Đoàn giám sát cần làm rõ sao vào năm học mới mà HS phải học "chay" vì thiếu SGK

16/09/2022 06:37
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Tôi mong Đoàn giám sát sẽ làm việc thật công tâm để xác định được những khó khăn, đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, SGK".

Cuối tháng 8, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký Nghị quyết 581 về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Là những người gắn bó, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội); Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII và bà Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.

Để triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa, ông Lê Như Tiến mong Đoàn giám sát sẽ làm rõ những nội dung chính sau:

Thứ nhất, nội dung của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực sự chuẩn mực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, phù hợp với từng đối tượng học sinh hay chưa?

Thứ hai, các bộ sách giáo khoa mới được phát hành và sử dụng trong nhà trường có đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?

Thứ ba, giá sách giáo khoa hiện tại đã phù hợp với điều kiện kinh tế, mức thu nhập bình quân của người dân?

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Cũng theo ông Lê Như Tiến, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều ý kiến phản ánh về việc giá sách giáo khoa mới tăng 2-3 lần so với sách giáo khoa cũ; một số sách không cần thiết, học sinh không sử dụng vẫn phải mua khiến dư luận bức xúc.

Đánh giá về mặt tích cực, sách giáo khoa mới có nhiều điểm mới về nội dung, phương pháp và mục tiêu giáo dục, tuy nhiên, các bộ sách giáo khoa mới vẫn còn nhiều “sạn” mà phụ huynh, giáo viên, các chuyên gia giáo dục phát hiện ra. Với nội dung kiến thức sai như vậy, nếu đưa vào giảng dạy sẽ ảnh hưởng lớn tới học sinh.

"Sách giáo khoa tăng giá nhưng chất lượng về mặt nội dung chưa được như mong đợi. Vì sao lại để lọt những hạt "sạn" không đáng có như vậy? Là do hội đồng thẩm định đã thiếu trách nhiệm với công việc của mình hay do đội ngũ biên soạn chưa đủ năng lực dẫn đến những sai sót không đáng có. Tất cả vấn đề này đều rất cần Đoàn giám sát làm rõ và đưa ra kết luận", ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.

Chia sẻ với phóng viên, bà Bùi Thị An nhận định, việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào thời điểm này là rất cần thiết.

Bà Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bà Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là nội dung cốt lõi trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông và đó cũng là một trong những vấn đề quan trọng của ngành giáo dục, được dư luận quan tâm. Thế nhưng, việc thực hiện và triển khai trong thời gian qua đang cho thấy nhiều điểm chưa hợp lý, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

"Chính vì vậy, tôi mong Đoàn giám sát sẽ làm việc thật công tâm và minh bạch để xác định được những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa và mang lại những kết quả tích cực", Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội nói.

Bà An cho rằng, nội dung mà Đoàn giám sát cần làm rõ nhất đó chính là nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình được xây dựng theo hướng hiện đại, tinh gọn nhưng đã thực sự phù hợp với học sinh Việt Nam, văn hóa của người Việt hay chưa?

Bên cạnh đó, bà An cũng mong muốn Đoàn giám sát lưu tâm những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, đặc biệt là tình trạng cứ đến khai giảng năm học mới, phụ huynh lại phải "đỏ mắt" tìm mua đủ bộ sách giáo khoa cho con, và dù đã bước vào năm học mới nhưng tại rất nhiều địa phương, học sinh phải học "chay" vì thiếu sách giáo khoa.

Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo tình hình sau khai giảng của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện thành phố vẫn còn 7.053 học sinh các cấp thiếu sách giáo khoa chương trình mới.

"Cuối cùng, tôi hy vọng kết luận của chuyên đề giám sát lần này sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau giám sát, các đơn vị có liên quan cũng cần thiết lập cơ chế theo dõi, đánh giá hậu giám sát. Các địa phương, đối tượng được giám sát phải có báo cáo kết quả đã thực hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế một cách cụ thể, rõ ràng", bà An nhấn mạnh.

Kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ được đoàn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và gửi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Hoài Ân