Môn tích hợp: 2-3 giáo viên dạy cùng 1 sách, mỗi tuần thay thời khóa biểu 1 lần

26/09/2022 09:05
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Ghép các môn đơn thành môn tích hợp nhưng lợi ích chưa thấy trong khi đó lại ghi nhận nhiều bất cập", thầy Lê Vĩnh Hiệp nói.

Đây là năm thứ hai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai với cấp trung học cơ sở. Các môn học tích hợp đang khiến giáo viên và nhà trường gặp khó mọi bề đó là Khoa học tự nhiên (tích hợp ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Lịch sử và Địa lý (tích hợp hai môn Lịch sử, Địa lý). Gọi là môn học tích hợp nhưng kiến thức các phân môn lại tách bạch khá rõ trong cùng một quyển sách.

Năm ngoái, khi triển khai dạy tích hợp ở lớp 6, hiện tượng “ba thầy cùng dạy một sách” hoặc “hai thầy một sách” đã làm khó nhiệm vụ ra đề kiểm tra, chấm thi, vào điểm và nhận xét môn học. Đến năm nay, tình trạng đó vẫn tiếp tục khi triển khai với lớp 7.

Ảnh minh họa: VTV

Ảnh minh họa: VTV

Thầy Lê Vĩnh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (Quảng Trị) cho hay, vì chưa có giáo viên dạy môn tích hợp riêng nên hiện nay với các môn tích hợp, bắt buộc nhà trường phải sắp xếp các thầy cô từng bộ môn cùng dạy, nên xảy ra tình trạng 2-3 giáo viên cùng dạy một sách.

“Năm ngoái khi triển khai dạy tích hợp với lớp 6, nhà trường tổ chức dạy song song, tuy nhiên đến năm nay theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giảng dạy môn tích hợp, nhà trường tổ chức dạy tuyến tính, đến phân môn nào thì giáo viên phân môn đó vào dạy”, thầy Lê Vĩnh Hiệp nói.

Sau một thời gian triển khai dạy tích hợp, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo chia sẻ một số khó khăn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khó khăn trong việc bố trí thời khóa biểu. Dạy học theo kiểu tuyến tính nên mỗi tuần, Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo đều phải thay thời khóa biểu một lần để phù hợp với giáo viên và số tiết dạy.

Thứ hai, với các trường đông lớp tương đương với số tiết tích hợp nhiều. Điều này dễ dẫn tới tình trạng giáo viên phân môn trong bộ môn Khoa học tự nhiên đến tuần dạy sẽ bị “ngộp”, số tiết quá nhiều trong khi giáo viên phân môn còn lại “rảnh rang, thong dong” chờ đợi đến lượt. Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo đang tính đến việc hợp đồng thêm giáo viên để giãn số tiết cho giáo viên của môn tích hợp vì dạy quá nhiều tiết/tuần sẽ không đảm bảo chất lượng.

Thứ ba, hầu hết các trường chưa có giáo viên tích hợp riêng nên sẽ cho các giáo viên đi đào tạo, tập huấn, học thêm chứng chỉ tích hợp. Tuy nhiên, đào tạo chứng chỉ cũng có bất cập, vì sau khi học xong cũng khó đảm bảo về mặt kiến thức khi dạy học sinh.

Thứ tư, một môn học nhưng nhiều giáo viên cùng ra đề kiểm tra, đánh giá và nhiều giáo viên cùng chấm điểm nên sẽ phức tạp, khó nhất ở khâu đánh giá học sinh. Ví dụ, môn Lịch sử và Địa lý có hai giáo viên cùng dạy, tỷ lệ kiểm tra đánh giá về kiến thức là 50-50, có trường hợp học sinh chỉ làm được 100% phân môn Địa hoặc môn Sử chẳng hạn thì học sinh đó vẫn có 5 điểm và vẫn đạt yêu cầu, đây cũng là bất cập trong kiểm tra đánh giá với môn tích hợp.

“Với các môn tích hợp, để thuận lợi và thống nhất khi triển khai, trường đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng giáo viên nhằm tránh rắc rối, chồng chéo.

Chắc chắn, trong tương lai, trường sẽ cho giáo viên đăng ký đi học chứng chỉ tích hợp, tuy nhiên trừ những giáo viên “toàn năng” giỏi đủ các phân môn còn những giáo viên vốn chỉ giỏi một phân môn, hai phân môn còn lại không giỏi lắm thì học xong cũng chỉ có thể dạy những kiến thức cơ bản, không thể dạy chuyên sâu. Thậm chí, sau này khi chương trình mới triển khai với khối 8, 9 thì chắc chắn nhiều giáo viên rất quan ngại vì càng lên kiến thức yêu cầu càng khó", thầy Lê Vĩnh Hiệp bày tỏ.

Từ những khó khăn, bất cập đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo chia sẻ: "Ghép các môn đơn thành môn tích hợp nhưng lợi ích chưa thấy trong khi ghi nhận nhiều bất cập".

Cũng trong tình trạng một môn tích hợp 2-3 giáo viên cùng dạy, thầy Lê Văn Huấn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Triệu Phước (Quảng Trị) cho hay, hiện tại nhà trường đang gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu và phân công giáo viên dạy. Dạy theo kiểu tuyến tính xuất hiện vấn đề, có những tuần, giáo viên phải dạy vượt 19 tiết/tuần. Vì giáo viên phải dạy cả 2 khối 6 và 7 nên đôi khi các tiết học bị chồng chéo khiến giáo viên phải dạy dư tiết.

Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng trị chưa có chủ trương tổ chức lớp bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp nên dự kiến tình trạng này vẫn sẽ kéo dài một khoảng thời gian nữa, do giáo viên chưa có lớp để sắp xếp đi học bồi dưỡng, chưa thể tự đảm nhiệm trọn vẹn một môn tích hợp.

Chia sẻ tâm tư khi là giáo viên được phân dạy một trong các phân môn Khoa học tự nhiên, cô T, giáo viên môn Vật lý của trường trung học cơ sở ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết: một bộ sách nhưng cả 3 giáo viên cùng dạy nên khó khăn trong việc phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu và có những nội dung bắt buộc giáo viên phải tìm hiểu thêm, tổng hợp kiến thức liên môn để dạy.

Bất kỳ một bài kiểm tra nào, từ 15 phút, 1 tiết, kiểm tra học kỳ,..đều phải chia làm 3 nội dung, 3 giáo viên cùng xây dựng, cùng chấm và cùng đánh giá. Tất cả các khâu phức tạp và rất tốn thời gian.

"Thiết kế một bài kiểm tra Khoa học tự nhiên không dễ, tôi dạy chủ đề nào, bao nhiêu tiết thì phải tính toán để quy ra tỷ lệ câu hỏi và điểm số trong bài kiểm tra. Bên cạnh đó, thiết kế câu hỏi trong bài của mỗi phân môn còn đòi hỏi đáp ứng đủ các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đến vận dụng cao. Chính vì vậy, thầy cô phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức", cô T nói.

Chia sẻ quan điểm về việc đi học chứng chỉ tích hợp để đảm nhiệm dạy môn Khoa học tự nhiên, cô T cho rằng: “Tôi được đào tạo 4 năm, ra trường chỉ dạy được một môn. Giờ đi học thêm chứng chỉ trong vài tháng thì không thể đáp ứng được tất cả kiến thức của hai bộ môn Hóa học, Sinh học được. Vì vậy, tôi lo sau khi học chứng chỉ về, được phân công dạy, học sinh hỏi những kiến thức chuyên sâu nhưng tôi không biết thì khó mà dạy tiếp được".

Bản thân cô T đã được nhà trường vận động đăng ký đi học chứng chỉ tích hợp từ năm ngoái, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa được gọi đi học. Cô chia sẻ, mỗi ngày trong lúc chờ được đi học thêm, cô tự mình nghiên cứu sách giáo viên, sách giáo khoa, các tài liệu tập huấn, tìm kiếm thông tin trên mạng, bài giảng mẫu,...về các kiến thức của bộ môn mới.

“Thực tế, có những kiến thức rất khác so với trước kia nên tôi phải đầu tư rất nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu. Ví dụ, bảng tuần hoàn hóa học trước kia đọc các nguyên tố theo phát âm Việt Nam nhưng giờ đọc tên các nguyên tố theo Tiếng Anh, gây khó khăn trong cách đọc và khó nhớ cho chính giáo viên dạy Hóa học chứ chưa kể đến giáo viên "tay ngang" như tôi”, cô T bày tỏ.

Anh Trang