn, nguồn: Việt Dũng

Sở Giáo dục Tiền Giang giảm định mức tiết dạy cho giáo viên chủ nhiệm thế nào?

Ngày 27/7/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang ban hành Công văn số 1075/SGDĐT-GDTrH-GDTX gửi Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố Mỹ Tho; Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông trực thuộc về việc hướng dẫn phân công giảng dạy nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và giảm định mức tiết dạy cho giáo viên chủ nhiệm bậc trung học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, căn cứ Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 26/3/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông;

Trong khi chờ chỉ đạo của Bộ Giáo dục, tiếp theo Công văn số 1385/SGDĐTGDTrH-GDTX ngày 31/8/2021, Sở Giáo dục hướng dẫn phân công giảng dạy nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và giảm định mức tiết dạy cho giáo viên chủ nhiệm bậc trung học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023 như sau:

Công văn hướng dẫn giảm trừ nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. (Ảnh: Ánh Dương)

Công văn hướng dẫn giảm trừ nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. (Ảnh: Ánh Dương)

a) Một (01) tiết tổ chức sinh hoạt dưới cờ: Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ nhiệm các lớp xây dựng kế hoạch để lồng ghép một số nội dung phù hợp vào tiết sinh hoạt dưới cờ chung của toàn trường.

b) Một (01) tiết tổ chức sinh hoạt lớp: Phân công cho giáo viên chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm lớp phải xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt lớp theo đúng như sách giáo khoa, sách giáo viên đã hướng dẫn và phù hợp với thực tế của lớp, của trường.

c) Một (01) tiết tổ chức Hoạt động giáo dục theo chủ đề: Tùy tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường và khả năng của giáo viên, Hiệu trưởng phân công cho phù hợp và hiệu quả. Giáo viên được phân công giảng dạy nội dung này phải soạn kế hoạch (giáo án) tổ chức Hoạt động giáo dục theo các chủ đề như những môn học khác.

Như vậy, số tiết/tuần của giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tạm tính như sau:

Tính 4 tiết, bao gồm điểm a, b nêu trên và thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên có liên quan đến công tác chủ nhiệm theo quy định của Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020.

Tính 5 tiết, bao gồm điểm a, b, c nêu trên và thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên có liên quan đến công tác chủ nhiệm theo quy định của Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang lưu ý rằng, đây là hướng dẫn tạm thời việc phân công giảng dạy nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và giảm định mức tiết dạy cho giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023.

Khi có chỉ đạo của Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục sẽ hướng dẫn chính thức, nếu có khác biệt thì các trường căn cứ hướng dẫn chính thức để điều chỉnh theo đúng quy định.

Hình thức/cách thức thực hiện Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Tài liệu tập huấn chuyên môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông hướng dẫn hình thức, cách thức thực hiện nội dung này như sau:

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được xem như môn học, nên phải thực hiện đầy đủ như 1 môn học (kế hoạch tổ bộ môn; phân phối chương trình; kế hoạch giảng dạy; ghi học bạ như Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông).

Thành lập tổ bộ môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, phải có tổ trường chuyên môn chịu trách nhiệm về chuyên môn (về các quy định quy đổi tiết thực hiện chức năng nhiệm vụ tương tự như tổ trường chuyên môn bình thường).

Có 105 tiết/35 tuần/năm học (trong đó 94 tiết dạy, 11 tiết kiểm tra đánh giá). Học kì 1: 18 tuần; học kì 2: 17 tuần.

Phân công giáo viên chủ nhiệm: 4 tiết; nếu có phân công Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thêm: tính 3 tiết độc lập.

Đối với giáo viên khác (không chủ nhiệm), được giao bao nhiêu lớp thì số tiết sẽ là tổng số lớp nhân 3. Nếu chia 3 tiết cho nhiều đối tượng thì cần lập kế hoạch phân phối chương trình cụ thể chi tiết số tiết, phân công cho ai dạy; cần đảm bảo tổng số tiết của giáo viên/tuần và tổng số tiết cho Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là 105 tiết/năm.

Lập kế hoạch cụ thể cho năm học (kế hoạch phân phối chương trình) và ghi rõ ai là người phụ trách chính để ghi học bạ.

Lưu ý: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm (nếu có thể hiện trên thời khóa biểu): không dùng để tính tiết riêng thêm cho giáo viên chủ nhiệm, chỉ dùng để thực hiện triển khai các hoạt động, nhiệm vụ,… của nhà trường (tính trong 4 tiết).

Nếu có lồng ghép nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vào tiết sinh hoạt dưới cờ, thì cần lập kế hoạch, quy định rõ tiết quy đổi cho người được phân công.

Giáo viên chủ nhiệm: phân công thực hiện cụ thể cho tiết này sinh hoạt dưới cờ (giáo viên chủ nhiệm tổ chức chuẩn bị, thực hiện,…) mỗi người được 1 tiết. Nếu phân công cho ban giám hiệu: xây dựng kế hoạch thì ghi cụ thể số tiết (1-2 tiết).

Điều phối tiết cho phù hợp và được cân đối cho 2 học kỳ, khi nào đủ tiết cả năm/giáo viên mới tính phụ trội (không lấy buổi 2 bù tiết chính khóa). Cả tổ đủ tiết mới tính phụ trội, tổ có người thiếu tiết thì cả tổ không được tính phụ trội.

Kiểm tra định kỳ, cuối kỳ: chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Qua bài viết này, mong Bộ Giáo dục sớm có văn bản hướng dẫn giảm định mức tiết dạy cho giáo viên chủ nhiệm bậc trung học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ánh Dương