Muốn mua SGK cho HS mượn thì trước tiên phải có đủ nhân viên quản lý thư viện

23/10/2022 06:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn mua sách cho học sinh mượn và đưa vào thư viện trường học thì phải có đủ nhân sự quản lý và hướng dẫn học sinh sử dụng.

Vừa qua, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã đề xuất Chính phủ phương án chi 3.500 tỷ đồng mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học, đáp ứng 70% nhu cầu của học sinh.

Lãnh đạo Bộ cho rằng, nếu thực hiện, sẽ giải quyết được những bức xúc về giá sách giáo khoa.

Dù đây là giải pháp rất nhân văn nhưng nhiều chuyên gia đặt ra lo ngại việc làm này chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cần đảm bảo hệ thống thư viện và nhân viên quản lý thư viện

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói rằng, nếu thực hiện chính sách này, khi ngân sách nhà nước chưa được dồi dào, việc phân phối nguồn kinh phí để cấp sách đến từng đối tượng phải được tính toán kỹ. Phải quy định rõ đối tượng nào, khu vực, vùng miền nào sẽ được hỗ trợ, vì có những nơi thuận lợi, gia đình hoàn toàn có khả năng trang trải mua sách giáo khoa cho con em.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: VOV)

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: VOV)

Tuy nhiên, trước thực tế ở nhiều nơi, hệ thống thư viện trường học, nhân viên quản lý thư viện còn thiếu, Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng cần phải sớm quan tâm đầu tư đến vấn đề này.

"Muốn mua sách cho học sinh mượn và đưa vào thư viện trường học thì phải có đủ nhân sự quản lý và hướng dẫn học sinh sử dụng, như vậy chính sách này mới phát huy hiệu quả.

Các địa phương, mỗi trường học phải chủ động về mặt nhân sự để tiếp nhận và quản lý sách. Nếu chúng ta đợi để tuyển những cán bộ được đào tạo bài bản về nghiệp vụ thư viện có thể sẽ không kịp nhưng các trường có thể linh động một số giải pháp, ví dụ như cho giáo viên kiêm nhiệm, tuyển thêm nhân viên để đảm nhận công việc này.

Trong khung biên chế nhà nước, mỗi trường học đều có nhân viên thư viện nên các trường cần chủ động thực hiện",nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ .

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói rằng, việc xây dựng thư viện để có sách cho học sinh nghèo mượn là điều cần thiết phải làm, nhưng quan trọng là cần cách thức triển khai phù hợp.

Nên xây dựng thư viện trường học bằng con đường xã hội hoá sẽ giảm bớt áp lực lên ngân sách nhà nước.

Không nên vội vàng và phải thực hiện các bước tuần tự, quá trình đưa sách giáo khoa vào thư viện trường học cũng phải triển khai từng bước. Nếu vội vàng chi số tiền lớn mà không tính toán kỹ có thể gây ra dư thừa, lãng phí.

Cần những giải pháp sát với thực tiễn

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội) cho biết, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một ý tưởng hay, nhằm giảm “gánh nặng” kinh phí mua sách giáo khoa cho phụ huynh, học sinh, đây là mục đích mang ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp.

Tuy nhiên cũng cần phải xem xét giải pháp này có thực sự khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Trung học phổ thông Đông Đô. (Ảnh: Phạm Minh)

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Trung học phổ thông Đông Đô. (Ảnh: Phạm Minh)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án này để giảm chi phí mua sách giáo khoa cho học sinh thì cần xác định lại gốc của vấn đề, đó là giá sách giáo khoa hiện nay đang ở mức cao, nghĩa là phải giảm giá thành sách giáo khoa xuống mức phù hợp.

Nghị quyết 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ban hành 16/6/2022 đã yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.

Nhà giáo Võ Thế Quân cũng cho rằng, cần đặt vấn đề: liệu việc triển khai phương án chi 3.500 tỷ đồng để mua sách cho học sinh mượn có khả thi trong điều kiện thực tiễn hiện nay?

Mua sách đáp ứng 70% nhu cầu của học sinh và mỗi năm bổ sung 20%, ý tưởng dù hay nhưng chưa thực sự phù hợp.

Lý do đầu tiên là khó cung ứng sách giáo khoa theo đúng nhu cầu học sinh. Hiện nay, mỗi trường học có hàng ngàn học sinh, số lượng đầu sách cho mỗi học sinh cũng rất nhiều. Như theo chương trình giáo dục mới, ở bậc trung học phổ thông có 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; học sinh chọn thêm 4 môn học trong 9 môn lựa chọn.

Hơn nữa có tới ba bộ sách cho các trường lựa chọn, mỗi học sinh lại chọn môn học lựa chọn khác nhau. Bài toán đặt ra là làm sao có thể cung cấp đúng loại sách, đầu sách cho các đối tượng học sinh đa dạng nhu cầu như vậy.

“Chưa kể, từ thời điểm các trường lựa chọn xong sách giáo khoa, học sinh chọn được môn học lựa chọn, trong một khoảng thời gian ngắn, liệu có thể cung ứng đúng và đủ số sách giáo khoa cho học sinh mượn hay không? Đây cũng là một vấn đề vô cùng nan giải.

Ngay đến thời điểm hiện tại, sách giáo khoa theo chương trình mới cho lớp 10 vẫn chưa cung ứng đủ cho các trường. Trường Trung học phổ thông Đông Đô hiện vẫn còn thiếu một số đầu sách.

Cung ứng, phát hành đúng, đủ số lượng sách giáo khoa theo nhu cầu đa dạng của học sinh trong thời gian ngắn là một áp lực quá lớn, khó thực hiện đối với cả hệ thống”, thầy Quân nhận định.

Khó khăn thứ hai là hệ thống thư viện trường học, nhân sự quản lý thư viện hiện nay của chúng ta chưa thể đáp ứng được việc tiếp nhận, quản lý số lượng sách quá lớn.

Quy trình tiếp nhận, quản lý sách ở thư viện rất phức tạp, phải nhập, dán ký hiệu, nhãn sách, đóng dấu thư viện. Đưa hàng chục ngàn cuốn sách vào thư viện quản lý rất khó khăn. Trong khi ở nhiều ngôi trường, phòng học còn thiếu, chưa có nhân viên thư viện, chưa thể bố trí được không gian để lưu trữ và quản lý sách với số lượng lớn.

Nếu chúng ta vội vàng, không tính toán kỹ, chi số tiền lớn mua sách thì có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập khác.

Thứ ba là khó khăn từ rào cản trong tâm lý học sinh. Ở Việt Nam, tạo được không gian học tập trong thư viện cấp phổ thông là không dễ và học sinh cũng chưa quen với việc này.

Còn nếu để học sinh mượn sách về nhà, sau một năm sách cũ đi, tâm lý học sinh sẽ không hứng thú học tập với sách cũ.

Nhiều học sinh cũng muốn sở hữu bộ sách của riêng mình để chủ động học tập và ôn tập lại kiến thức. Ví dụ những môn học thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, các em muốn có bộ sách hoàn chỉnh trong 3 năm trung học phổ thông để ôn tập kỹ càng.

“Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên áp dụng các giải pháp khả thi và thực tế hơn. Bên cạnh việc đưa sách giáo khoa vào mặt hàng Nhà nước định giá thì cần cung cấp sách, tặng sách cho các em học sinh nghèo, gia đình khó khăn hoặc học sinh vùng sâu vùng xa – những đối tượng đang khó tiếp cận với sách giáo khoa.

Việc này hiện nay chúng ta vẫn đang thực hiện, các nhà xuất bản, công ty sách, các sở giáo dục, các trường học đều có thể chủ động triển khai các chương trình tặng sách cho học sinh nghèo.

Với cách làm này, chúng ta giảm được “gánh nặng” ngân sách nhà nước, lại hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu nhân văn đã đặt ra. Đây là cách làm thực tế nhất, phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

Về lâu dài, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, để hành trình đổi mới đi tới thành công, chúng ta phải tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi, quan trọng và cấp bách nhất của ngành giáo dục, đó là xây dựng trường lớp và tăng lương để đảm bảo đời sống cho giáo viên”, Tiến sĩ Võ Thế Quân khẳng định.

Phạm Minh