Một môn tích hợp nhiều GV dạy, kiểm tra đánh giá khó tránh bất đồng quan điểm

27/09/2022 06:44
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo thầy Phan Đình Kiên: Việc giáo viên chưa “mặn mà” với việc học thêm chứng chỉ tích hợp là do họ chưa bố trí được kinh phí và thời gian.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa 2 môn học tích hợp vào giảng dạy ở lớp 6 trong năm học 2021-2022 và lớp 7 năm học 2022-2023, những năm học tiếp theo bắt đầu được triển khai cho học sinh lớp 8 và lớp 9.

Cụ thể, môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên; các môn Lịch sử, Địa lý đã được tích hợp thành môn Lịch sử và Địa lý.

Ở nhiều trường trung học cơ sở, không dễ để một giáo viên dạy kiến thức của 2-3 môn học và không phải giáo viên nào cũng có thể ngay lập tức chuyển từ dạy 1 môn sang dạy tích hợp.

Chính vì vậy, thực tế việc dạy và học môn tích hợp đối với lớp 7 năm nay, nhiều trường vẫn triển khai một sách nhưng nhiều giáo viên cùng dạy. Ví dụ như môn Khoa học tự nhiên (các giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học cùng dạy); môn Lịch sử và Địa lý (giáo viên Lịch sử và Địa lý cùng dạy).

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc triển khai môn tích hợp của trường, thầy Nguyễn Minh Lợi, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện tại nhà trường không có giáo viên dạy môn tích hợp riêng, vì vậy, khi đến môn tích hợp các giáo viên bộ môn sẽ cùng đảm nhiệm, tức là 2-3 thầy cô cùng dạy một sách.

“Tổ chức dạy như này gây khó khăn cho trường trong việc sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, là một môn nhưng nhiều thầy cô cùng dạy, cùng chấm bài kiểm tra và đánh giá nên không thể tránh khỏi có những lúc sẽ bất đồng quan điểm”, thầy Lợi nói.

Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du cũng đang vận động giáo viên đi học chứng chỉ tích hợp để thuận tiện hơn trong việc đảm nhiệm trọn bộ môn này. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Minh Lợi cho hay, chưa có giáo viên nào của nhà trường đăng ký đi học, vấn đề được các thầy cô băn khoăn nhiều nhất là về kinh phí và thời gian học. Ngoài ra, nếu tổ chức dạy chứng chỉ tích hợp vào các ngày trong tuần thì chắc chắn đội ngũ giáo viên của trường sẽ bị thiếu, đó cũng là một bất cập mà các trường đang gặp phải.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, thầy Phan Đình Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, thành phố Kon Tum, (tỉnh Kon Tum) chia sẻ, việc tổ chức môn tích hợp của nhà trường là nhiều giáo viên cùng dạy theo kiểu song song, trong phân phối chương trình môn Khoa học tự nhiên, đến tiết của phân môn nào, thầy cô phân môn đó lần lượt vào dạy.

“Chương trình hiện tại mức độ tích hợp chưa nhiều, chính vì vậy dễ tổ chức dạy song song. Đối với môn Khoa học tự nhiên, Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt đã có sẵn giáo viên Hóa - Sinh giờ chỉ cần sắp xếp thêm giáo viên môn Vật lý vào dạy, do đó, trường sắp xếp thời khóa biểu thuận tiện hơn một số trường trung học cơ sở khác”, thầy Kiên nói.

Cũng giống như Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (tỉnh Quảng Trị), dù Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (tỉnh Kon Tum) đã động viên giáo viên đi học chứng chỉ tích hợp tuy nhiên vẫn chưa có giáo viên nào đăng ký. Theo thầy Kiên, việc giáo viên chưa “mặn mà” với việc học thêm chứng chỉ này là do họ chưa bố trí được kinh phí và thời gian. Hầu hết đều là những giáo viên đã có gia đình, con cái nên dù đã tạo điều kiện học cuối tuần nhưng đối với việc đã dạy cả tuần ở trường trung học cơ sở học (có giáo viên dạy cả thứ 7) thì để sắp xếp thời gian đi học chứng chỉ và thời gian cho gia đình của các cô sẽ khá eo hẹp.

Băn khoăn, trăn trở khi trường chưa có giáo viên môn tích hợp riêng, thầy Hoàng Công Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Triệu An, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) bày tỏ sự khó khăn khi tổ chức dạy các môn này.

“Đối với môn tích hợp Khoa học tự nhiên, 3 thầy cô của nhà trường cùng dạy; còn với môn Lịch sử và Địa lý là 2 thầy cô cùng dạy. Hiện tại, nhà trường đang tổ chức dạy nối tiếp. Tôi lấy ví dụ, đối với môn Khoa học tự nhiên, 2 tuần đầu giáo viên Vật lý dạy, 2 tuần sau giáo viên Hóa học dạy, 2 tuần tiếp giáo viên Sinh học dạy, rồi lại quay vòng lại. Việc tổ chức dạy như này gây ra vấn đề là đến tuần được phân công dạy, giáo viên đó sẽ bị “nặng” về số tiết, thậm chí vượt lên 19 tiết/ tuần, trong khi đó 2 giáo viên còn lại lại “nhàn rỗi”. Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá sẽ phức tạp vì chuyên môn ai người đó chấm và đánh giá, khi tổng hợp thành một đầu điểm rất dễ bất đồng.

Cái khó nữa là trong nội dung của môn tích hợp có phần kiến thức tích hợp thì ai sẽ dạy và dạy như thế nào? Vì giáo viên chưa được tập huấn nên không thể dạy “sâu” được.

Sau này, khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai cuốn chiếu lên lớp 8, 9 thì nhà trường không thể dạy nối tiếp như này được mà sẽ phải triển khai dạy song song vì không đủ đội ngũ”, thầy Hoàng Công Anh chia sẻ.

Từ những bất cập trên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Triệu An mong rằng Bộ Giáo dục dục và Đào tạo, đặc biệt là các trường sư phạm nhanh chóng đào tạo giáo viên môn tích hợp, cung ứng đủ cho các trường. Còn trước mắt, các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương cũng phải triển khai rốt ráo và có những chính sách khuyến khích giáo viên đi học thêm chứng chỉ môn tích hợp.

Anh Trang