Để tránh lách luật lạm thu, nên sửa Điều lệ Ban đại diện cha mẹ thế nào?

18/10/2022 06:38
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi giáo viên chủ nhiệm không bị áp lực lo tiền nộp về trường cũng sẽ không cần áp định mức nộp cho phụ huynh như hiện nay.

Ngày 30/9 vừa qua, trả lời cử tri huyện Thanh Oai (Hà Nội) về đề nghị xem xét lại quy chế hoạt động của hội cha mẹ học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết:

"Việc này Bộ đang xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Nhưng sửa chữa như thế nào, định hướng ra sao còn cần cân nhắc rất thấu đáo".[1]

Ảnh minh họa: Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Ảnh minh họa: Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Nguyên nhân nào dẫn đến lạm thu ở nhiều trường học?

Thẳng thắn nhìn nhận, nhiều trường học có tình trạng lạm thu bằng việc lợi dụng danh nghĩa tự nguyện trong việc kêu gọi ủng hộ quỹ hội từ phụ huynh học sinh, được quy định trong Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT (Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh).

Theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định tại Thông tư 55, Ban đại diện cha mẹ học sinh có kinh phí hoạt động, mà kinh phí có được từ sự ủng hộ tự nguyện của phụ huynh.

Cụ thể, Điều 10 Thông tư 55 nêu rõ: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho cha mẹ học sinh lớp”.

Nắm rõ điều này, đâu đó đã có hiệu trưởng đã “biến” Ban đại diện cha mẹ học sinh (thay vì bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ huynh) trở thành “cánh tay nối dài” hay “cánh tay đắc lực” cho chính hiệu trưởng trong việc thu chi quỹ hội ở nhà trường.

Trong thực tế, thu tiền phụ huynh bao nhiêu, chi những gì gần như là chủ ý của hiệu trưởng nhà trường. Có điều, người phổ biến mức thu, chi lại là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì thế, hiệu trưởng thường làm việc trước với Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.

Sau khi thống nhất, họ sẽ đưa ra mức thu và áp số tiền phải nộp gọi là tự nguyện. Khi có thắc mắc, phản ánh của phụ huynh hay thanh tra, nhà trường dễ dàng đẩy trách nhiệm qua Ban đại diện là xong.

Vì thế, muốn chấm dứt chuyện lạm thu, điều cần làm nhất hiện nay là cần phải sửa đổi một số quy định trong Thông tư 55 mà theo người viết, đó là những quy định dễ bị “lách” nhất.

Cần sửa đổi Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT thế nào để tránh lạm thu?

Thứ nhất, bỏ điểm b, khoản 1, điều 10, cụ thể:

b) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.

Trong thực tế, nhiều trường học đang thực hiện việc các lớp phải trích phần trăm về quỹ trường hoặc ấn định luôn số tiền phải nộp về hội phụ huynh của trường.

Có nơi buộc phải nộp về 70% số tiền phụ huynh lớp đã ủng hộ, nơi lại quy định nộp về từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/lớp.

Nếu lớp đóng quỹ ít thì số tiền để lại lớp phục vụ học sinh không còn nhiều, không thể đủ chi cho các hoạt động trong năm.

Vì thế, lớp nào cũng cố gắng áp mức đóng góp cao cho phụ huynh cùng đóng góp hoặc nghĩ ra thêm khoản quỹ lớp buộc học sinh đóng thêm. Điều này khiến tình trạng lạm thu tăng cao.

Tiền do phụ huynh của lớp ủng hộ chỉ nên để tại lớp phục vụ cho chính quyền lợi của học sinh mà không phải trích phần trăm nộp lại về trường như hiện nay.

Vì thế, theo người viết, nên bỏ điểm b, khoản 1, điều 10 thay bằng quy định: Tiền hội phí do phụ huynh ủng hộ được để tại lớp để lo cho nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh. Như thế, phụ huynh sẽ được hoàn toàn tự nguyện đóng góp.

Như vậy, tùy vào nhu cầu thực tế của từng lớp để phụ huynh đóng góp quỹ mà không vướng áp lực nào cả. Khi giáo viên chủ nhiệm không bị áp lực lo tiền nộp về trường cũng sẽ không cần áp định mức đóng góp nộp cho phụ huynh.

Thứ hai, bổ sung thêm yêu cầu cho điểm a, khoản b, điều 1 cụm từ "tuyệt đối không được áp định mức đóng góp và cào bằng mức kinh phí ủng hộ".

Có thêm điều này, nhiều trường học chắc chắn sẽ không thực hiện việc đưa ra mức đóng góp buộc phụ huynh phải nộp, bên cạnh đó cũng tạo thuận lợi cho việc thanh, kiểm tra sau này.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-xem-xet-sua-doi-thong-tu-quy-dinh-hoat-dong-cua-hoi-cha-me-hoc-sinh-20220930113146594.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết