Cử tri rất quan tâm đến giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

20/10/2022 06:20
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 19/10, tại thành phố Bắc Ninh đã diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ tư Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp toàn thể.

Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết tại phiên họp, Ủy ban xem xét, thảo luận, cho ý kiến về các nội dung quan trọng gồm Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và dự kiến công tác năm 2023 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Báo cáo tham gia thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023 trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc Phiên họp toàn thể của Ủy ban. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc Phiên họp toàn thể của Ủy ban. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Ngoài ra, Ủy ban cũng xem xét báo cáo kết quả giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về một số nội dung như giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; giáo dục đại học; giáo dục nghề nghiệp và xem xét báo cáo kết quả giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em.

Ngoài các nội dung thường kỳ theo chương trình công tác, Ủy ban dành thời gian trao đổi, thảo luận về một số chuyên đề có tính thời sự trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách, được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Tại phiên họp, trong quá trình thảo luận về Báo cáo kết quả công tác năm 2022, dự kiến chương trình công tác năm 2023, Ủy ban đánh giá sâu hơn về kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, các vấn đề đặt ra trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; các nội dung cần tập trung triển khai trong dự kiến kế hoạch năm 2023 của Chính phủ trên các lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Ủy ban đã gửi các báo cáo phối hợp thẩm tra của Thường trực Ủy ban, của Ủy ban đối với các dự án Luật, các Nghị quyết nằm trong chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; thông tin tổng hợp tình hình dư luận báo chí, xã hội nổi lên trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách theo từng tháng và trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội để các đại biểu tham khảo, nghiên cứu, trao đổi thảo luận.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, kịp thời trong hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Mặc dù khối lượng công việc lớn, các lĩnh vực phụ trách rộng, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn đầu năm nhưng Ủy ban có nhiều nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực phụ trách.

Nhấn mạnh từ nay đến cuối năm, Ủy ban cần làm tốt các nhiệm vụ đề ra, nhất là chủ trì, phối hợp tổ chức Hội thảo văn hóa toàn quốc năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban tiếp tục rà soát, đối chiếu với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng thứ XIII của Đảng đoàn Quốc hội, của Tổ đảng ở Thường trực Ủy ban và các Đề án lớn của Quốc hội để cụ thể hóa trong từng hoạt động của Ủy ban...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án Luật lớn, đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, nhạy cảm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được giao thẩm tra về các quy định của dự thảo Luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, thể thao, du lịch; đất sử dụng đa mục đích. Vì vậy, Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, đóng góp thêm kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, sử dụng đất ở địa phương, cơ quan, đơn vị của mình, nhất là các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.

Năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục không có dự án Luật phải trực tiếp thẩm tra, nhưng năm 2024, 2025, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi các Luật Báo chí, Luật Xuất bản… Đây cũng là các dự án Luật khó, có tác động lớn trong xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban chủ động nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tiễn tại các địa phương, các bộ, ngành, chuẩn bị cho các dự án Luật này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết và tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được giao là cơ quan chủ trì, tham mưu giúp Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 88 và 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung được cử tri, Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm và đề nghị Ủy ban triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ, yêu cầu chất lượng đề ra trong Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát; đồng thời, phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của các thành viên Ủy ban.

* Tít bài viết do Tòa soạn đặt

Theo TTXVN